Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 20/11 (giờ địa phương) cho biết Berlin sẽ cung cấp cho Warsaw hệ thông phòng thủ tên lửa Patriot để hỗ trợ Ba Lan bảo vệ không phận.
Đồng thời, chính phủ Đức cho biết họ sẽ cung cấp cho nước láng giềng sự hỗ trợ nhiều hơn về mặt nhân lực. Động thái này được đưa ra sau khi một quả tên lửa S-300 rơi trúng ngôi làng của Ba Lan ở khu vực biên giới tiếp giáp Ukraine, làm dấy lên lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng.
Trao đổi với báo chí về kế hoạch của Đức, Bộ trưởng Lambrecht cho hay: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ba Lan đảm bảo an ninh không phận của họ bằng cả nhân lực và với hệ thống phòng không Patriot".
Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: Reuters
Trước đó, ngày 15/11, một quả tên lửa đã rơi xuống ngôi làng Przewodow của Ba Lan, khiến 2 người thiệt mạng tại chỗ. Sau khi thu thập thông tin tình báo xoay quanh vụ việc, cả Ba Lan và các nước phương Tây nói rằng tên lửa này có thể là tên lửa S-300 của phòng không Ukraine.
Theo đó, phương Tây cho rằng sự cố là do hệ thống phóng không Ukraine đánh chặn tên lửa Nga. Đồng thời, NATO và Mỹ nhận định Nga vẫn phải nhận "trách nhiệm cuối cùng" về vụ việc vì đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các hệ thống phòng không trên mặt đất như Patriot được chế tạo để đánh chặn tên lửa đang bay tới.
NATO đã tăng cường phòng không ở Đông Âu kể từ khi xung đọt nổ ra vào cuối tháng 2 vừa qua. Hơn 10 nước đồng minh NATO do Đức dẫn đầu vào tháng 10 đã khởi động sáng kiến hợp tác mua sắm các hệ thống phòng không để chống lại các mỗi đe dọa, bao gồm cả hệ thống Patriot. Lực lượng Đức hiện có 12 đơn vị Patriot, hai trong số đó đã được triển khai tới Slovakia.
Minh Hạnh (Theo Reuters)