(ĐSPL) - Khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, nhiều chủ đầu tư đã không thể bàn giao nhà theo đúng cam kết với khách hàng. Thế nhưng, khi nói đến trách nhiệm của chủ đầu tư, với khách hàng chẳng khác nào việc "bắc thang lên hỏi ông trời...".
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chủ đầu tư không thể bàn giao căn hộ đúng cam kết. Trong đó, những lý do thường được đưa ra là, thị trường khó khăn, chính sách tín dụng thắt chặt, đầu tư dàn trải, mất khả năng tài chính… Toàn những lý do "của chủ đầu tư", tuy nhiên, khách hàng lại không có cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình khi tiến độ dự án chậm bàn giao hoặc dự án không thể bàn giao.
"Bắc thang lên hỏi ông trời..."!
Tiền đã đóng nhưng dự án dang dở, chậm giao nhà hơn 2 năm. Người mua nhà phẫn nộ đòi nhà thì chủ đầu tư trả lời "cũng không biết đến ngày nào dự án có thể hoàn thiện…". Câu chuyện “cười ra nước mắt” nói trên đang diễn ra tại Dự án chung cư cao cấp Petro Vietnam Landmark thuộc Phường An Phú (Quận 2, TP.HCM) do Công ty Cổ phần Bất động sản xây lắp Dầu khí VN (PVCLand) làm chủ đầu tư.
|
Khách hàng Petro Vietnam Landmark căng băng-rôn trước cửa Toà nhà Tập đoàn Dầu khí đòi nhà (Ảnh: infonet).
|
Dự án được khởi công xây dựng năm 2009 và dự kiến hoàn thành 12/2011. Đến nay, thời hạn giao nhà đã quá hơn 2 năm, nhưng tiến độ dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thành xây thô. Các phương án hoàn thiện dự án bị đình đốn. Chủ đầu tư hầu như không còn khả năng tài chính để tái khởi động dự án.
Khách hàng đã có nhiều buổi họp, thậm chí, căng thẳng hơn là tổ chức căng băng-rôn, biểu ngữ... "quây" trụ sở của không chỉ chủ đầu tư (PVCLand) mà còn "hành quân" ra Bắc, "quây" Toà nhà Tập đoàn Dầu khí đòi nhà (PVCLand thuộc tập đoàn Dầu khí)... nhưng đến nay phía chủ đầu tư vẫn chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ có thể bàn giao nhà cho khách hàng.
Tai buổi hợp ngày 15/01/2014, giữa chủ đầu tư và khách hàng. PVCLand đưa ra dự kiến cần hơn 200 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư không đưa ra được phương án tài chính thật sự khả thi. Tất cả chỉ là "đang cố gắng", "đang tìm các giải pháp", "nhờ công ty mẹ" (Tổng Xây lắp Dầu khí - PVC). Đến tận bây giờ, câu hỏi "bao giờ bàn giao nhà" vẫn treo lơ lửng... ở "trên trời"!
|
Dự án The Pride - Hải Phát, trên đường Lê Văn Lương kéo dài. |
Điển hình thứ hai phải kể đến là Dự án The Pride - Hải Phát, trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Dự án khởi công vào năm 2009. Vào thời điểm đó, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát đã tự tin tuyên bố sẽ hoàn thành dự án sau 36 tháng thi công.
Theo hợp đồng, Hải Phát cam kết với khách hàng bàn giao nhà vào quý 2/2013. Thế nhưng, đến thời điểm này, thời hạn bàn giao nhà đã qua từ lâu, nhưng 3 tòa nhà CT1, CT2, CT4 của dự án... mới xây xong phần thô và việc hoàn thiện được triển khai rất chậm.
Trong đó, riêng tòa nhà CT3, theo thiết kế là 45 tầng, đến nay mới xây đến tầng 6. Tại dự án vẫn có công nhân vào ra công trường, tuy nhiên tiến độ thi công chẳng khác nào...làm cho có để đối phó với khách hàng.
Theo một số khách hàng tại dự án cho biết, chủ đầu tư cam kết quý 2/2014 bàn giao nhà, tuy nhiên căn cứ trên khối lượng công việc cần hoàn thiện, khách hàng không có niền tin dự án sẽ bàn giao theo đúng cam kết của lần gia hạn này.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều dự án chậm bàn giao nhà. Khách hàng không nhận được nhà đã khởi kiện ra tòa kinh tế, tòa dân sự. Nhưng nếu căn cứ các điều khoản trên hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng thì người bị thiệt bao giờ cũng là khách hàng. Điều duy nhất khách hàng có thể "kêu" là "thời hạn bàn giao nhà", nhưng người mua nhà lại "chẳng biết kêu ai” để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Đưa bảo hiểm nhà ở vào luật xây dựng?
Ngân hàng Bảo Việt (Baoviet Bank) là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm tiến độ dự án. Tại dự án Chung cư Hạ Đình Tower, Thanh Xuân, Hà Nội, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư 135 đã hợp tác với Ngân hàng Bảo việt chi nhánh Hà Nội để bảo điểm tiến độ dự án. Theo đó, Baoviet Bank sẽ quản lý và cam kết 100\% số tiền của khách hàng nộp mua căn hộ được đưa vào dự án. Nếu chủ đầu tư chậm tiến độ, ngân hàng này sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền khách hàng đã nộp cộng với phí phạt.
|
Khi dự án chậm bàn giao nhà, ai bảo vệ quyền lợi khách hàng?
|
Theo thông báo về chương trình này, Ngân hàng Bảo Việt đưa ra “Việc ngân hàng cấp cam kết bảo lãnh về tiến độ thi công và dòng vốn đối với những dự án đang trong thời gian hoàn thiện sẽ thể hiện sự minh bạch về tài chính, tiến độ thi công của chủ đầu tư, qua đó đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng”.
Gần đây trong Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đang có ý tưởng xây dựng quy định bắt buộc các dự án bất động sản phải mua bảo hiểm nhà ở để tránh rủi ro cho người mua nhà. Bảo hiểm này thực chất là bảo hiểm đối với trách nhiệm của chủ đầu tư khi không thực hiện đúng cam kết với khách hàng thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả phần thiệt hại cho khách hàng. Theo nhiều chủ đầu tư và phía ngân hàng, khoản "bảo đảm giao dịch nhà ở" này sẽ "tạo niềm tin cho khách hàng khi mua nhà". Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chủ đầu tư sẽ tìm cách "đẩy trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho khách hàng" bằng cách "cộng ngầm" vào giá căn hộ.
Trích Dự thảo sửa đổi Luật nhà ở Điều 118. Bảo đảm giao dịch nhà ở 1. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có nhu cầu bán nhà ở thương mại hình thành trong tương lai thì bắt buộc phải tham gia bảo đảm giao dịch nhà ở với bên bảo đảm để bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà ở. 2. Chủ đầu tư tham gia bảo đảm giao dịch nhà ở thông qua hợp đồng bảo đảm giao dịch nhà ở ký với bên bảo đảm và phải đóng phí bảo đảm giao dịch nhà ở cho bên bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều này. 3. Phí bảo đảm giao dịch nhà ở được tính trên tổng giá bán các căn hộ hình thành trong tương lai mà chủ đầu tư có nhu cầu bán. Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hoặc giải thể, phá sản khi đang triển khai thực hiện dự án thì bên nhận bảo đảm có trách nhiệm giải quyết quyền lợi của người mua nhà ở theo quy định sau đây: a) Hoàn lại cho người mua số tiền đã đóng trước cho chủ đầu tư; b) Thay chủ đầu tư tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện dự án để bàn giao nhà ở 4. Trường hợp giữa chủ đầu tư và bên bảo đảm có tranh chấp về việc thanh toán kinh phí bảo đảm giao dịch nhà ở thì các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. 5. Chính phủ quy định cụ thể hoạt động bảo đảm giao dịch nhà ở quy định tại Điều này. |