Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đột kích ngôi làng "đẻ thuê", giải cứu nhiều phụ nữ khuyết tật khỏi "địa ngục trần gian"

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Những kẻ vô nhân đạo trong làng này đã bóc lột nhiều phụ nữ khuyết tật, ép họ tham gia đường dây mang thai hộ bất hợp pháp; 9 người trong số đó vừa được giải cứu.

Theo VTC News, một ngôi làng ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc là trung tâm của đường dây mang thai hộ bất hợp pháp, nơi phụ nữ khuyết tật bị sử dụng làm người đẻ thuê. Ngày 12/5, đường dây này bị vạch trần bởi một nhà hoạt động chống buôn người tên là Shangguan Zhengyi, người có hơn 424.000 người theo dõi trên mạng xã hội.

Phát hiện nhiều người khuyết tật bị lợi dụng trong đường dây mang thai hộ. 

Shangguan cảnh báo chính quyền sau khi dành nhiều ngày theo dõi ngôi nhà đáng ngờ. Cảnh sát đã đột kích vào một cơ sở ở đây và phát hiện 16 giường bệnh được chuẩn bị cho các thủ thuật liên quan đến mang thai hộ. Có 9 phụ nữ, bao gồm cả những người mang thai hộ và người hiến trứng, được phát hiện bên trong cơ sở này.

Một phụ nữ khiếm thính 41 tuổi, đến từ tỉnh Thiểm Tây, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nói với Shangguan rằng cô đã trải qua một ca chuyển phôi và được trả 280 nghìn nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ đồng). Những người trung gian đã đưa cô đến cơ sở này, và cô không nhớ rõ mình đã ở đây bao lâu.

Còn cô gái 29 tuổi người dân tộc Di, quê tỉnh Tứ Xuyên, cho biết cô được trả chi phí 190 nghìn nhân dân tệ (khoảng 685 triệu đồng) sau khi chuyển phôi. Thủ thuật này được thực hiện mà không cần gây mê, nhưng cô khẳng định không cảm thấy đau.

Đường dây này hoạt động với cơ chế tổ chức tinh vi, có sự phân công lao động rõ ràng và các biện pháp đối phó nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Nhóm này sử dụng nhiều xe không biển số hoặc không giấy tờ hợp lệ để vận chuyển các phụ nữ mang thai hộ giữa các khu vực như huyện Trường Sa và quận Khai Phúc. Theo ước tính, mỗi ngày có từ 4 đến 10 ca phẫu thuật liên quan đến lấy trứng hoặc cấy ghép phôi được thực hiện tại các cơ sở này.

Sáng ngày 12/5,  sau khi nhận được tố giác, cơ quan chức năng đã cử lực lượng đến kiểm tra hiện trường, phong tỏa địa điểm và tiến hành xác minh danh tính, vai trò của các cá nhân liên quan. Chính quyền khẳng định sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật sau khi có kết quả điều tra chính thức.

Người phụ nữ câm điếc bị lợi dụng mang thai hộ.

Trong khi đó, tại một địa điểm khác ở quận Khai Phúc, cảnh sát phát hiện một cơ sở mang thai hộ hoạt động trong một căn biệt thự. Khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, nhiều người bên trong đã hoảng sợ trèo tường bỏ chạy. Tại hiện trường, áo phẫu thuật, mũ y tế và các vật dụng bị vứt lại ngổn ngang trên bãi cỏ cạnh tường biệt thự.

Đáng lo ngại hơn, bên trong phòng phẫu thuật, một số phụ nữ đang trong tình trạng mê man do bị tiêm thuốc mê, không còn khả năng tự vệ. Một số người khác vừa trải qua ca lấy trứng, quá yếu để có thể đi lại. Lực lượng chức năng đã lập tức gọi cấp cứu, đưa các nạn nhân đến bệnh viện địa phương để chăm sóc khẩn cấp và điều trị.

Phòng phẫu thuật được trang bị đầy đủ trang thiết bị.

Các hình ảnh do tình nguyện viên Shangguan Zhengyi cung cấp cho thấy quy mô và mức độ chuyên nghiệp của đường dây này. Không chỉ là các trang web quảng bá dịch vụ mang thai hộ trái phép, các loại thuốc, thiết bị y tế, cũng như phương tiện vận chuyển đều được tổ chức một cách có hệ thống.

Vụ việc đang làm dấy lên làn sóng quan ngại về tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ bất hợp pháp, đặc biệt là việc lợi dụng phụ nữ nghèo, người khuyết tật để phục vụ mục đích trục lợi. Dư luận yêu cầu các cơ quan chức năng không chỉ xử lý nghiêm minh vụ việc này mà còn siết chặt các quy định, giám sát để ngăn chặn các hoạt động tương tự trong tương lai.

Hiện công tác điều tra vẫn đang được tiến hành và chính quyền cam kết sẽ thông tin minh bạch đến người dân ngay khi có kết quả cụ thể, theo Sao Star.

Trước đó, theo VTV vào năm 2024, tại Việt Nam, một nhóm đối tượng tổ chức môi giới mang thai hộ, gây sức ép khống chế các phụ nữ mang thai đã bị Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội bắt giữ.

Cụ thể, cơ quan điều tra Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các đối tượng: Triệu Thị Kim Thảo (sinh năm 1991, trú tại phường 8, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng); Phạm Quốc Tuấn (sinh năm 1990, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội); Nguyễn Thị Thanh Loan (sinh năm 1993, trú tại ấp Tân Kiên, quận Bình Chánh, TP.HCM) và Trần Ngọc Nam (sinh năm 1995, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về cùng tội danh "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại".

Kiểm tra số nhà 32/37 ngõ 204 Xuân Đỉnh, Công an huyện Sóc Sơn cùng Công an phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện có 7 phụ nữ đang sinh sống trong nhà trọ, trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai, 1 phụ nữ đã cấy phôi thai… Cơ quan điều tra xác định, những phụ nữ này nằm trong đường dây mang thai hộ, do Thảo và Tuấn cầm đầu. Hai đối tượng khác là Loan và Nam đóng vai trò giúp sức.

Thông qua mạng xã hội, các đối tượng tìm các gia đình hiếm muộn, những phụ nữ không có khả năng làm mẹ để môi giới với giá từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ca mang thai hộ. Sau đó, các đối tượng lấy phôi rồi liên hệ với các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đặt vấn đề mang thai hộ với giá khoảng 300 triệu đồng/ca.

Người mang thai hộ cho biết: ''Ai cũng khó khăn. Người thì kiếm tiền về nuôi con, người thiếu nợ… mỗi người mỗi cảnh. Mang thai hộ được 280 - 300 triệu đồng''.Trong khi đó, theo hợp đồng của đối tượng với gia đình có nhu cầu, gia đình phải trả chi phí từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ.

''Làm đăng ký kết hôn cho bạn mang thai hộ với chồng giả, rồi làm các xét nghiệm ở bên ngoài. Tiền sẽ được trả theo từng giai đoạn'', đối tượng môi giới mang thai hộ khai.

Tin nổi bật