Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS, bỏ Hội đồng trường: Bộ GD&ĐT quyết tạo "cú hích đột phá"

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đề xuất nhiều điểm mới: bỏ bằng tốt nghiệp THCS, bỏ Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, phân cấp mạnh, tăng tự chủ và giảm thủ tục hành chính.

Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục 

Ngày 13/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đăng tải hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Theo đó Luật Giáo dục hiện hành (số 43/2019/QH14), có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đã tạo khung pháp lý quan trọng cho hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực thi, nhiều điểm bất cập đã bộc lộ rõ, đặc biệt là về cơ chế phân cấp, phân quyền, tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, hệ thống cấp học, mô hình Hội đồng trường, và các thủ tục hành chính rườm rà.

Đây cũng là nội dung được Bộ Chính trị và Chính phủ đặc biệt lưu ý. Kết luận số 91-KL/TW (12/8/2024) nêu rõ cần “tập trung sửa đổi, bổ sung pháp luật về giáo dục, tháo gỡ điểm nghẽn, tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình…” Trong khi đó, Quyết định số 1705/QĐ-TTg (2024) phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng hiện đại, liên thông và hội nhập.

Điểm mới trong dự thảo Luật là xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học, gồm hai bậc: trung học nghề và cao đẳng. Trong cấp học này, người học được đào tạo ở ba trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Cụ thể: Trung học nghề dành cho học sinh sau THCS, tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông nền tảng và kỹ năng nghề, hướng tới đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp; Cao đẳng dành cho người học sau THPT hoặc tương đương, đào tạo ở trình độ cao đẳng. Cách thiết kế này bảo đảm cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông, phù hợp với Khung trình độ quốc gia và thông lệ quốc tế.

Dự thảo Luật quy định bỏ bằng tốt nghiệp THCS và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho việc Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS.

Dự thảo Luật Giáo dục bỏ bằng tốt nghiệp THCS, tăng phân quyền cho nhà trường 

Việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS và phân cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu tất yếu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng thực tiễn quản lý giáo dục và tiệm cận thông lệ quốc tế.

Bộ GD&ĐT cho rằng việc này nhằm, thể chế hóa chủ trương phân cấp quản lý; Cắt giảm khâu trung gian, giảm áp lực cho cơ quan quản lý cấp huyện; Tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường; Tiệm cận thông lệ quốc tế (nhiều nước phát triển không cấp bằng THCS); Không ảnh hưởng đến quyền học tập, chuyển cấp của học sinh.

Tương tự, hiệu trưởng trường THPT sẽ được giao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT thay vì Giám đốc Sở GD&ĐT như hiện nay.

Đề xuất xóa bỏ mô hình Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập

Dự thảo Luật cũng đề xuất xóa bỏ mô hình Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập. Lý do là Hội đồng trường hiện nay hoạt động hình thức, thiếu thực quyền, trùng lặp vai trò với hiệu trưởng và các thiết chế khác trong nhà trường như chi bộ, công đoàn, hội phụ huynh…

Việc duy trì mô hình này không những không hiệu quả mà còn làm phình bộ máy, tăng gánh nặng hành chính. Bộ GD&ĐT cho rằng cần thay đổi để tập trung quyền điều hành và tăng trách nhiệm cá nhân của hiệu trưởng.

Đề xuất xóa bỏ mô hình Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập. Ảnh minh họa

Một thay đổi quan trọng khác là dự thảo Luật xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học độc lập, gồm hai bậc: trung học nghề và cao đẳng.

Trong đó, Trung học nghề dành cho học sinh sau THCS, kết hợp dạy văn hóa và kỹ năng nghề;Cao đẳng dành cho người học sau THPT hoặc tương đương. Cách thiết kế này nhằm phân rõ cấp học, trình độ đào tạo, tạo tính mở và liên thông theo Khung trình độ quốc gia, phù hợp thông lệ quốc tế.

Dự thảo Luật xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa, đồng thời giao quyền biên soạn, thẩm định và phê duyệt tài liệu này cho địa phương. Điều này thể hiện tinh thần phân cấp triệt để, giảm thủ tục, tăng quyền chủ động cho các tỉnh, thành trong xây dựng nội dung giáo dục phù hợp với đặc thù vùng miền.

Một điểm đột phá trong dự thảo là cắt giảm trên 50% thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực giáo dục. Dự kiến có tới 69 TTHC bị ảnh hưởng bởi các điều chỉnh, giúp rút ngắn quy trình, giảm giấy tờ, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và giảm nguy cơ phát sinh tiêu cực.

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền thành lập, chia tách, sáp nhập các cơ sở giáo dục theo hướng rõ ràng, phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Hướng tới một nền giáo dục linh hoạt, hiệu quả hơn

Những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục cho thấy nỗ lực rõ rệt của Bộ GD&ĐT trong việc đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng giảm hành chính, tăng thực quyền, cởi trói cho nhà trường, tiệm cận quốc tế và tháo gỡ các điểm nghẽn tồn đọng.

Hồ sơ dự thảo đang được công bố để lấy ý kiến rộng rãi. Dự kiến, sau khi tiếp thu chỉnh lý, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Tin nổi bật