Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy: “Nút thắt cổ chai” cần xem xét tháo gỡ

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Nhiều đại biểu, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng quy định công bố hợp quy gây tốn kém, trì hoãn sản xuất, cần được xem xét bãi bỏ để gỡ vướng.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến liên quan đến quy định về công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa.

Tại hội trường, đại biểu Trần Thị Vân ( Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, hiện có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên, cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để phân tích, đánh giá và làm rõ tác động của quy định này đến hiệu quả quản lý. Tất cả đều có chung kiến nghị: bãi bỏ quy định về công bố hợp quy trong Dự thảo Luật. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu, đề xuất bỏ quy định này.

Ngày 13/5, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức tọa đàm “Công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa – Một số vấn đề pháp lý”. Tại đây, đại diện các hiệp hội cũng đồng tình với kiến nghị của đại biểu Quốc hội.

Theo TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam từ trước đến nay, mọi hoạt động quản lý sản phẩm, hàng hóa ở Việt Nam đều chịu sự chi phối bởi hai luật: Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Toàn cảnh tọa đàm

Trong đó, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có tác động đến rất nhiều luật và pháp lệnh khác. Việc tuân thủ các quy định chuyên ngành khiến doanh nghiệp không thể làm khác. Nếu cố ý “lách luật” thì sẽ vi phạm pháp luật.

Theo ông Dương, có thể luật này phù hợp với giai đoạn 20 năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã khác, chúng ta cần một cách tiếp cận khác.

Ông Dương cho rằng: "Bất cập lớn nhất nằm ở yêu cầu phải công bố hợp quy trước khi sản xuất và lưu thông sản phẩm. Đó là việc làm vô nghĩa, không có giá trị trong hoạt động quản lý".

Ông đưa ra ví dụ, mỗi sản phẩm khi công bố hợp quy tốn chi phí trung bình từ 5 đến 30 triệu đồng. Ví dụ, nước thải chăn nuôi được dùng làm phân bón, điều đã được quy định từ lâu. Tuy nhiên, để chứng minh điều này vẫn phải mất thêm chi phí hợp quy.

Thứ hai, nếu tuân thủ đúng quy trình chứng nhận hợp quy theo quy định hiện hành, thời gian lưu hành sản phẩm phải mất từ 5 đến 15 ngày. Điều này gây chậm trễ, mất cơ hội kinh doanh với hàng triệu sản phẩm.

Thứ ba, quy định này trái với thông lệ quốc tế trong thương mại. Hiện 100% lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải công bố hợp quy, điều không nước nào áp dụng. Ở nhiều nước, dấu hợp quy không có ý nghĩa trong hoạt động thương mại.

“Thực tế, trong thương mại hiện nay, phần lớn giao dịch diễn ra qua môi trường điện tử, hàng hóa được chuyển thẳng từ nơi cung cấp đến nơi tiêu thụ, không qua trung gian. Tuy nhiên, do yêu cầu công bố hợp quy, hàng hóa về Việt Nam phải lưu kho, chờ cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra rồi mới được lưu hành. Điều này khiến chúng ta không thể thực hiện hiệu quả thương mại điện tử”, ông Dương khẳng định.

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

Ngoài ra, việc quá chú trọng công bố hợp quy dẫn đến lơ là trong hậu kiểm. Ông Dương cho rằng, việc sử dụng một mẫu kiểm nghiệm để đại diện cho một lô sản phẩm trong nhiều năm là vô lý.

“Cơ quan chức năng lơ là hậu kiểm, còn người tiêu dùng thì bị đánh lừa. Nhiều người thấy sản phẩm được chứng nhận bởi cơ quan A, cơ quan B thì tin tưởng, sử dụng. Đây là nguyên nhân gốc rễ của các vi phạm liên quan đến sữa, thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng triệt phá trong thời gian qua", ông Dương phân tích.

Giảm các thủ tục hành chính, cơ hội phát triển kinh tế

Về Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ông Dương chia sẻ, hiện nay Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang chia các sản phẩm thành ba nhóm: rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao. Cách tiếp cận này theo ông là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và xu hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

“Nhưng chúng ta lại thiết kế 3 nhóm này để đưa ra 3 chế độ công bố hợp quy. Như vậy vẫn là bình mới rượu cũ. Chúng tôi kiến nghị nhà nước sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, thay vì công bố hợp quy, quy định là hàng hoá sản xuất kinh doanh đưa vào thị trường phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng và quy chuẩn áp dụng.

Và kiến nghị trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phân 3 nhóm theo nguy cơ rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao để nhà nước thiết kế chế độ kiểm tra phù hợp, để người dân lựa chọn những cách kiểm soát phù hợp”, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất.

TS. Nguyễn Tri Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng đưa ra ý kiến góp ý. Ông đề cập đến việc phải giảm các thủ tục hành chính, để có cơ hội phát triển kinh tế.

TS. Nguyễn Tri Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam

Đồng thời, ông Ngọc cũng đề xuất: “Cần phải thay đổi phương thức quản lý, đó là quản lý nhà nước phải được tăng cường, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bởi có quá nhiều bài học rõ ràng như: vụ sữa giả, gạo, phân bón, thuốc… Nhất định phải bỏ chứng nhận hợp quy”.

Trước đó, tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sáng 10/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến đại biểu, quy định về công bố hợp quy là một công cụ để quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường.

Ông Dũng nhấn mạnh, nếu chúng ta không có tiêu chuẩn để chúng ta quản lý, giám sát, kể cả tiền kiểm chưa nói đến hậu kiểm thì ảnh hưởng ngay đến an toàn sức khỏe của người dân, của cộng đồng, môi trường.

"Những vấn đề đó các nước đều có cả, như tổ chức tiêu chuẩn hóa ISO 1750 của quốc tế, rồi Liên minh châu Âu hay các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, v.v. đều có những thứ đó hết, bắt buộc chúng ta cũng phải có", Phó Thủ tướng nói.

Vấn đề ở đây, theo ông Dũng là chúng ta quản lý loại nào, quản lý đến đâu và quản lý bằng cách nào để vẫn đảm bảo được công tác quản lý Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra thị mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Song quy định phải thuận lợi hóa cho sự minh bạch và thuận lợi hóa cho các hoạt động doanh nghiệp, giảm chi phí, giảm thời gian tuân thủ và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho hàng hóa Việt Nam.

Từ đó, ông Dũng cho biết, sẽ rà soát lại theo tinh thần vừa quản lý được nhưng phải vừa kiến tạo cho phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Tin nổi bật