Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Danh sách những cụm từ Bộ Y tế đề xuất cấm dùng trong quảng cáo mỹ phẩm

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Bộ Y tế đang đề xuất cấm các từ ngữ "trị mụn", "giảm béo", "chữa viêm da", "duy nhất", "100% tự nhiên" trong quảng cáo mỹ phẩm.

Theo thông tin từ báo Dân trí, Bộ Y tế đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm (thay thế Nghị định 93/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm), trong đó, đề xuất nhiều quy định mới về quảng cáo mỹ phẩm.

Theo dự thảo Nghị định mới về quản lý quảng cáo mỹ phẩm, các cơ sở kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với nội dung quảng cáo sản phẩm mà không cần thực hiện thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo với cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải bảo đảm phù hợp với bản chất thật sự của sản phẩm, đúng theo phân loại, tính năng và công dụng đã được công bố theo quy định pháp luật. Quảng cáo không được làm người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm là thuốc hay có tác dụng điều trị bệnh.

Dự thảo nghiêm cấm sử dụng hình ảnh, tên tuổi, trang phục của cán bộ y tế trong quảng cáo; cấm ngôn từ và hình ảnh phóng đại, gây hiểu lầm về khả năng điều trị của sản phẩm.

Đặc biệt, dự thảo quy định nghiêm cấm sử dụng các từ ngữ, cụm từ mang tính điều trị, phóng đại hoặc khẳng định tuyệt đối trong quảng cáo mỹ phẩm.

Ảnh minh họa.

Theo đó, nội dung quảng cáo mỹ phẩm không được sử dụng nhóm từ ngữ mang tính điều trị hoặc chữa bệnh như "điều trị", "tiệt trừ", "chuyên trị", "chữa bệnh", "khỏi", "khỏi hẳn", "dứt", "cắt đứt", "chặn đứng", "giảm ngay", "giảm liền", "giảm tức thì", "khỏi ngay", "chữa viêm da", "giảm dị ứng", "diệt nấm", "diệt virus", "xóa sẹo", "giảm sẹo lồi", "làm sạch vết thương".

Nhóm từ ngữ mang tính quảng cáo phóng đại, không thực tế cũng bị nghiêm cấm trong nội dung quảng cáo mỹ phẩm như "trị nám vĩnh viễn trong 7 ngày", "trị mụn, trắng da thần tốc", "kem trị nám", "mỹ phẩm tự nhiên 100%", "trắng da cấp tốc", "trắng da siêu tốc", đều bị cấm.

Nhóm từ ngữ khẳng định tuyệt đối hoặc so sánh vượt trội như "hàng đầu", "đầu bảng", "đầu tay", "lựa chọn", "chất lượng cao", "tuyệt hảo", "tuyệt vời", "cực kỳ", "bảo đảm/đảm bảo 100%", "an toàn", "tốt nhất", "duy nhất", "nhất"... cũng không được xuất hiện trong quảng cáo mỹ phẩm, theo Báo Người lao động.

Dự thảo cũng không cho phép sử dụng các cụm từ liên quan đến công dụng không được phép công bố như "kích thích mọc tóc", "mọc lông mi", "loại bỏ/giảm mỡ", "giảm béo", "giảm cân", "giảm kích thước cơ thể", "ngăn ngừa hoặc dừng sự phát triển của lông", "dừng quá trình ra mồ hôi", "mực xăm vĩnh viễn".

Dự thảo nêu rõ, quảng cáo mỹ phẩm không được sử dụng hình ảnh động, thực vật nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm. Tính năng sản phẩm phải phù hợp với nội dung được phép công bố theo phụ lục của Nghị định.

Về yêu cầu an toàn, tổ chức, cá nhân đưa mỹ phẩm ra thị trường phải bảo đảm sản phẩm không gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng đúng hướng dẫn. Sản phẩm phải đáp ứng giới hạn kim loại nặng, vi sinh vật và tạp chất theo tiêu chuẩn ASEAN. Việc đánh giá tính an toàn cũng phải tuân thủ hướng dẫn của Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN (ACC).

Dự thảo đồng thời bổ sung quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Theo đó, nhà máy sản xuất phải có đủ nhân sự được đào tạo chuyên ngành phù hợp và theo tiêu chuẩn CGMP, có ít nhất 24 tháng kinh nghiệm. Người phụ trách sản xuất và kiểm tra chất lượng phải làm việc toàn thời gian, hoạt động độc lập với nhau. Nhân viên sản xuất cũng cần có trình độ và được đào tạo bài bản.

Nội dung quảng cáo bắt buộc phải có tên sản phẩm, công dụng, tên tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm, kèm cảnh báo theo quy định quốc tế. Nếu quảng cáo trên báo nói, báo hình, các nội dung này phải được đọc rõ ràng.

Dự thảo đang được lấy ý kiến để hoàn thiện, hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh mỹ phẩm minh bạch, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tin nổi bật