Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dân tố bị công an xã hành hung, chính quyền làm ngơ

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Bị công an xã đánh trọng thương cách đây hơn 6 tháng, nhưng từ đó đến nay, mặc dù anh Thể đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều nơi mà vẫn chưa được giải quyết.

(ĐSPL) – Bị công an xã đánh trọng thương cách đây hơn 6 tháng, nhưng từ đó đến nay, mặc dù anh Thể đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều nơi mà vẫn chưa được giải quyết

Từ lần cưỡng chế để lấy đất…

Theo lời kể của anh Phan Trọng Thể ở thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức, TP Đồng Hới (Quảng Bình), vào ngày 12/4/2001, vợ chồng anh Phan Trọng Thể và chị Trần Thị Ái có ký hợp đồng nhận với Lâm trường Đồng Hới thuộc Công ty TNHH MTV Lâm - Công nghiệp Long Đại một khoảng đất gần 5.000m2, theo chủ trương dãn dân và phủ xanh đất trống đồi núi trọc lúc bấy giờ. Từ khi được giao, vợ chồng anh Thể ra sức rà phá bom mìn còn sót lại trên diện tích nói trên và trồng Bạch Đàn, Keo, Tràm để phục hóa làm nhà ở, phục vụ cho việc làm ăn và sinh sống. Gia đình anh cũng được Lâm trường tạo điều kiện vay vốn hộ nghèo để trồng cây phát triển kinh tế ổn định đời sống gia đình.

Cũng từ đó đến nay, gia đình anh Thể vẫn chưa thanh lý hợp đồng với Lâm trường Đồng Hới và cũng không nhận được thông báo nào về việc đơn vị này sẽ lấy lại đất của gia đình anh. Mọi chuyện sẽ không có gì để nói, nếu một ngày mảnh đất vốn hơn 13 năm gia đình anh sinh sống và làm ăn không nằm trên trục đường mòn Hồ Chí Minh và gần với khu dân cư ngã 3 thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức sắp quy hoạch.

Anh Thể tố bị công an xã Thuận Đức hành hung. Ảnh: NVCC

Đến ngày 20/8/2012, anh Thể nhận được thông báo của UBND xã Thuận Đức là gia đình anh phải tự chặt cây trên vườn để xã lấy lại đất. Anh thấy quá vô lý vì xã chưa làm thủ tục đền bù công tái tạo đất và cây trồng trên đất cho mình nên không đồng ý với thông báo của UBND xã đưa ra.

Sau 2 lần yêu cầu anh Thể không thành, ngày 12/12/2013, chính quyền xã Thuận Đức đã tổ chức cưỡng chế bằng cách sử dụng máy ủi vào phá cây và đào hào trong khu đất của anh Thể. Anh Thể ra ngăn cản vì không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương liền bị một số công an viên của UBND xã Thuận Đức dùng dùi cui cao su đánh túi bụi vào đầu và còng tay anh.

Sau đó, dù trên người đang bị thương tích và trong tình trạng tay bị còng, anh Thể vẫn bị đưa về trụ sở công an xã, rồi mới đến trạm y tế xã, nhưng không có ai băng bó cho. Sau đó, anh được người nhà đưa về Công an thành phố Đồng Hới trình báo và được hướng dẫn khám cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới. Vài ngày tiếp theo, sau khi được tư vấn pháp lý, anh Thể quyết định đi giám định thương tật tại TTGĐPY tỉnh Quảng Trị và được kết luận bị tổn thương cơ thể 33\%.

Là người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc, bà Lưu Thị Mai, thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức (TP Đồng Hới) cho biết: “Khi đến cưỡng chế nhà anh Thể, họ đưa máy móc rồi nhiều người ở xã cùng đến, trong đó có cả ông Phó chủ tịch xã chỉ đạo cưỡng chế. Tôi thấy Thể chạy ra can ngăn thì bị anh Sơn - công an xã lấy dùi cui đập liên tiếp vào đầu, sau đó là mấy người cùng xúm lại đánh, rồi còng tay Thể lại. Đến khi máu trên đầu Thể chảy nhiều quá, tôi mới hô hoán mọi người giúp đỡ. Khi đánh Thể xong, họ cũng không mở còng ra mà bỏ đi luôn, đến khi có anh công an trên thành phố xuống đưa Thể đến trạm xá”.

Bà Mai, nhân chứng vụ việc đang kể lại diễn biến hôm xẩy ra vụ xô xát trên 

Theo như lời anh Thể nói, chứng kiến sự việc xảy ra còn có rất nhiều người dân địa phương, nhưng họ đều không dám đứng ra làm chứng cho anh vì sợ bị trả thù.

Đến cách trả lời của chính quyền địa phương

Từ khi sự việc cưỡng chế và gây thương tích cho anh Thể xảy ra đến nay cũng hơn 6 tháng, nhưng chính quyền xã Thuận Đức không hề có bất cứ động thái nào đối với gia đình anh. Thậm chí, những người dân này cũng không nhận được bất cứ thông báo cưỡng chế nào, cũng như lời động viên thăm hỏi đến sức khỏe. Điều đáng nói hơn, mặc dù anh Thể đã rất nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Đến ngày 3/1/2014, UBND TP Đồng Hới có gửi cho anh Thể công văn giải quyết đơn tố cáo của anh. Nhưng trong công văn cho rằng, gia đình anh Thể đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, cố tình cản trở làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng khu dân cư ngã 3 thôn Thuận Phước, quá trình phản ánh thiếu trung thực. Đồng thời, yêu cầu anh không được tự ý lấn chiếm sử dụng trái phép xung quanh.

Không đồng tình với cách làm trên của UBND TP Đồng Hới vì theo anh Thể, bản thân gia đình anh không tự ý lấn chiếm sử dụng trái phép đất đai. Anh hoàn toàn có giấy tờ chứng nhận của Lâm trường Đồng Hới giao đất cho anh. Mặt khác, chính quyền muốn thu hồi lại diện tích đất nói trên của anh phải có văn bản cụ thể và chính sách đền bù thỏa đáng cho cây cối mà anh đang trồng bấy lâu nay. Đồng thời, những người gây thương tích cho anh phải bị trừng trị theo pháp luật. “Nếu tôi sai tôi xin chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật, còn những người đi thực thi pháp luật, họ làm sai thì họ cũng phải xin lỗi và phải chịu trách nhiệm. Đằng này, họ gây thương tật cho tôi rồi lại còn nói tôi thiếu trung thực”, anh Thể nói.

Bài học về việc “ thuận lòng dân”…

Khi PV tìm cách làm việc với xã Thuận Đức thì nhận được thái độ thiếu thiện chí của lãnh đạo xã. Sau mấy lần đến làm việc tại trụ sở UBND xã không thành, liên lạc qua điện thoại ông Nguyễn Duy Văn, Chủ tịch UBND xã từ chối gặp PV với lý do bận đi học nên không có thời gian gặp, nói rằng, muốn hỏi việc của anh Phan Trọng Thể thì lên gặp lãnh đạo thành phố Đồng Hới giải quyết.

Anh Thể đang làm việc với PV.

Theo luật sư Diệp Kiến Trúc của Văn phòng Luật sư Diệp Trúc (Hội luật sư Quảng Bình), việc anh Phan Trọng Thể bị đánh gây tổn hại 33\% có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Dù cán bộ UBND xã Thuận Đức có tổ chức thi hành công vụ đi nữa, chưa đề cập đến việc không có thông báo cưỡng chế, quyết định cưỡng chế, ngang nhiên đưa máy móc, lực lượng cán bộ đến đào phá đất của dân thì cũng không được phép đánh người gây thương tích thành cố tật cho người dân.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, thương tích của anh Thể theo kết quả giám định pháp y sau khi sự việc xảy ra là 33\% đã có dấu hiệu tội phạm và trách nhiệm khởi tố, hay không còn tùy thuộc yêu cầu của người bị hại mà là do Cơ quan công an sẽ khởi tố theo quy định của Bộ luật hình sự. Việc anh Phan Trọng Thể bị đánh vào sáng 12/12/2013, gây tổn hại sức khỏe cho anh Thể 33\% đã có dấu hiệu tội phạm của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Thậm chí, hành vi này có thể coi là phạm tội Giết người vì anh Thể bị gây thương tích bằng dùi cui cao su cứng trang bị cho công an xã, là vật cứng nguy hiểm cho tính mạng khi bị đánh liên tục vào đầu.

Khi sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, anh Phan Trọng Thể vẫn đang tìm cách để kêu cứu ở nhiều nơi và chính quyền thì im lặng. Một sự im lặng làm đảo lộn của sống gia đình anh Thể. Từ một người khỏe mạnh, lao động chính trong gia đình, anh Thể nay trở thành một người chậm chạp, yếu ớt. Trong khi vợ anh – chị Trần Thị Ái cũng là một công nhân thuộc Lâm trường Đồng Hới thì đau ốm luôn, không đủ sức chèo chống gia đình cùng hai đứa con đang tuổi ăn học.

Thiết nghĩ, đây cũng là bài học mà chính quyền UBND xã Thuận Đức phải rút ra được từ công tác dân vận đến việc đồng thuận của người dân. Qúa trình quản lý đất đai của địa phương vẫn còn nhiều lỏng lẻo, quá trình xử lý thiếu chặt chẽ và mềm dẻo cho nên va chạm với người dân là việc đáng tiếc xảy ra. Vì vậy, người dân có tìm được công minh của pháp luật hay không thì đều phụ thuộc vào sự công tâm của những cán bộ “công bộc của dân”.

Tin nổi bật