(ĐSPL) – Khi chủ nhà đang thọ án trong tù nhận được thông báo của Cục Thi hành án là sẽ cưỡng chế bán đấu giá căn nhà và đất trị giá 2 tỷ của ông, thì ngày hôm trước căn nhà đã được bán xong, với giá… chưa tới 800 triệu! Chủ nhà khiếu nại thì cơ quan THA không cho sao lục hồ sơ.
Đang ngồi tù nhận được tin… nhà bị bán!
Ngày 14/8/2013, ông Võ Văn Lợi trong trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai nhận được thông báo của Cục Thi hành án Dân sự (THA) tỉnh Đăk Lăk. Văn bản này thông báo: nhà và kho bãi của ông sẽ được bán đấu giá vào ngày… 13/8. Ông Lợi té ngửa, hốt hoảng gọi cho vợ là bà Nguyễn Thị Kim Loan đang ở tại địa phương. Lúc này tới lượt bà Loan bật ngửa vì cũng không biết nhà của mình đã… bị bán mất vào hôm qua!
Ngày 2/9/2013, ông Lợi được ra tù trước thời hạn. Ông đến Cục THA tỉnh Đăk Lăk hỏi nguyên do và xin sao lục hồ sơ. Tuy nhiên, chấp hành viên thực hiện việc thi hành án này là Trần Văn Lập trả lời rằng, trong thời gian ông Lợi thụ án và Cục THA tổ chức thực hiện việc bán đấu giá, tất cả giấy tờ đều gửi đến cho ông Lợi ở trại giam Gia Trung, và Cục THA đã làm đúng, nên giờ không cho sao lục nữa!
|
Ngôi nhà của ông Lợi được cưỡng chế để giao cho người đấu giá trúng.
|
Tháng 6/2009, ông Võ Văn Lợi (SN 1962, thường trú thôn Ea Đen, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Lợi) phải thực hiện hình phạt tù tại trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai. Ông Lợi ủy quyền cho vợ là bà Nguyễn Thị Kim Loan thay ông thực hiện nghĩa vụ tố tụng tại tòa trong vụ việc ngân hàng Ngoại thương kiện đòi nợ.
Trước đó, năm 2008 ông Lợi thế chấp nhà và kho bãi tại thôn Ea Đen xã Ea Nam huyện Ea H’leo cho ngân hàng Ngoại thương để vay 750 triệu đồng. Sau đó ông Lợi không trả được nợ, ngân hàng Ngoại thương kiện ông ra tòa, yêu cầu cưỡng chế để thu hồi nợ. Do đó khi bị bắt đi thi hành án phạt tù, ông Lợi đã ủy quyền toàn bộ cho vợ tham gia tố tụng. Và tháng 9/2009 tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk tuyên buộc ông Lợi phải trả cho ngân hàng 845 triệu đồng.
Hết thời gian tự nguyện thi hành án, ông Lợi ở tù, bà Loan không trả được nợ nên Cục THA Dân sự tỉnh Đăk Lăk lập các thủ tục kê biên, cưỡng chế tài sản là ngôi nhà và đất của ông Lợi để trả tiền cho ngân hàng.
Bán nhà trước, thông báo đến sau!
Ngày 14/8/2013, ông Lợi ở trong tại giam Gia Trung nhận được “Thông báo về việc tổ chức bán đấu giá tài sản” số 884 của Chi cục THA Dân sự tỉnh Đăk Lăk. Thông báo này cho biết, nhà và đất của ông Lợi tại xã Ea Nam huyện Ea H’leo sẽ được tổ chức bán đấu giá vào ngày 13/8! Có nghĩa khi ông Lợi nhận được thông báo thì tài sản của ông đã bị bán xong!
Thông báo của Chi cục THA Dân sự tỉnh Đăk Lăk được ông Trần Văn Lập, chấp hành viên, ký ngày 09/8, dấu công văn đến trại Gia Trung ngày 13/8, và hôm sau ông Lợi nhận được. Trong văn bản này, ông Lập ghi rõ: “Ông Võ Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Kim Loan có quyền nhận lại tài sản bán đấu giá khi nộp đủ số tiền thi hành án, thanh toán chi phí cưỡng chế, thông báo bán đấu giá trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 (một) ngày”.
|
Ông Lợi xin sao chép hồ sơ nhưng Cục THA DS Đăk Lăk không cho.
|
“Vậy mà họ tước quyền của tôi!”, ông Lợi nức nở khi làm việc với báo Đời sống và Pháp luật. “Toàn bộ tài sản của tôi, nhà và đất 2 tỷ đồng, bị người ta bán với giá chưa tới 800 triệu đồng, trời ơi!”.
Ông Lợi cho biết, ngày 2/9 ông được ra tù trước thời hạn và đến Cục THA Dân sự tỉnh Đăk Lăk đề nghị được tìm hiểu vụ việc và xin sao lục hồ sơ. Nhưng chấp hành viên Trần Văn Lập trả lời rằng toàn bộ giấy tờ đã chuyển cho ông Lợi thời gian ông ngồi tù nên giờ không được sao lục nữa!
Ông Lợi hỏi về việc vì sao đơn vị THA không gửi thông báo cho vợ ông, được trả lời rằng vì Cục THA không biết bà Loan ở đâu nên không gửi được. Do đó cơ quan THA đã dán niêm yết tại nơi sẽ cưỡng chế THA.
Cơ quan thi hành án đã làm đúng?
Chúng tôi đã gọi vào số cầm tay của ông Trần Văn Lập, chấp hành viên, người thực hiện việc tổ chức thi hành án, cưỡng chế bán đấu giá tài sản của ông Lợi. Ông Lập bảo rằng hãy hỏi Cục trưởng cục Thi hành án.
Ở một hướng khác, ông Hoàng Đức Sĩ, Phó chánh Văn phòng Cục THA Dân sự tỉnh Đăk Lăk, trả lời báo chí rằng khi ra thông báo bán đấu giá, chấp hành viên đã đến tận nhà giao văn bản nhưng bà Loan vợ ông Lợi đã đi khỏi địa phương và không biết ở đâu. Do đó đơn vị THA đã niêm yết tại nơi có tài sản sẽ THA. “Còn việc ông Lợi ở trong tù nhận thông báo trễ, vì ông Lợi đã ủy quyền cho vợ rồi nên đơn vị THA chỉ gửi thông báo để ông Lợi biết chứ không phải để thực hiện”, ông Sĩ nói. Ông Phó chánh Văn phòng cũng trả lời rằng việc ông Lợi yêu cầu sao lục hồ sơ không được chấp nhận vì các khiếu nại của ông Lợi đã được trả lời bằng các quyết định giải quyết khiếu nại.
Ông Sĩ kết luận rằng cơ quan THA đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục.
“Họ nói như vậy là không đúng sự thực!”, ông Lợi khẳng định. “Chính ông Trần Văn Lập đã từng nhận tiền từ tay vợ tôi và còn yêu cầu vợ tôi gửi tiền vào tài khoản của vợ ông ta, làm sao ông Lập không biết vợ tôi ở đâu?”.
Theo ông Lợi, từ khi ông đi tù, vợ ông là bà Loan vẫn ở tại Ea Nam, huyện Ea H’leo. Một lần, ông Lập nói với bà Loan rằng, ngôi nhà ở Ea Nam giá đang xuống, cần định giá lại nên bà Loan phải đưa tiền cho ông ta đi thuê đơn vị định giá (?). Giấy ông Lập ký nhận tiền từ tay bà Loan vào ngày 12/9/2012, tức chưa đầy 1 năm trước khi cưỡng chế. Sau đó bà Loan về TP.HCM làm ăn, ông Lập vẫn liên lạc bằng điện thoại và yêu cầu bà Loan gửi vào tài khoản của vợ ông Lập 2 triệu nữa. “Như vậy ông Lập không những biết vợ tôi ở đâu, lại còn có số điện thoại của vợ tôi nữa”, ông Lợi quả quyết.
Đời sống và Pháp luật đã làm việc với luật sư Phan Ngọc Nhàn, đoàn luật sư tỉnh Đăk Lăk. Luật sư Nhàn cho biết, Luật THA Dân sự quy định rõ quyền của đương sự có tài sản bị kê biên là được thông báo trực tiếp tất cả quyết định, giấy triệu tập, văn bản liên quan đến việc thi hành án. Đương sự cũng có quyền được chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản, được chuộc lại tài sản của mình trước khi bán đấu giá. “Ông Lợi chỉ ủy quyền cho vợ tham gia tố tụng tại tòa chứ không hề ủy quyền cho vợ THA. Do đó, việc cơ quan THA Dân sự tỉnh Đăk Lăk tổ chức bán đấu giá tài sản, bắt buộc đều phải thông báo cho ông Lợi. Nếu không thực hiện điều này thì có nghĩa việc THA đã sai thủ tục”, luật sư Nhàn khẳng định. Còn luật THA quy định việc niêm yết công khai các thông báo, quyết định, chỉ thực hiện khi không biết địa chỉ, không liên hệ được với đương sự. Trong khi ở đây, Cục THA biết ông Lợi đang ở trại giam, Cục THA phải gửi thông báo đến trại giam và phải có xác nhận của ông Lợi thì mới tiến hành bán đấu giá tài sản của vợ chồng ông. Và, việc ông Lợi yêu cầu được sao lục toàn bộ hồ sơ thi hành để có căn cứ khiếu nại thì phải được đáp ứng, đó là quyền đã được quy định trong Luật Khiếu nại. |
Điều 39. Thông báo về thi hành án 1. Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. 2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. 3. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây: a) Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; b) Niêm yết công khai; c) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. 4. Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu. Điều 40. Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân 1. Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ. 2. Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự. Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ. Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 của Luật này. 3. Trường hợp người được thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải thông báo theo địa chỉ mới của người được thông báo. (Luật Thi hành án Dân sự năm 2008) |