Theo Nghị quyết, Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập trường Kinh tế trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Kinh tế và Quản lý, VTC News đưa tin.
Cùng với đó thành lập 4 viện nghiên cứu, gồm:
Viện Khoa học và Công nghệ sức khỏe trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Điện tử Y sinh học.
Viện Công nghệ Điều khiển và Tự động hóa trên cơ sở tái cơ cấu Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa.
Viện Công nghệ năng lượng trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh.
Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước trên cơ sở phát triển Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước.
Ban giám hiệu Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội ra mắt ngày 2/8. Ảnh: HUST
VnExpress dẫn lời PGS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định đây không phải chỉ là đổi tên gọi mà có sự khác biệt lớn về mô hình phát triển và khát vọng vươn lên, đổi mới. Dù phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, đại học này vẫn lấy công nghệ và kỹ thuật làm nòng cốt.
Tháng 12/2022, trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội theo quyết định của Chính phủ, là đại học thứ 6 của Việt Nam (5 đại học trước đó gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng).
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên.
Bộ GD&ĐT đánh giá mô hình đại học thích hợp với một hệ thống lớn, cán bộ, giảng viên và sinh viên đông, đa dạng như Bách khoa Hà Nội.
Mô hình này vừa đảm bảo sự tự chủ và điều hành thống nhất, vừa tạo điều kiện cho từng đơn vị trực thuộc có quyền tự chủ, giúp cả hệ thống tăng sự năng động, sáng tạo.
Mỗi năm, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 8.000-9.000 sinh viên chính quy, tổng quy mô đại học và sau đại học khoảng 40.000 sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh.