Theo chuyên trang Góc Nhìn Pháp Lý, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/ QH15 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đi cùng là Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự giao thông.
Khoản 1 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/ QH15 đã quy định về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:
Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại Khoản 4 Điều này. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
- Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
- Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;
- Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo quy định trên, trong số các loại giấy tờ mà người tham gia giao thông bắt buộc phải mang theo từ ngày 1/1/2025 vẫn bao gồm giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Một trong các loại giấy tờ mà người tham gia giao thông phải mang theo là chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Ảnh minh họa
Chuyên trang Gia Đình & Xã Hội cho biết, theo Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc còn hiệu lực sẽ tăng lên từ 200.000 - 300.000 đồng.
Bên cạnh đó,, người điều khiển xe máy chuyên dùng không có chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng, theo Khoản 1 Điều 19 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Mức phạt đối với các phương tiện khác như ô tô, vẫn giữ nguyên. Người điều khiển ô tô không có hoặc không mang theo bảo hiểm bắt buộc sẽ chịu mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng, đảm bảo tính nhất quán với các quy định trước đó.
Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định phí bảo hiểm xe máy như sau:
Phí bảo hiểm cho thời hạn bảo hiểm 1 năm (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng)
TT | Loại xe | Phí bảo hiểm (đồng) |
I | Mô tô 2 bánh | |
1 | Dưới 50 cc | 55.000 |
2 | Từ 50 cc trở lên | 60.000 |
II | Mô tô 3 bánh | 290.000 |
III | Xe gắn máy (bao gồm xe máy điện) và các loại xe cơ giới tương tự | |
1 | Xe máy điện | 55.000 |
2 | Các loại xe còn lại | 290.000 |
Phí bảo hiểm cho thời hạn bảo hiểm khác 1 năm (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng)
Đối với các xe cơ giới mua bảo hiểm có thời hạn khác 1 năm, phí bảo hiểm được tính dựa trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định và tương ứng với thời hạn bảo hiểm. Cách tính cụ thể như sau:
Trường hợp thời hạn bảo hiểm từ 30 ngày trở xuống, phí bảo hiểm phải nộp được tính bằng phí bảo hiểm năm theo loại xe cơ giới/(chia) cho 12 tháng.