Ở vùng cao Tây Bắc, rêu suối không chỉ là một loài thực vật mọc tự nhiên mà còn được ví như "lộc trời" ban tặng. Người dân nơi đây không cần tốn công sức hay vốn liếng, chỉ cần đến mùa là có thể ra suối hái về để chế biến thành những món ăn dân dã, đậm đà hương vị núi rừng. Rêu mọc bám quanh những tảng đá lớn nhỏ, ẩn mình dưới dòng nước trong veo và chỉ xuất hiện theo mùa.
Ở vùng cao Tây Bắc, rêu suối không chỉ là một loài thực vật mọc tự nhiên mà còn được ví như "lộc trời" ban tặng.
Từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau là thời điểm rêu suối vào độ "chín", khi đó chúng mọc dài ra, có khi đến cả sải tay người lớn. Màu sắc của rêu cũng thay đổi tùy thuộc vào độ sâu của nước, từ xanh lục đậm đến xanh non mơn mởn, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy sống động.
Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, rêu suối được phân thành ba loại chính: cui, cay và tau. Rêu "cui" có dạng sợi mảnh như tóc, màu sắc hơi sẫm; rêu "cay" có sợi mọc rời rạc, màu xanh tươi mát; còn rêu "tau" lại mọc thành từng mảng lớn ở ao hoặc các khe suối. Mỗi loại rêu mang một đặc điểm và hương vị riêng, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực của vùng cao.
Chị Xính, một người dân ở xã Tân Thành, Bắc Quang, Hà Giang, chia sẻ trên tờ Tri thức & Cuộc sống: "Chúng tôi gọi là 'bắt' rêu, bởi vì coi nó như một loại thực phẩm quý giá giống như cá hay cua suối. Việc đi bắt rêu không quá vất vả, nhưng đòi hỏi sự cẩn thận và kinh nghiệm. Người có kinh nghiệm sẽ biết được chỗ nào rêu mọc thành đám dày đặc và đá ít trơn trượt để khai thác."
Rêu "cui" có dạng sợi mảnh như tóc, màu sắc hơi sẫm; rêu "cay" có sợi mọc rời rạc, màu xanh tươi mát; còn rêu "tau" lại mọc thành từng mảng lớn ở ao hoặc các khe suối.
Sau khi thu hoạch, rêu được mang về giặt sạch với nước suối để loại bỏ cát và tạp chất. Tiếp theo, người ta trải rêu lên một tảng đá phẳng, dùng một khúc gỗ lớn để đập. Công đoạn sơ chế rêu đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, phải giặt và đập rêu vài lần để loại bỏ hoàn toàn chất bẩn.
Sau khi sơ chế, cả một rổ rêu tươi xanh chỉ còn đủ cho một bữa ăn. Rêu sau khi chế biến có màu xanh đậm, khi chạm vào thì mềm và mát như lụa.
"Rêu chỉ sống trong khoảng 7 ngày, khi rêu mọc được 3-4 ngày là thời điểm thu hoạch tốt nhất, sau 7 ngày rêu sẽ chuyển sang màu trắng bệch và không thể ăn được nữa," chị Xính cho biết thêm.
Từ xa xưa, người dân vùng cao đã biết khai thác rêu suối để chế biến thành các món ăn dân dã, mang đậm hương vị đặc trưng. Canh rêu suối, rêu nướng, rêu xào lá tỏi hay nộm rêu là những món ăn quen thuộc trên mâm cơm của người dân nơi đây.
Đặc biệt, món nộm rêu được chế biến khá công phu, người ta chọn rêu non, cho vào chõ đồ xôi đến khi vừa chín tới, trộn cùng bột canh, mì chính và các loại gia vị như gừng, mùi, mắc khén. Nếu thích ăn cay, có thể thêm ớt nướng giã nhỏ. Hương vị cay nồng của mắc khén, ớt quyện cùng vị ngọt mát, mềm mại của rêu tạo nên một món ăn khó quên.
Ngày nay, những món ăn từ rêu suối đã không còn là đặc sản riêng của các gia đình vùng cao nữa. Chúng xuất hiện ngày càng nhiều trong các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh Tây Bắc. Sự lạ miệng và hấp dẫn của rêu suối đã chinh phục được đông đảo du khách gần xa, khiến họ không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức khi đến với vùng đất này. Thậm chí, nhiều du khách còn muốn trải nghiệm tự tay đi "bắt" rêu suối, sau đó mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
Anh Trần Huy (đến từ Hà Nội) vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức các món ăn chế biến từ rêu suối khi tới du lịch Yên Bái.
"Khi chín, rêu không còn giữ được màu xanh lá lạ mắt nhưng ăn rất lạ miệng, có vị thơm ngon. Rêu mềm, có hương vị riêng, bùi bùi, thoang thoảng cả vị của nước suối, ăn một lần vẫn nhớ mãi. Tôi thích nhất món nộm rêu. Tôi cũng mua vài cân rêu về làm quà cho cả nhà, ai ăn cũng khen ngon và thích thú", anh nói trên báo VietNamnet
May mắn được thưởng thức rêu nướng ở Hà Giang 2 năm trước, chị Phạm Thu Nga (đến từ Hải Phòng) "phải lòng" món đặc sản này ngay từ lần đầu. "Có những lần thèm rêu nướng quá, tôi lại bắt xe khách lên Hà Giang chơi vài ngày để được thưởng thức hương vị của món ăn này.
Ngày nay, những món ăn từ rêu suối đã không còn là đặc sản riêng của các gia đình vùng cao nữa.
Trên chợ mạng, rêu suối cũng trở thành một mặt hàng được ưa chuộng. Rêu được làm sạch, đóng gói cẩn thận trong túi zip thành các viên tròn, bán với giá khoảng 35.000 đồng/kg. Người dân các bản làng đã tận dụng nguồn rêu từ tự nhiên để khai thác, chế biến và bán, kiếm thêm thu nhập.
Công việc "bắt" rêu phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, nếu trời thuận lợi, mỗi người có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Khi "bắt" rêu, người ta phải đứng dưới suối, tay quơ ngang để lấy rêu non, còn những cọng rêu già vẫn sẽ bám chặt vào đá.
"Rêu chủ yếu là chất xơ, rất tốt cho sức khỏe, giúp giảm mỡ trong máu. Đây cũng là món ăn lý tưởng cho những ai muốn ăn kiêng hoặc giảm cân," chị Xính cho hay.