The Guardian đưa tin, trong những bình luận đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ gây tổn hại kinh tế cho Nga nếu không chấm dứt xung đột ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những phát biểu mang âm điệu thiện chí đối với người đứng đầu nước Mỹ.
"Chúng tôi tin vào những phát biểu của đương kim Tổng thống Mỹ về việc ông ấy sẵn sàng hợp tác. Chúng tôi luôn cởi mở và sẵn sàng đàm phán. Sẽ tốt hơn nếu hai bên gặp nhau, dựa trên thực tế của ngày hôm nay để nói chuyện một cách bình tĩnh", Tổng thống Putin nói với một nhà báo Nga.
Chủ nhân điện Kremlin mô tả việc tương tác với ông Trump là "mang tính chuyên nghiệp, như kinh doanh nhưng cũng thực tế và dựa trên sự tin tưởng".
Theo ông Putin, Nga chưa bao giờ từ chối giao tiếp với Mỹ song các cuộc tiếp xúc đã bị Washington làm gián đoạn. Đồng thời, Moscow có khá nhiều điểm chung với chính quyền Mỹ đương nhiệm.
Người đứng đầu nước Nga cũng cho hay, các cuộc đàm phán với Ukraine trở nên phức tạp do Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký một sắc lệnh ngăn cản đàm phán.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Ngày 23/1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Trump đã kêu gọi OPEC hạ giá dầu toàn cầu xuống như một cách để đánh vào nguồn doanh thu quan trọng của Nga.
"Ngay lúc này, giá dầu đủ cao để cuộc xung đột tiếp diễn", ông Trump nói. Doanh thu từ dầu và khí là nguồn tiền mặt quan trọng nhất của Nga, chiếm từ 1/3 tới 1/2 số tiền thu được từ ngân sách liên bang trong thập kỷ qua.
Lên tiếng về tuyên bố này, Tổng thống Putin nói rằng giá dầu quá thấp là điều không tốt cho cả Mỹ và Nga.
Hồi tháng 6 năm ngoái, tại một cuộc họp cấp cao với các quan chức Bộ Ngoại giao Nga, Tổng thống Putin đã nêu ra các điều kiện tiên quyết của Moscow để giải quyết xung đột. Những điều kiện này bao gồm việc Ukraine rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố sáp nhập, từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và cam kết về một tình trạng trung lập, phi hạt nhân. Moscow cũng yêu cầu dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.
Trong một diễn biến khác liên quan, Tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đóng băng hầu hết viện trợ nước ngoài, chỉ có rất ít ngoại lệ.
"Tôi biết có nhiều tổ chức trên toàn thế giới trước đây được chính phủ Mỹ hỗ trợ. Tôi chỉ có thể nói về những gì Ukraine có thể không nhận được và những gì tôi đang tập trung vào. Tôi đang tập trung vào viện trợ quân sự, vốn vẫn chưa bị dừng lại", ông Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Moldova Maia Sandu.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã ban hành lệnh tạm dừng chi tiêu đối với hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày.
Theo tài liệu nội bộ được tiết lộ, ông Marco Rubio yêu cầu tất cả các cơ quan ngoại giao và lãnh sự quán ngay lập tức dừng mọi hoạt động phân bổ ngân sách cho các chương trình viện trợ nước ngoài, bao gồm cả các khoản tài trợ đã được chính phủ phê duyệt trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Theo một số quan chức ngoại giao, đây là bước đi mạnh nhất từ trước đến nay của chính phủ Mỹ đối với viện trợ nước ngoài. Các chuyên gia cảnh báo, động thái này có thể vấp phải thách thức pháp lý.
Lệnh của Tổng thống Trump không nêu rõ liệu các khoản viện trợ quân sự đã được phân bổ có bị ảnh hưởng hay không. Một quan chức hiện tại của Bộ Ngoại giao Mỹ và 2 quan chức của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden chỉ ra, lệnh của ông Rubio có thể ảnh hưởng đến viện trợ cho các đồng minh chủ chốt.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Lầu Năm Góc, quyết định không ảnh hưởng đến hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine.