Thu hút khách với hàng siêu rẻ, miễn phí vận chuyển
Thông tin từ Tiền phong, hững ngày gần đây, người dùng Facebook tại Việt Nam thường xuyên thấy hiển thị quảng cáo về sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu với nội dung khá hấp dẫn: “Tôi thấy rất nhiều món đồ mình thích trên Tamu và đều đang giảm giá. Cứ như vừa trúng mánh vậy”; “Temu giảm giá tưng bừng đến 90%”; “Giao hàng miễn phí và hoàn trả miễn phí”; "Đừng bỏ lỡ cơ hội này! Giá thấp nhất"; "Ưu đãi rất tuyệt, không thể bỏ qua"…
Đa dạng hàng siêu rẻ đang được bán trên Temu kèm chính sách miễn phí vận chuyển. Nguồn: Internet
Không ít người tò mò truy cập Temu để trải nghiệm và phải thốt lên: “Hàng rẻ hơn bèo, cái gì cũng có”.
Đơn cử, một chiếc kính 35.454 đồng; tai nghe không dây 46.954 đồng; camera an ninh HD không dây 142.609 đồng; đồng hồ thông minh 185.063 đồng; ốp lưng điện thoại chống sốc 15.000 đồng; kính râm thông minh không dây V5.3 mới 275.916 đồng…
“Giá cực rẻ. Mình đã mua vài thứ, thấy thời gian ship hàng khá nhanh và theo dõi được”, anh Hải Anh (Hà Nội) chia sẻ.
Anh Duy, một khách hàng tại Hà Nội cũng rất ngạc nhiên khi đặt mua một số món hàng dùng trong nhà, giá rất rẻ, như khóa hành lý giá chỉ 35 nghìn đồng. Các món đồ cho trẻ em cũng chỉ vài chục nghìn. Khi nhận hàng không ưng lắm, anh yêu cầu đổi hàng, Temu hoàn lại tiền ngay lập tức kèm thông báo khách không cần trả lại món hàng. Như vậy khách được tặng hàng miễn phí luôn.
Không chỉ riêng tại Việt Nam, “cơn sốt” Temu đang "hoành hành" tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bà Hoàng Vinh (một Việt kiều ở Mỹ), cho biết đã mua đèn vườn mặt trời, rèm cửa, khăn nhà bếp… Những thứ dùng ngắn hạn, giá chỉ bằng 1/10 hay 1/15 so với các hãng bình dân ở Mỹ. Cách thức trả hàng và nhận lại tiền rất đơn giản.
Ông Nguyễn Dũng (sống ở Úc) cũng đã mua hàng qua Temu vài lần và không thấy có vấn đề gì.
Hàng không ưng ý, khiếu nại, sẽ được trả lại tiền. Với hàng giá trị không quá cao còn được nhận lại tiền mà không phải trả hàng.
Tuy nhiên, cũng đã có không ít ý kiến phản ánh về chất lượng của hàng bán trên Temu. “Chất lượng hàng rất tệ, đa phần hàng ship từ Trung Quốc, hàng nhái nhiều, ảnh chụp rất đẹp nhưng nhận về thì rệu rạo” là cảm nhận của anh Phan Thắng (Hà Nội).
Chị Mai Anh (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Chọn Temu vì những loại hàng dưới 10 USD nếu không ưng sẽ được nhận lại tiền mà không cần trả hàng. Nhưng hơi rác nhà vì mua về cũng chỉ được vài món ưng ý”.
Không cần quá lo lắng cho hàng Việt
Nhiều người không khỏi lo ngại rằng “cơn bão” Temu hàng siêu rẻ của Trung Quốc sẽ đe dọa hàng Việt, khiến hàng loạt doanh nghiệp Việt phải đóng cửa.
Thông tin từ VietNamNet, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, kinh doanh trong một môi trường nhiều biến động, trước sự xuất hiện của các đối thủ mới với giá rẻ như kiểu của Temu, sự lo ngại là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, bên cạnh phân khúc hàng giá rẻ còn có cả phân khúc của hàng giá trung bình - chất lượng trung bình và phân khúc của hàng giá cao - chất lượng cao. Ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển từ thị trường giá rẻ sang thị trường giá trung bình. Hành vi tiêu dùng của người Việt cũng dần có sự chuyển biến, đòi hỏi hàng có chất lượng trung bình hoặc chất lượng cao chứ không chỉ chọn hàng giá rẻ. Xu hướng người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tự hào khi dùng hàng Việt Nam cũng đang gia tăng.
“Nếu môi trường kinh doanh quá khó khăn, thu nhập của người dân quá thấp, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm giá rẻ có lợi thế lớn. Còn với môi trường kinh tế và mức thu nhập trung bình của người Việt hiện nay, chúng ta cũng không cần phải quá lo lắng”, ông Minh nhận định.
Cũng theo ông Minh, miễn phí vận chuyển không phải chính sách mới lạ của Temu mà đã trở thành chiến lược marketing được sử dụng phổ biến trong hoạt động TMĐT đối với hàng giá rẻ. Tại Việt Nam, “giao hàng 0 đồng” đã từng đưa Shopee vươn lên vị trí số 1 thị trường Việt.
“Trên thế giới, chi phí trung bình để có 1 khách hàng TMĐT dao động từ 10-20 USD (khoảng 200-500 nghìn đồng). Với đơn hàng giá rẻ, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 10% thì cũng chỉ 20-30 nghìn đồng, mức chi phí này được coi là rẻ để thu thập thêm khách hàng. Tuy nhiên, muốn giao hàng nhanh với chi phí thấp, sàn TMĐT phải triển khai đơn vị giao hàng của riêng mình.
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp TMĐT nước ngoài không thể triển khai đơn vị giao hàng riêng tại Việt Nam, vẫn phải thuê đơn vị giao hàng bên ngoài, thì sẽ nhanh chóng giảm nguồn lực trong một khoảng thời gian nhất định”, ông Minh phân tích.
Trước nguy cơ lãng phí xã hội và ô nhiễm môi trường khi hàng loạt hàng kém chất lượng tràn vào thị trường Việt qua Temu, đại diện VECOM cho rằng khó tránh khỏi hệ lụy hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hoặc tăng lượng rác xả ra môi trường, bởi tâm lý người tiêu dùng đều muốn mua dùng thử.
"Chúng ta cần sớm xây dựng hành lang chính sách rõ ràng về việc phải đóng gói thế nào, hàng hóa phải đạt chuẩn ra sao, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam như thế nào… Đó chính là những rào cản kỹ thuật không cho sản phẩm hàng hóa kém chất lượng vào thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường kinh doanh và môi trường sống tại Việt Nam”, ông Minh khuyến nghị.