(ĐSPL) - Bắc Kinh từng hy vọng kiếm được dầu lửa, lãnh thổ hoặc lợi thế chiến lược, nhưng việc hạ đặt giàn khoan 981 ở Biển Đông quả là “một thảm họa”.
|
"Cuộc phiêu lưu” giàn khoan 981 khiến cho Mỹ đưa thêm nhiều tàu chiến vào Biển Đông. |
Trong một bài viết đăng trên
The National Interest, học giả Bill Hayton - tác giả cuốn sách “Biển Đông: cuộc đấu tranh quyền lực ở Châu Á” sắp được Đại học Yale xuất bản - nhận định rằng cuộc phiêu lưu khoan dầu gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông quả là một thảm họa.
Tính toán sai lầm
Không có dầu mới đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, không chiếm thêm được lãnh thổ hàng hải mới nào và lợi thế khu vực lại được “chuyển giao” cho Mỹ. Hành động đưa giàn khoan dầu Hải Dương-981 xuống Biển Đông lại khiến cho các nước ASEAN đoàn kết hơn và vị thế của các lực lượng “thân Trung Quốc” ở Đông Nam Á bị suy yếu nghiêm trọng. Hơn thế nữa, cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã tỏ ra bất lực. Làm thế nào mà tất cả các tính toán của Trung Quốc về giàn khoan 981 đều sụp đổ?
Người ta không thể biết ban lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng những gì, khi phê chuẩn việc triển khai giàn khoan dầu lớn nhất của đất nước (giàn khoan Hải dương Thạch đầu 981) và một hạm đội tàu bảo vệ vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Đây chắc chắn không chỉ là một nỗ lực tìm kiếm dầu khí. Có nhiều nơi khác tốt hơn để Trung Quốc tiến hành khảo sát. Vào ngày 19/3, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo đã phát hiện ra một mỏ khí cỡ vừa tại vùng biển không tranh có tranh chấp gần đảo Hải Nam. Khai thác mỏ khí này đã bị trì hoãn, khi Trung Quốc tiến hành “cuộc phiêu lưu” mang tên giàn khoan Hải Dương-981 ở gần quần đảo Hoàng Sa xa hơn về phía nam.
Hai khu vực mà giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 thăm dò không phải là những khu vực có nhiều triển vọng về dầu khí. Một báo cáo năm 2013 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tiềm năng dầu khí của quần đảo Hoàng Sa là rất thấp. Có vẻ như CNOOC, vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi, tránh tham gia cuộc phiêu lưu mạo hiểm này. Mặc dù công ty con COSL của CNOOC đã được vận hành giàn khoan 981, chiến dịch thăm dò này lại do Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) chỉ đạo. Trong khi đó, CNPC lại không có kinh nghiệm thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Giàn khoan Hải Dương-981 đã kết thúc sứ mệnh sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch đề ra, khi đối mặt với sự xuất hiện của siêu bão Rammasun. CNPC tuyên bố rằng giàn khoan 981 đã tìm thấy hydrocarbon, nhưng không cho biết chi tiết. Gần như chắc chắn rằng CNPC sẽ không bao giờ khai thác thương mại vì cả lý do kỹ thuật lẫn chính trị.
Không phải để tìm kiếm dầu khí và phản tác dụng
Hoạt động khoan thăm dò này thực ra không phải để tìm kiếm dầu khí mà vì mục đích chính trị. Một hoạt động qui mô và có tính chất quan trong như vậy phải được lên kế hoạch tốt và phải được phê duyệt ở cấp cao nhất. Chính quyền Trung Quốc thông báo rằng giàn khoan 981 đã đến vị trí đã định vào ngày 3/5, đúng một tuần trước khi một Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được tiến hành tại Myanmar. Có lẽ Bắc Kinh đã hy vọng lặp lại thành công tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Phnom Penh vào tháng 7/2012. Khi đó, ASEAN bị chia rẽ và nước đăng cai Campuchia đã bác bỏ một tuyên bố chung, khiến cho Philippines và Việt Nam bị cô lập trong tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc được hy vọng đạt được điều tương tự với giàn khoan 981, thì nước này đã nhận được cái hoàn toàn ngược lại. ASEAN đã trở nên đoàn kết hơn và ra một tuyên bố chung mà trên thực tế là yêu cầu Bắc Kinh rút lui. Đây là lần đầu tiên ASEAN ra tuyên bố chung về quần đảo Hoàng Sa, nơi vốn bị coi là tranh chấp thuần túy song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhà phân tích Andrew Chubb lập luận rằng hành động bày tỏ tình đoàn kết thầm lặng này của ASEAN tác động đến Bắc Kinh mạnh hơn những tuyên bố dồn dập được đưa ra ở Washington.
Một số nhà bình luận đã cho rằng Trung Quốc muốn xâm chiếm Biển Đông bằng chiến thuật “cắt lát xúc xích”, nhưng chính hành động hạ đặt giàn khoan 981 ở vùng biển của Việt Nam lại khiến cho “các lát xúc kích” bị cắt rời liên kết lại thành “một cây xúc xích nguyên khối”.
Nhà phân tích Hugh White (người Australia) đã lập luận rằng mục đích của Trung Quốc trong các cuộc đối đầu khiêu khích như vậy là nhằm làm suy yếu các mối liên hệ ràng buộc an ninh của Mỹ ở Đông Nam Á. Ông nói: "Đối đầu với các nước bạn bè của Mỹ bằng vũ lực, Bắc Kinh đã buộc Washington phải lựa chọn giữa bỏ rơi bạn bè hoặc chiến đấu Trung Quốc. Bắc Kinh đang đánh cược rằng khi phải đối mặt với sự lựa chọn này, Mỹ sẽ rút lui và bỏ mặc các nước đồng minh và bạn bè không nơi nương tựa. Điều này sẽ làm suy yếu liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ, làm suy yếu sức mạnh của Mỹ ở Châu Á và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc”. Trên thực tế, Mỹ đã có những phản ứng mạnh chưa từng thấy.
Nói tóm lại, Trung Quốc không đạt được bất cứ điều gì với việc triển khai giàn khoan Hải Dương-981 (khai thác dầu khí, xâm chiếm lãnh thổ hoặc giành lợi thế chiến lược lâu dài).
Chính sách Biển Đông của TQ phản chiếu ưu tiên của các "nhóm lợi ích"
Làm thế nào để có thể giải thích một thất bại chính sách đối ngoại như vậy?
Rất có thể, chính sách Biển Đông của Trung Quốc chỉ là một sự phản chiếu những ưu tiên nội bộ hơn là một chính sách ngoại giao được cân nhắc kỹ càng. Tóm lại, Biển Đông đã trở thành “một thùng thịt lợn khổng lồ” đối với một số tỉnh, một số cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc (gọi chung là “các nhóm lợi ích”).
Hải Nam là tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc và tương đối nghèo với một nền kinh tế chủ yếu bằng nghề nông. Trong những năm gần đây, tỉnh này đã ra sức phát triển các ngành công nghiệp đánh cá và đã nhận được rất nhiều trợ cấp của chính phủ trung ương để trang bị đội ngũ tàu thuyền đánh cá mới. Tháng trước, một phóng viên thực địa của hãng tin Reuters ở Hải Nam đưa tin rằng mỗi chiếc tàu – trong số hàng ngàn tàu cá của tỉnh Hải Nam – đã nhận được khoản trợ cấp từ 300 đến 500 USD mỗi ngày để đi đánh bắt cá ở những vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, một thuyền trưởng ở đây đã ngang nhiên nói: "Chính quyền hỗ trợ đánh bắt cá ở Biển Đông là để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc". Phóng viên Reuters phát hiện được 8 tàu cá mới tinh tại cảng Đông Phương trên đảo Hải Nam và mỗi chiếc tàu đóng mới này được nhà nước “tài trợ” 322.500 USD.
Các công ty dầu mỏ cũng có thể chơi “con bài chủ quyền” trong việc hỗ trợ các dự án “bán thương mại” ở Biển Đông. Hồi tháng 5/2012, khi CNOOC đầu tư rất nhiều tiền vào giàn khoan Hải Dương-981, chủ tịch tập đoàn này đã mô tả giàn khoan 981 là "lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược".
CNPC có thể đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro về kỹ thuật và chính trị mà CNOOC không muốn mạo hiểm. Đây là lần đầu tiên giàn khoan Hải Dương-981 được sử dụng trong vùng biển sâu và lần đầu tiên triển khai ở vùng biển tranh chấp. Có thể CNPC muốn “chơi trội” với CNOOC, nhưng cũng có thể ban lãnh đạo CNPC muốn chiều ý Bắc Kinh để thoát khỏi những rắc rối chính trị. Với một loạt cáo buộc tham nhũng, CNPC đã xung phong dùng giàn khoan 981 xâm chiếm Biển Đông…để cứu lấy sinh mạng chính trị của tập đoàn.
Khi phối hợp với nhau, sức mạnh của các “nhóm lợi ích” ở Trung Quốc là rất lớn. Họ có thể gây ảnh hưởng, thao túng chính sách của Bắc Kinh nghiêng về phía có lợi cho họ. Các “nhóm lợi ích” này cũng có một lợi ích chung là khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.