Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cục Y tế dự phòng nhận định sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc Zika

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, trong thời gian tới, có thể sẽ ghi nhận thêm các trường hợp mắc Zika.

(ĐSPL) – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, trong thời gian tới, có thể sẽ ghi nhận thêm các trường hợp mắc Zika.

Trước tình hình diễn biến gia tăng các ca nhiễm bệnh Zika như hiện nay, PV đã có cuộc phỏng vấn với  PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế).

PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế).

Zika bắt nguồn từ các quốc gia châu Phi, châu Á và ở nước ta hiện tại TP HCM và các tỉnh phía nam đang đứng đầu về số ca nhiễm Zika. Vậy có phải do nhiệt độ và khí hậu nắng nóng quyết định nhiều đến việc lan truyền?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 15/12/2016 đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika, Chủ yếu tại khu vực châu Mỹ (49 quốc gia) và châu Á (23 quốc gia) là khu vực có khí hậu xích đạo và khí hậu nhiệt đới có nền nhiệt đọ cao, rất phù hợp cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Việt Nam đã có 9 tỉnh, thành phố có các trường hợp mắc, phần lớn các trường hợp mắc được ghi nhận tại khu vực miền Nam và miền Trung. Đây là khu vực có điều kiện khí hậu, thời tiết và môi trường phù hợp cho muỗi truyền bệnh Zika sinh sản, phát triển, khu vực này cũng là vùng trọng điểm về kinh tế, du lịch và thương mại, có mật độ dân số cao, có nhiều khách du lịch, buôn bán đến từ các nước và các tỉnh thành trong nước nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao.

Đã có thống kê chính thức về dịch bệnh Zika ở nước ta chưa?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Tại Việt Nam, theo báo cáo hệ thống giám sát dịch bệnh tính đến ngày 14/12/2016, cả nước ghi nhận 152 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại 09 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh (115), Bình Dương (07), Khánh Hòa (06), Đắk Lắk (02), Bà Rịa - Vũng Tàu (02), Phú Yên (01), Long An (01), Tây Ninh (01), Đồng Nai (01), trong đó đã ghi nhận 01 trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ có nhiều khả năng liên quan đến vi rút Zika và cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam.

Trước tình hình diễn biến phức của dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế nhận định, vi rút Zika đã lưu hành tại Việt Nam. Trong thời gian tới, có thể sẽ ghi nhận thêm các trường hợp mắc do sự giao lưu thương mại, du lịch giữa các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực, do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh Zika đã lưu hành rộng trên cả nước và miễn dịch của cộng đồng với vi rút Zika còn thấp. Do đó cần triển khai đồng bộ các giải pháp với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và chủ động tham gia của cộng đồng trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Vi rút Zika đã có từ lâu nhưng tại sao gần đây bệnh đầu nhỏ mới trở nên phổ biến?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Như chúng ta đã biết, vi rút Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại Uganda, sau đó lan sang các nước khác tại châu Phi năm 1947-1948 và ghi nhận rải rác các trường hợp tại một số nước, với tỷ lệ mắc không cao nên chưa được quan tâm nghiên cứu. Năm 2015, các vụ dịch lan rộng tại các quốc gia khu vực Nam Mỹ và xuất hiện các trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ nghi có liên quan đến vi rút Zika thì dịch bệnh mới được quan tâm và được Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên cũng chỉ có 29 quốc gia có ghi nhận trường hợp mắc chứng đầu nhỏ nghi liên quan đến vi rút Zika trong số 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có ghi nhận trường hợp mắc vi rút Zika. Tại khu vực châu Á, cũng mới có Thái Lan ghi nhận 02 trường hợp và Việt Nam 01 trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ có nhiều khả năng liên quan đến vi rút Zika. Hiện nay các nghiên cứu về chứng đầu nhỏ và những ảnh hưởng của bệnh vẫn còn nhiều hạn chế.

Chứng đầu nhỏ do bệnh Zika gây nên.

Cho đến nay Bộ Y tế đã có phương án nào để ngăn chặn các ca nhiễm bệnh Zika đang tăng nhanh ở các điểm dịch?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới công bố tình trạng y tế công cộng cần quan tâm khẩn cấp đối với dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành ngay kế hoạch hành động, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Bộ Y tế ban hành và tập huấn cho các địa phương về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn giám sát, phòng chống. Mục tiêu của gia đoạn hiện nay là triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất sự lan truyền vi rút Zika tại cộng đồng và phòng Zika lây truyền ở các bà mẹ mang thai. Để chủ động ngăn chặn sự lây lan của vi rút Zika trong thời gian tới, giảm thiểu các nguy cơ gây hại do nhiễm vi rút Zika, Bộ Y tế tập trung triển khai một số hoạt động trọng tâm như sau:

Tăng cường dự phòng các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika và trường hợp trẻ đẻ ra có chứng đầu nhỏ;

Tăng cường truyền thông nguy cơ dự phòng nhiễm vi rút Zika đặc biệt với nhóm phụ nữ mang thai và phụ nữ tuổi sinh sản dự định có thai;

Thực hiện giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch lưu hành tại cộng đồng;

Tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý các trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika, thai nhi nghi đầu nhỏ và trẻ đẻ ra có chứng đầu nhỏ;

Nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ học, vi rút học và lâm sàng các trường hợp nhiễm vi rút Zika cung cấp bằng chứng khoa học cho việc lập kế hoạch phòng chống hiệu quả.

Theo một nhận định cho rằng “Ai cũng có thể nhiễm Zika”, vậy khi người trưởng thành bị nhiễm Zika thì sẽ ảnh hưởng như thế nào?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Khoảng 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng, các trường hợp còn lại thường có biểu hiện nhẹ và khỏi sau một tuần điều trị triệu chứng thông thường. Các triệu chứng của bệnh bao gồm như phát ban trên da kèm theo một hoặc các biểu hiện khác như: sốt (thường sốt nhẹ), viêm kết mạc mắt không mủ, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ.

Điều quan ngại là phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika có thể sinh ra trẻ mắc chứng đầu nhỏ, tuy nhiên tỷ lệ này không cao. Ngoài ra, bệnh do vi rút Zika còn có thể gây ra hội chứng Guillain-Barré bệnh lý của hệ thần kinh, gây yếu cơ, tê liệt thần kinh.

Làm cách nào để phát hiện trẻ nhỏ có bị nhiễm vi rút Zika hay không? Và phải làm gì cần thiết ngay khi phát hiện?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Khi các thai phụ nghi ngờ nhiễm vi rút Zika cần đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xét nghiệm xác định tình trạng mắc bệnh. Nếu các bà mẹ nhiễm Zika thì cần được quản lý thai sản và khám thai thường xuyên tại các cơ sở chuyên khoa để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

Zika gây nguy hiểm rất lớn đến trẻ em.

Bộ Y tế có khuyến cáo như thế nào với người dân để mình và người thân không mắc phải vi rút Zika?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Bệnh do vi rút Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn. Loài muỗi này sống ở trong nhà, sinh sản trong các vật chứa nước sạch. Để chủ động phòng chống bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

Hiện nay Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song phụ nữ có thai, dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế.

Phụ nữ mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch nên chủ động đăng ký theo dõi thai sản sớm để được theo dõi sức khỏe định kỳ. Nếu có biểu hiện nghi ngờ như phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xét nghiệm khi cần thiết.

Người dân cần thưc hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và lăng quăng bọ gậy như:

Ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày.

Dùng kem xua muỗi, hương muỗi, vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Loại bỏ lăng quăng bọ gậy bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào chum vại chứa nước, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, thu dọn các vật dụng không chứa nước, thường xuyên thay nước bình bông, bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, thu gom tiêu hủy các vật phế thải, lốp xe có thể gây đọng nước quanh nhà.

Xin cảm ơn Cục trưởng đã dành thời gian chia sẻ cùng Đời sống và Pháp luật Online.

Tin nổi bật