Chị L., 35 tuổi, đã phải nhập viện kiểm tra sau khi vô tình bị con trai 5 tuổi sút bóng trúng vùng đầu và tai trái trong lúc chơi đùa tại nhà vào tối qua.
Sau va chạm, chị L. choáng váng và cảm thấy đau nhức dữ dội ở vùng đầu và tai. Tình trạng ù tai và giảm thính lực kéo dài suốt đêm đã khiến chị phải tìm đến cơ sở y tế tại TP.HCM vào sáng nay để được thăm khám.
Người phụ nữ bị thủng màng nhĩ sau tai nạn. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh
BS.CKI Nguyễn Tri Minh Trí, Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, nội soi tai mũi họng cho chị L. ghi nhận màng nhĩ trái có một lỗ thủng khá rộng, gần rìa, ở phần 1/2 trước màng nhĩ. May mắn, hòm nhĩ (khoang phía sau màng nhĩ) khô, mũi và họng không có dấu hiệu bất thường. Kết quả đo thính lực, ghi nhận chị L. nghe kém dẫn truyền ở tai trái mức độ II.
Bác sĩ Trí chẩn đoán chị L. bị thủng màng nhĩ sau chấn thương, dẫn đến nghe kém dẫn truyền tai trái độ II. Bác sĩ kê đơn thuốc điều trị và dặn chị L. tái khám sau 2 tuần hoặc tái khám ngay nếu tai trái đau nhiều, chảy dịch, chảy mủ, ù tai hoặc nghe kém nhiều hơn, chảy mũi, nghẹt mũi, sốt.
Bác sĩ Trí cho biết, màng nhĩ là một lớp màng mỏng, có tính đàn hồi tốt, độ dày trung bình chỉ khoảng 0,1 mm, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền âm thanh và bảo vệ tai giữa khỏi bụi bẩn, vi khuẩn và nước.
Thông thường, tai giữa là một khoang kín, được ngăn cách với tai ngoài bởi màng nhĩ và thông với mũi qua một ống nhỏ gọi là vòi Eustache. Vòi Eustache có nhiệm vụ giúp cân bằng áp suất không khí hai bên màng nhĩ.
Khi trái bóng đột ngột va đập mạnh vào tai tạo ra một sóng áp lực lớn truyền qua ống tai ngoài, dồn thẳng lên màng nhĩ. Khi áp suất trong ống tai ngoài tăng đột ngột, vòi Eustache không kịp mở ra để điều hòa áp suất ở tai giữa. Sự chênh lệch áp suất quá lớn này đã vượt quá khả năng chịu đựng của màng nhĩ, gây thủng. Cơ chế này cũng tương tự như các trường hợp thủng màng nhĩ do tiếp xúc với âm thanh lớn đột ngột (như tiếng bom nổ, tiếng máy bay phản lực) hoặc bị tát mạnh vào tai. Ngoài ra, màng nhĩ cũng có thể bị thủng do các tác động cơ học trực tiếp như khi vô tình đưa tăm bông hoặc các vật cứng khác vào quá sâu trong tai.
Lực tác động mạnh không chỉ gây thủng màng nhĩ mà còn có thể ảnh hưởng đến chuỗi xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) nằm trong tai giữa. Những xương nhỏ bé này chịu trách nhiệm truyền rung động âm thanh từ màng nhĩ đến ốc tai, do đó nếu chúng bị tổn thương, thính lực cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Các triệu chứng thường gặp khi thủng màng nhĩ do chấn thương bao gồm: đau nhói đột ngột, ù tai, nghe kém, cảm giác đau nhức sâu trong tai, chảy máu tai, và thậm chí có thể chóng mặt nếu có tổn thương đến hệ thống tiền đình ốc tai.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, thủng màng nhĩ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm tai giữa, suy giảm thính lực vĩnh viễn, viêm xương chũm, hoặc thậm chí điếc.
Theo bác sĩ Trí, thủng màng nhĩ do chấn thương, đặc biệt khi lỗ thủng nhỏ, không viêm nhiễm ở tai ngoài hoặc tai giữa, màng nhĩ khả năng cao sẽ tự lành. Lúc này, việc theo dõi sát sao và điều trị các vấn đề về mũi họng (nếu có) là đủ.
Tái khám sau 2 tuần, bác sĩ Trí nội soi tai cho chị L., thấy lỗ thủng đang lành, kích thước lỗ thủng thu nhỏ đáng kể. Các triệu chứng đau tai, ù tai và nghe kém cũng đã cải thiện rõ rệt. Chị L. tiếp tục được hướng dẫn cách chăm sóc tai và tái khám sau 2 tuần tiếp theo để theo dõi sát quá trình hồi phục.
Trong một số trường hợp, nếu lỗ thủng trên màng nhĩ không tự lành sau một thời gian theo dõi, hoặc khi màng nhĩ bị thủng lâu ngày, vi khuẩn, bụi bẩn từ bên ngoài hoặc dịch từ mũi họng tràn lên tai giữa gây viêm tai giữa tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc để kiểm soát tình trạng viêm. Khi tình trạng viêm đã ổn định, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật vá nhĩ để đóng lỗ thủng và phục hồi chức năng màng nhĩ.
Bác sĩ Trí khuyến cáo, nếu có triệu chứng bất thường như đau nhói, ù tai, nghe kém, đặc biệt sau chấn thương va chạm vùng tai hoặc sau khi bơi lặn hãy đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không tự ý ngoáy tai hay tự ý nhỏ thuốc khi thấy chảy dịch, chảy máu tai; giữ tai khô ráo và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi, điều trị phù hợp, ngăn biến chứng.