Ngày 12/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Cục QLKCB) cho biết, đơn vị nhận được thông tin phản ánh về vụ việc Nhóm "cò mồi" giả danh bảo vệ bệnh viện, đưa bệnh nhân vào phòng khám "ma" của "bác sĩ rởm", chiếm đoạt tổng cộng 123 triệu đồng từ 27 nạn nhân xảy ra tại Phòng khám Sản phụ khoa Thu Hương tại địa chỉ 44 Thợ Nhuộn, phường Cửa Nam, TP Hà Nội vừa được cơ quan công an bóc gỡ.
Sau khi xem xét, Cục QLKCB đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội báo cáo công tác thẩm định cấp giấy phép hoạt động đối với Phòng khám Sản phụ khoa Thu Hương có địa chỉ nêu trên.
Công tác kiểm tra, giám sát đối với Phòng khám trên trong quá trình hoạt động từ khi cấp giấy phép hoạt động đến thời điểm xảy ra sự việc. Báo cáo gửi về Cục QLKCB trước ngày 14/7.
Đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội báo cáo công tác thẩm định cấp giấy phép hoạt động đối với Phòng khám Sản phụ khoa Thu Hương
Cũng liên quan đến vụ việc, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, bệnh viện đã nhiều lần phát hiện, phản ánh và phối hợp với công an để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đơn vị chỉ chỉ có thể quản lý khuôn viên bên trong bệnh viện. Các thủ đoạn dụ dỗ, lừa đảo xảy ra bên ngoài thì hoàn toàn phải nhờ công an thành phố hỗ trợ xử lý.
“Tất cả bằng chứng, hình ảnh, clip mà bệnh viện ghi nhận được đều đã được báo cáo và đề xuất phối hợp", ông Ánh nhấn mạnh.
Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, ngay từ cuối năm 2024, bệnh viện đã chủ động báo cáo sự việc với cơ quan chức năng. Ban lãnh đạo nhiều lần làm việc với công an phường, công an quận để tổ chức tuần tra, kiểm soát các điểm nóng quanh ba cổng bệnh viện, tránh để bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bị lừa dẫn sang các phòng khám tư kém chất lượng.
Ông cũng khẳng định Bệnh viện Phụ sản Trung ương hoạt động 24/24 giờ, không bao giờ có chuyện đóng cửa hay nghỉ vì sửa chữa như lời dụ dỗ của các đối tượng cò mồi. “Bệnh viện cũng không có bất cứ phòng khám vệ tinh nào bên ngoài. Mọi dịch vụ khám, điều trị đều thực hiện trong bệnh viện, không ai có quyền dẫn bệnh nhân đi khám ở cơ sở khác để hưởng hoa hồng. Nếu thấy ai mặc đồng phục bảo vệ, xe ôm, tự xưng là "người quen bác sĩ" hay tự nhận là nhân viên bệnh viện để rủ đi khám ở phòng khám tư, tuyệt đối không tin”, ông Ánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, GS Ánh khuyến cáo, người dân hãy tỉnh táo, tránh trở thành "mồi béo bở" của kẻ gian. Khi có nhu cầu, người bệnh nên tiếp cận trực tiếp nhân viên bệnh viện, có đồng phục, bảng tên, thẻ rõ ràng; hoặc tra cứu thông tin chính thức trên website. Nếu người dân nhẹ dạ, tin theo lời dụ dỗ thì bệnh viện cũng rất khó bảo vệ quyền lợi cho họ.
Các đối tượng trong đường dây "cò mồi" khách từ cổng bệnh viện về "phòng khám ma"
Trước đó, Công an TP Hà Nội vừa tạm giữ hình sự 3 người liên quan để điều tra về hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Những người này gồm: Nguyễn Thị Thu Hương (45 tuổi, thường trú tại Bạch Mai, Hà Nội), Lê Công Ngôi (41 tuổi, thường trú tại phường Vĩnh Hưng, Hà Nội), Nguyễn Văn Tâm (42 tuổi, thường trú tại xã Trần Phú, Hà Nội). Theo điều tra, từ khoảng tháng 3/2024, Hương mở một phòng khám phụ sản tư nhân tại số 44 Thợ Nhuộm, phường Cửa Nam, Hà Nội. Để thu hút khách đến phòng khám, Hương cấu kết với Lê Công Ngôi và Nguyễn Văn Tâm.
Cả hai hoạt động thường xuyên tại khu vực gần cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K, đóng vai trò như “cò mồi”. Tâm thường túc trực tại khu vực taxi và xe khách dừng đỗ để tiếp cận người dân. Sau đó, anh ta sẽ dẫn bệnh nhân đến chỗ Ngôi – người mặc áo bảo vệ giả, giống với trang phục của nhân viên trông xe trong khuôn viên bệnh viện để tạo sự tin tưởng.
Ngồi tiếp cận và thuyết phục người bệnh rằng Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang sửa chữa, quá tải hoặc không thể tiếp nhận, đồng thời giới thiệu Hương là bác sĩ chuyên khoa đang công tác tại bệnh viện. Dưới vỏ bọc này, nhóm của Ngôi đã dụ dỗ bệnh nhân đến phòng khám tư của Hương. Khi khách đến khám, Hương sẽ chia lại cho Ngôi và Tâm 10% tổng số tiền bệnh nhân chi trả.
Theo thống kê ban đầu, đến ngày 2/7/2025, đã có ít nhất 27 người bị lừa đến khám tại phòng khám trái phép này, với tổng số tiền thu được lên tới 123 triệu đồng. Điều đáng nói, Hương chỉ từng học điều dưỡng trung cấp và chưa từng được đào tạo hay cấp phép hành nghề y theo đúng quy định pháp luật.