Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Có một Việt Nam đẹp đến thế trong mắt người Mỹ

(DS&PL) -

Caller Times đã đăng tải bài viết đầy tâm huyết của cô Mary Lee Grant – một giảng viên từng dạy ở Việt Nam về những điều đẹp đẽ mà người Mỹ có thể học ở người Việt.

Caller Times mới đây đã đăng tải bài viết đầy tâm huyết của cô Mary Lee Grant – một giảng viên từng dạy ở Việt Nam về những điều đẹp đẽ mà người Mỹ có thể học ở người Việt.

Mary Lee Grant, cựu phóng viên của Caller Times, là giám đốc tài chính và điều phối chương trình phi lợi nhuận của Amazon tại Peru. Cô đã dạy tiếng Anh và Lịch sử tại Đại học Mỏ - Địa chất. Dưới đây là bài viết giản dị nhưng đầy xúc động của cô sau một thời gian dài sống ở Việt Nam.

Tại một quán cà phê trên vỉa hè nhìn ra những con phố nhỏ của Hà Nội, tôi và bạn cùng ăn bún chả - món ăn có bún và thịt heo nướng rất nổi tiếng ở thành phố phía Bắc Việt Nam này. Chúng tôi nói về những ước mơ và kế hoạch của mình khi những chiếc xe máy đang tấp nập trên đường phố, đổ xô về nhà lúc hoàng hôn buông xuống thành phố 1.000 năm tuổi.

Cô Lee Grant đi ăn bún chả ở Hà Nội. Ảnh: Caller Times

Khi tôi làm bạn với các giáo sư và sinh viên của Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, nơi tôi đã dạy học trong năm 2016, tôi cảm thấy như mình đang nghe lại câu chuyện của bố mẹ tôi, được nhắc đến trên một lục địa khác. Khoảng thời gian của Thế hệ vĩ đại có rất nhiều giá trị mà chúng tôi ngưỡng mộ, với những con người sống sót qua cuộc đại suy thoái và Thế chiến thứ II giờ lại đang hiển hiện ở Việt Nam.

Giống như con người trong thời kỳ vĩ đại ở Mỹ, người Việt Nam đã trải qua chiến tranh và vượt qua hậu quả của cuộc chiến. Thế hệ lớn tuổi, bao gồm nhiều phụ nữ đều từng là cựu chiến binh. Tôi rất ngạc nhiên khi đến thăm và được chào đón một cách thân tình tại ngôi làng kia - nơi toàn những người bị nhiễm dioxin (chất độc màu da cam) của Mỹ.

Người Việt Nam phải chiến đấu với cuộc sống thắt lưng buộc bụng hậu chiến tranh. Thời kỳ đó, thức ăn rất khan hiếm và cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, chẳng khác nào thời kỳ đại suy thoái của nước Mỹ. Mặc dù những thiếu hụt này là một phần của quá khứ nhưng thực tế thì, những loại thức ăn chế biến sẵn và thức ăn nhanh mà người Mỹ đang ngày càng bị phụ thuộc vào lại không hề tồn tại ở Hà Nội. Thực phẩm tươi và thức ăn nóng sốt luôn được nấu ngay tại chỗ. Bệnh béo phì cũng không phải là vấn đề.

Hà Nội đông đúc nhưng bình yên. Ảnh: Getty

Không giống như văn hoá vừa lái xe vừa ăn của người Mỹ, người Việt Nam hiếm khi ăn cơm một mình. Ngay cả những bữa trưa trong cuộc sống thường nhật cũng kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Văn hoá ẩm thực lành mạnh tại địa phương mà người Mỹ hoài niệm đang tồn tại kiểu hiển nhiên ở Việt Nam ngày nay.

Những người Mỹ muốn tìm kiếm các giá trị đạo đức truyền thống có thể sẽ tìm thấy điều quý giá đó ở Việt Nam. Lạm dụng ma túy là việc điều hiếm hoi và không ai trong số các sinh viên của tôi thử dùng cần sa. Các hình phạt về ma túy rất nghiêm khắc, thậm chí có thể bị tử hình nếu nghiêm trọng. Các vi phạm nhỏ hơn cũng dẫn tới việc bị giam giữ, bị phạt tù và cải tạo bằng lao động nặng nhọc. Tội phạm bạo lực không nhiều và luật cấm súng đạn ở Việt Nam có thể coi như là đạo luật nghiêm ngặt nhất trên hành tinh này. Có vẻ như đất nước ấy cũng không có khủng bố.

Mặc dù giờ giới nghiêm ở Hà Nội là khoảng nửa đêm nhưng đường phố thường im ắng vào 10 giờ tối. Có lẽ là vì những thói quen hoặc bởi vì thành phố lịch sử này luôn bắt đầu ngày mới từ rất sớm, rất nhiều người thức dậy đi bộ tập thể dục vào 4 giờ sáng.

Thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa tốt đẹp, đáng ngưỡng mộ của người Việt. Ảnh: Getty

Và dù người Việt Nam theo chủ nghĩa vô thần nhưng có lẽ điều đó chỉ là những định nghĩa trơn tru hơn thực tế. Hầu như tất cả mọi người ở đó đều thờ cúng tổ tiên và tin tưởng vào tâm linh. Việc ly hôn là rất hiếm. Đạo đức Nho giáo làm cho gia đình trở thành trung tâm của cuộc sống. Khi tôi trở lại Mỹ, một trong những điều nổi bật nhất là thiếu trẻ em. Ở Việt Nam, trẻ em ở khắp mọi nơi. Chúng tự đi học một mình và chơi bên ngoài sau khi trời tối như những ngày xưa cũ ở Mỹ.

Hàng xóm láng giềng ở Việt Nam luôn gần gũi và giúp đỡ lẫn nhau. Họ cũng đối xử rất lịch thiệp với người nước ngoài. Có lần, thẻ tín dụng của tôi bị khóa vì có “hoạt động đáng ngờ”, một tài xế taxi tên là Tuấn đã hào phóng cho tôi mượn tiền tiêu cho đến khi tôi giải quyết xong với phía ngân hàng. "Số tiền này đủ cho 15 chai nước và 2 bữa ăn", anh ấy nói với tôi. "Nếu cô cần một nơi để ở, cô có thể ngủ lại ở nhà bố mẹ tôi".

Giống như thế hệ vĩ đại của Mỹ, ngày nay người Việt Nam đang dần phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ sau những năm dài chiến tranh. Người Hà Nội tự hào về các trung tâm mua sắm mới, những tòa nhà cao tầng và căn hộ sang trọng. Nhiều người đang mua xe hơi lần đầu tiên, họ cũng đi du lịch nước ngoài hay du học ở châu Âu. Họ thường làm khá nhiều công việc, tiết kiệm tiền và đặt hy vọng của họ vào việc học hành của con cái, như những người bố, người mẹ ở Mỹ hồi những năm 1950 đã làm.

Trong khi người Việt Nam nhìn vào Mỹ, ngưỡng mộ sự thịnh vượng và hệ thống giáo dục của chúng tôi, tôi ngưỡng mộ lại họ. Họ tràn đầy hy vọng, luôn kiên cường và biết quan tâm tới mọi người. Đó là những phẩm chất tốt nhất mà người Mỹ nên học hỏi để phục hồi lại thời kỳ hưng thịnh của chúng ta.

(Theo Caller Times)

Tin nổi bật