Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gặp người phụ nữ khuyết tật Việt Nam đầu tiên phá kỷ lục thế giới

(DS&PL) -

Kiện tướng bơi lội Trần Nguyên Thái, vận động viên khuyết tật Việt Nam đầu tiên phá kỷ lục thế giới môn bơi ếch 50m kể lại những năm tháng trong sự nghiệp của mình.

Kiện tướng bơi lội Trần Nguyên Thái, vận động viên khuyết tật Việt Nam đầu tiên phá kỷ lục thế giới môn bơi ếch 50m kể lại những năm tháng đáng nhớ trong sự nghiệp của mình.

Sống trong một căn nhà nhỏ trên phố Lê Quý Đôn, hàng ngày, chị Trần Nguyên Thái vẫn lặng lẽ đi xe buýt đến khu thể thao dành cho người khuyết tật tại số 1B Lê Hồng Phong, Hà Nội để thỏa đam mê bơi lội của mình.

Nhìn người phụ nữ có vóc dáng cao cao, một cánh tay không lành lặn, vẻ mặt khắc khổ nhưng ánh mắt luôn ánh lên những tia sáng mạnh mẽ, ít ai biết được chị là một vận động viên lừng lẫy từng đem lại vinh quang cho thể thao nước nhà.

Trở thành nhà vô địch bơi lội từ cô bé mò cua, bắt ốc.

Kiện tướng Trần Nguyên Thái (SN 1966), sinh ra và lớn lên ở làng Đại Từ, nay thuộc khu vực Linh Đàm, Hà Nội. Chị chào đời với một thân thể hoàn toàn bình thường khỏe mạnh, đến khi được 2 tháng tuổi, ngọn lửa oan nghiệt đã cướp đi một bàn tay và một phần diện mạo của chị.

Kiện tướng Trần Nguyên Thái tại Para Games 23 tại Việt Nam. Ảnh: nhân vật cung cấp.


Từ nhỏ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài giờ học, chị Thái còn phải đi mò cua bắt ốc tại đầm Định Công ở gần nhà để phụ giúp gia đình. Có những đoạn sâu nước đến tận cổ, muốn bắt được ốc, trai phải ngụp xuống nên dần dần chị quen nước, thích bơi lội.

Khi học đến lớp 5, chị được lên quận Hai Bà Trưng, nhà gần bể bơi Tăng Bạt Hổ nên có điều kiện để tiếp tục đam mê bơi lội. Tuy nhiên, do mặc cảm về cơ thể mình nên chị chỉ dám đi buổi sáng sớm, khi có rất ít người và môn ưa thích là bơi ếch để đôi tay không…lên khỏi mặt nước.

Thích học bơi nhưng mặc cảm, tự ti nên chị Thái chỉ có cách học “lỏm”, mỗi khi có thầy dạy bơi ở bể là đi vào gần nghe giảng và làm theo. Đến năm 1998, chị được giới thiệu tham gia vào đội bơi của người khuyết tật và chính thức thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1999.

“Khi ấy, tôi suy nghĩ đơn giản lắm, vào đội thì được đi bơi không mất tiền, đỡ tốn 300, 500 đồng, thế thôi là thích lắm rồi…” – chị Thái chia sẻ.

VĐV Trần Nguyên Thái (đường bơi ngoài cùng bên phải) trong những ngày đỉnh cao của sự nghiệp trên "đường đua xanh". Ảnh: nhân vật cung cấp.


Trong sự nghiệp thi đấu của mình chị Thái không bao giờ quên được kỷ niệm tại kỳ Para Games 21 được tổ chức ở Malaysia, nơi mà chị đăng quang chức vô địch và phá kỷ lục thế giới.

Tại cự ly 200m, do tâm lý căng thẳng và đặc thù môn bơi ở trong nhà có nhiều tiếng ồn, chị không nghe rõ hiệu lệnh, khi bơi xong 100m nghĩ mình đã dành chiến thắng nên dừng lại và… cười. Chỉ khi HLV cùng đồng đội hét lên “Bơi tiếp đi…”, “Còn 100m nữa”,… chị mới giật mình và tiếp tục chặng đua và…lại về nhất.

Khiến đối thủ phải thốt lên: “Chị là đối thủ mạnh nhất, nhưng em muốn đối đầu với chị nhất”

Đến với thể thao chuyên nghiệp khá muộn, thường phải thi đấu với các đối thủ trẻ hơn mình, nhưng lần nào chị Thái cũng khiến đối thủ phải nể phục. Sau khi đạt được đỉnh cao vinh quang với môn bơi, năm 2003, chị Thái chuyển qua điền kinh và đạt được nhiều thành tích mà không ai có thể ngờ được.

Đạt nhiều thành tích quốc tế ở các nội dung 100m, 200m, 400m, nhưng ấn tượng nhất với chị Thái là trong một cuộc thi đấu điền kinh toàn quốc vào năm 2005.

Thi đấu với đối thủ trẻ hơn đến 18 tuổi, nhưng chị Thái (khi ấy đã 39 tuổi) vẫn dễ dàng dành chiến thắng. Sau cuộc đua, chị vỗ vai người đồng nghiệp tươi cười: “Thôi không sao, để năm sau”. Bất ngờ vì phong cách khiêm tốn của chị, VĐV trẻ tuổi phải thốt lên: “Chị là đối thủ mạnh nhất, nhưng em muốn đối đầu với chị nhất”

Kiện tướng bơi lội Trần Nguyên Thái.


Khi được hỏi, động lực nào giúp chị có thể mạnh mẽ như vậy, chị chỉ cười và nói: “Mỗi khi cảm thấy vất vả, mệt mỏi trên sân tập cũng như trong cuộc sống chỉ có tự lấy cánh tay của mình (cánh tay bị tật - PV) gõ lên đầu và tự nhủ phải cố lên, không được đầu hàng số phận thôi”.

“Bây giờ, cái nhìn của cộng đồng về người khuyết tật còn đỡ, chứ ngày xưa thì kỳ thị lắm. Trọng tài nhiều lúc nhìn thấy những hình hài kỳ dị còn thấy sợ chứ nói gì người bình thường.

Đặc biệt là môn bơi, chỉ mặc một chiếc quần hay áo bơi thì bao nhiêu điểm xấu lộ hết. Mình không tự cố gắng vượt qua thì không ai có thể giúp mình” – chị Thái ngậm ngùi chia sẻ.

Chị Thái cho biết, chơi thể thao là cách tốt nhất để vượt qua mặc cảm, chị luôn ước “mình trẻ ra thêm độ 10 tuổi” vì tuổi nghề ngắn quá. Sau khi thành công với vai trò VĐV chị lại tiếp tục đi học thêm để trở thành một huấn luyện viên nhằm giúp đỡ những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn vượt qua được nỗi đau.

Ở độ tuổi mà những người phụ nữ khác đã lên chức bà, chị Thái vẫn một mình đi về căn nhà nhỏ. Ngày ngày trao truyền những kinh nghiệm quý báu giúp đỡ biết bao cuộc đời.

Thanh Phong

Tin nổi bật