Xuất phát điểm là nhân viên ngân hàng nhưng do công việc áp lực, lại đam mê làm bánh, chị Thùy Dương (SN 1995, ở Hà Nội) quyết định nghỉ ngang để theo đuổi ước mơ ấp ủ bấy lâu. Kể từ khi chính thức bắt đầu công việc mới, chị đã thử sức với nhiều dòng bánh khác nhau, trong đó có bánh Trung thu vẽ.
Được biết, 9x Hà Thành bắt đầu làm bánh Trung thu từ khi còn là sinh viên nhưng đến năm 2021, chị mới nảy ra ý tưởng và quyết định thử sức với dòng bánh này. Sau những chiếc bánh Trung thu vẽ tranh phong cảnh, tranh Đông Hồ, hoa lá…, chị Thùy Dương tiếp tục đưa các hình ảnh đậm chất dân gian, gợi nhắc tuổi thơ của nhiều người lên mặt bánh.
Những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của nhiều người được thể hiện trên mặt bánh Trung thu.
“Về việc đưa hình dân gian lên bánh Trung thu, một phần là do sở thích và quan điểm cá nhân của tôi. Tôi rất thích những nét văn hóa cổ và muốn đưa hình ảnh đó lên bánh Trung thu – dòng bánh lâu đời và truyền thống ở Việt Nam. Tôi nghĩ việc này sẽ giúp tăng giá trị truyền thống văn hóa, đồng thời đưa các hình ảnh dân gian đến gần hơn với mọi người”, chị Thùy Dương chia sẻ.
Các công đoạn làm bánh Trung thu vẽ cũng tương tự như bánh Trung thu bình thường nhưng có thêm 1 công đoạn: Vẽ lên mặt bánh. Cô gái 9x cho biết cần chuẩn bị thêm một lớp đậu trên bề mặt bánh Trung thu, tráng thật mịn, sau đó dùng bút và màu thực phẩm để hoàn thành các bức tranh hoặc thông điệp mà mình muốn truyền tải.
Một bức tranh đơn giản và ít chi tiết tốn khoảng 5-10 phút để hoàn thành. Tuy nhiên, các bức tranh cầu kỳ, phức tạp hay tranh của các họa sĩ lớn, cần sao chép được cái hồn của tranh mất nhiều thời gian hơn, thông thường rơi vào khoảng 40 phút đến hơn 1 tiếng.
Chị Thùy Dương cho rằng điều quan trọng nhất với một chiếc bánh Trung thu vẽ là năng khiếu hội họa và sự tỉ mẩn.
Chị Thùy Dương cho hay, do không chuyên về hội họa và không có năng khiếu quá nhiều về mảng này nên chị gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình vẽ lên mặt bánh Trung thu. Lúc mới bắt đầu làm, chị vẽ sai khá nhiều nhưng sau một thời gian tập luyện, nét vẽ của chị dần trở nên mềm mại hơn, nền đậu cũng không còn bị cào lên như trước.
“Theo tôi, điều quan trọng nhất với một chiếc bánh Trung thu vẽ là năng khiếu hội họa và sự tỉ mẩn. Nếu mọi người có thời gian đầu tư cho bánh và tỉ mỉ, cẩn thận một chút thì chắc chắn sẽ tạo ra những bức tranh rất đẹp.
Thông qua bánh Trung thu vẽ hình dân gian, tôi hy vọng mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ được tiếp cận, đến gần hơn với các dòng tranh dân gian hay tranh của các họa sĩ xưa, những bức tranh cổ từng rất nổi tiếng ở Việt Nam.
Năm 2022 là năm đầu tiên tôi kinh doanh rộng rãi dòng bánh Trung thu vẽ. Giá một chiếc bánh Trung thu vẽ dao động trong khoảng từ 250.000 – 300.000 đồng”, chị Thùy Dương tiết lộ.
Chị Thùy Dương hy vọng mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ được tiếp cận, đến gần hơn với các dòng tranh dân gian hay tranh của các họa sĩ xưa, những bức tranh cổ từng rất nổi tiếng ở Việt Nam.
Về những dự định trong thời gian tới, chị mong có thể phát triển thêm dòng bánh Trung thu vẽ, tìm được phương pháp để tăng số lượng bánh làm ra, đồng thời hỗ trợ những người không có khả năng hội họa, giúp dòng bánh này xuất hiện rộng rãi hơn trên thị trường.
Công thức làm nền đậu trên mặt bánh Trung thu của chị Thùy Dương:
- Ngâm 100gr đậu xan trong 2-3 tiếng rồi mang ninh nhừ với chút muối.
- Cho đậu đã nấu vào xay nhuyễn với 70-80gr đường rồi lọc qua rây cho mịn (ở bước này nếu có bột cốt dừa hoặc dừa sấy xay mịn thì cho vào 30gr cho béo).
- Cho hỗn hợp trên lên bếp sên như nhân trung thu, khi gần quyện thì hoà khoảng 15gr dầu dừa với 15gr bột mỳ rồi cho vào. Sên đến khi róc chảo là hoàn thành.
- Sau khi đậu nguội, dùng bay mỹ thuật trét đậu lên mặt bánh, sử dụng cọ vẽ lên bánh rồi sấy ở nhiệt 100-120 độ khoảng 15 phút là hoàn thành.
Một số bánh Trung thu vẽ khác do chị Thùy Dương thực hiện
Đinh Kim
Ảnh: Nhóm FB Yêu Bếp