Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Chuyến bay" kỳ diệu giành sự sống cho phi công người Anh

(DS&PL) -

Ba tháng chống chọi với COVID-19 nơi đất khách, bệnh nhân thứ 91 được trở về quê hương trên chính chiếc phi cơ ông từng cầm lái.

Ba tháng chống chọi với COVID-19 nơi đất khách, bệnh nhân thứ 91 được trở về quê hương trên chính chiếc phi cơ ông từng cầm lái. Phi công 42 tuổi người Anh chia sẻ, sẽ không quên Việt Nam - mảnh đất ân tình đã đưa ông trở về từ cửa tử.

Cuộc chiến sinh - tử

Ngày 18/3 trở thành dấu mốc không thể quên trong đời ông Stephen Cameron (42 tuổi) khi mẫu xét nghiệm của ông được thông báo dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông S. Cameron trở thành bệnh nhân Covid-19 thứ 91 của Việt Nam. Như nhiều bệnh nhân khác, S. Cameron nghĩ mình sẽ được xuất viện sau khoảng 2 - 3 tuần điều trị. Nhưng không ngờ đón chờ ông là ải sinh tử đầy khó khăn, một cuộc chiến cam go giành giật sự sống.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D (bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) - không thể quên được bệnh nhân 91 bởi những diễn tiến kỳ lạ trong suốt quá trình điều trị. Diễn tiến của bệnh nhanh một cách bất thường khiến có lúc ông và đồng nghiệp tưởng như trở tay không kịp. Đó là những lần bệnh nhân không thể cầm máu khi mở khí quản, là những lần tràn khí màng phổi bất ngờ, những lần âm tính - dương tính với virus SARS- CoV-2 đảo chiều liên tục...

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong.

Phổi bệnh nhân càng ngày càng xấu và phải thở máy, được sử dụng thuốc an thần thì rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Đặc biệt, bệnh nhân 91 mắc hội chứng “cơn bão” cytokine. Đó là khi cơ thể phản ứng quá mức với virus sản sinh ra chất cytokine tấn công mạnh vào phổi, gây tổn thương phổi rất nặng nề. Đỉnh điểm là vào ngày 12/5, kết quả CT-Scanner cho thấy, toàn bộ 2 lá phổi của bệnh nhân bị xơ hóa, đông đặc, chỉ còn hoạt động khoảng 10%. Tình thế của bệnh nhân 91 lúc này vô cùng nguy hiểm, hy vọng sống trở nên mong manh hơn bao giờ.

BS Nguyễn Thanh Trường - Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - thừa nhận, thời điểm đó, đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện vô cùng áp lực bởi hầu như các biến chứng có nêu trong y văn thế giới đều hội tụ ở bệnh nhân này. “Cơ hội hồi phục của bệnh nhân 91 vô cùng mong manh” - BS. Trường cho hay.

Từng phải hoãn cưới để tập trung điều trị cho bệnh nhân 91, BS. Dư Lê Thanh Xuân (khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) kể, vào thời điểm tất cả mọi người ai cũng tuyệt vọng nhất thì chính chị đã bước vào phòng cách ly áp lực âm - nơi bệnh nhân 91 đang điều trị, ngồi hàng giờ vừa canh chỉnh các chỉ số huyết áp, nhịp thở vừa nắm tay động viên bệnh nhân.

“Tôi đã bật những video có lời chúc, động viên của bạn bè bệnh nhân gửi từ quê nhà, mở cho ông ấy nghe những bài nhạc mà ông ấy yêu thích. Kỳ lạ là lúc đó mạch của bệnh nhân cũng đập chậm hơn, huyết áp cũng ổn định hơn, con ngươi của ông cũng có chút xao động. Tôi biết ông cũng đang cố gắng và hy vọng lại được thắp lên”, BS. Xuân chia sẻ.

Như một phép màu, sau khi được sử dụng nhiều kỹ thuật hồi sức cấp cứu tối tân và nhiều loại thuốc quý, trong đó có những loại thuốc chưa từng sử dụng ở Việt Nam, bệnh nhân 91 bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Lúc này, bộ Y tế chỉ đạo chuyển bệnh nhân sang bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị phương án ghép phổi vào ngày 22/5.

Liên tiếp những ngày sau đó, các kỳ tích xuất hiện. Chỉ một tuần sau, các cơ quan tổn thương như phổi, thận của bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục: Âm tính hoàn toàn với virus SARS-CoV-2, được ngưng lọc máu. Khi phổi hồi phục đến 60%, bệnh nhân được ngưng ECMO, ngưng máy thở. Sau đó, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, ngồi dậy, tự đứng lên, tập đi... Kỳ lạ hơn, từ gần như đông đặc hoàn toàn, phổi của bệnh nhân cũng hồi phục gần 100%, thận và các chỉ số khác trở về ngưỡng bình thường.

Cảm ơn Việt Nam!

Có thể nói, trong suốt hành trình sinh tử diệu kỳ của bệnh nhân Covid-19 thứ 91 là dấu ấn và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam. “Tất cả những kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu chúng tôi đều sử dụng cho bệnh nhân 91. Có những phác đồ điều trị, những loại thuốc chưa bao giờ sử dụng tại Việt Nam cũng đều được chúng tôi áp dụng để cứu sống bệnh nhân này”, PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ.

Bác sĩ tận tình cứu chữa cho bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy

Là bác sĩ chính trong khoảng thời gian bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, BS Trần Thanh Linh - Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - cho biết, quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân 91 như một chuyến bay dài đầy mạo hiểm mà bệnh nhân này từng trải qua. Để đưa “chuyến bay 91” đáp xuống thành công là cả một cuộc chiến cân não của toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam. BS. Linh cũng không thể quên được khoảnh khắc bệnh nhân 91 mỉm cười. Vị bác sĩ nhớ lại: “Anh ấy có nụ cười rất đẹp. Lúc anh ấy nở nụ cười, tất cả anh em bác sĩ chúng tôi như vỡ òa bởi chắc chắn bệnh nhân sẽ được cứu sống. Bệnh nhân không bị ảnh hưởng thần kinh, tri giác, nghĩa là cơ hội hồi phục rất cao và không để lại di chứng nặng nề”.

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng tiểu ban Điều trị, ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người có mặt trong tất cả các cuộc hội chẩn trực tuyến tìm phương án điều trị cho bệnh nhân 91 - chia sẻ: “Ca bệnh 91 là ca bệnh khó không chỉ của Việt TẾT KHÔNG QUÊN Nam mà cả với thế giới. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là không để ai bị bỏ lại phía sau. Dù đó là người Việt Nam hay người nước ngoài, khi mắc Covid-19 đều được dốc toàn lực cứu chữa. Chúng tôi nỗ lực làm mọi điều tốt nhất cho bệnh nhân, sử dụng tất cả các kỹ thuật hiện có, kể cả việc nhập thuốc chưa từng sử dụng tại Việt Nam để cứu sống bệnh nhân 91”.

Ngày phi công Stephen Cameron xuất viện, ông Ian Gibbons – Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM - khẳng định, hành trình cứu sống công dân Anh của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam là “hành trình kỳ diệu”. Đặc biệt, khi bộ Y tế dự định lên phương án ghép phổi để cứu bệnh nhân 91, hàng trăm cuộc điện thoại của người dân gọi về đăng ký hiến phổi cứu người. “Chưa bao giờ chúng tôi tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại đăng ký hiến phổi nhiều như vậy, chúng tôi thật sự rất kinh ngạc”, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường - Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - cho hay.

Trước khi rời Việt Nam về nước, câu nói cuối cùng mà phi công người Anh để lại là một câu bằng tiếng Việt: “Cảm ơn Việt Nam!”. Và có lẽ, trong suốt quãng đời còn lại, phi công người Anh sẽ không thể quên chuyến bay dài nhất của đời mình. Đó là chuyến bay mà ông phải giành giật giữa sự sống và cái chết nhưng cũng là chuyến bay nhiệm màu ở đất nước mang tên Việt Nam.

Mạnh mẽ lên!

“Tôi nghĩ mình có tất cả 100% may mắn. Bởi, trong bối cảnh số lượng người tử vong do Covid-19 trên thế giới rất nhiều, nếu ở đâu khác trên thế giới, hẳn tôi đã không qua khỏi. Nhưng tại Việt Nam tôi được cứu sống” - bệnh nhân 91 từng chia sẻ. Ông cũng kể thêm, trong những thời điểm bồng bềnh giữa miền hư ảo, ông thường xuyên nghe được những lời động viên “Be strong!” (Mạnh mẽ lên!) từ các nhân viên y tế. Và điều này như tiếp thêm động lực, giúp ông chống chọi với tử thần, bừng tỉnh dậy.

Nguyễn Lành

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 11 số

Tin nổi bật