Chủ tịch UBND Quận 5, TP HCM đã gửi lời xin lỗi tới những tiểu thương chợ An Đông về những bức xúc xung quanh việc chậm cải tạo, sửa chữa chợ.
Theo thông tin từ VOV, chiều 20/9, Chủ tịch UBND quận 5, TP HCM - ông Phạm Quốc Huy, chủ trì buổi họp báo liên quan đến việc thương nhân chợ An Đông bãi thị ngày 19/9.
Trước đó, sáng ngày 19/9, có khoảng 300 người tụ tập trước cổng chợ An Đông (quận 5, TP HCM) với trang phục áo thun đỏ, nón đỏ cùng với một số băng rôn như “Yêu cầu bãi bỏ hợp đồng thuê sạp vì là chợ truyền thống không thu tiền thuê quầy”, “Yêu cầu công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương”, “Yêu cầu gửi 217 tỉ đồng do tiểu thương đóng góp sửa chợ vào ngân hàng”.
Ngay sau đó, dù Chủ tịch UBND Quận 5 có mặt tiếp xúc thương nhân nhưng họ không đồng ý và đến UBND TP HCM. Tại đây, Văn phòng Tiếp công dân UBND TP HCM đã tiếp nhận đơn của đại diện thương nhân và hẹn ngày giải quyết vào 29/9.
Với yêu cầu bãi bỏ hợp đồng thuê sạp, ngay lập tức, UBND Quận 5 đã tạm dừng thu tiền cho thuê địa điểm kinh doanh giai đoạn 2 cho đến hết ngày 31/12/2017. Đơn vị này cho biết, năm 2013, Ban quản lý chợ An Đông đã lập bộ hồ sơ cho thuê sạp với 2.305 hộ, tương ứng số tiền hơn 241 tỉ đồng trong năm năm 2011-2016.
Ông Phạm Quốc Huy - Chủ tịch UBND quận 5 và bà Trương Minh Kiều- Phó Chủ tịch UBND quận 5 trong buổi gặp mặt các tiểu thương chợ An Đông. Ảnh: VOV. |
Trên thực tế, Ban quản lý chợ đã ký hợp đồng cho thuê 2.300 sạp với số tiền thực thu 217 tỉ đồng. Số tiền thực thu giảm do cơ chế giảm 10% cho các hộ thanh toán 100%, giảm 5% cho các hộ thanh toán 50% và 5 sạp chưa có người thuê. Số tiền này đã gửi trong Kho bạc Nhà nước quận 5 (bao gồm 399 triệu đồng tiền lãi ngân hàng).
“Việc Ban quản lý chợ áp dụng thuế giá trị gia tăng vào tiền thuê quầy sạp Trung tâm thương mại An Đông là chưa chấp hành đúng quy định theo Luật thuế giá trị gia tăng”, ông Huy khẳng định.
Về việc nhiều tiểu thương cho rằng được sở hữu quầy sạp nhưng khi quận kiểm tra hồ sơ lưu trữ thì không tìm thấy bất cứ tài liệu nào chứng tỏ quyền sở hữu sạp của tiểu thương, Chủ tịch UBND quận 5 cho biết, có được công nhận quyền sở hữu sạp hay không thì quận 5 chờ chỉ đạo của UBND TPHCM, báo Dân trí đăng tải.
Ngoài ra, đại diện UBND Quận 5 cho biết, toàn bộ số tiền 217 tỷ đồng sẽ dùng để nâng cấp, sửa chữa chợ. “Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án có chậm trễ nên tôi thay mặt lãnh đạo UBND quận 5 gửi lời xin lỗi đến bà con tiểu thương chợ An Đông”, bà Trương Minh Kiều - Phó Chủ tịch UBND quận 5 nói.
Bà Kiều cho biết, do thay đổi thiết kế, phải làm lại hồ sơ nên việc nâng cấp 4 mặt tiền chợ đến tháng 4/2018 mới tiến hành. Trước đó sẽ hoàn thành hạng mục PCCC, xử lý nước thải và làm thang máy.
Trước câu hỏi của phóng viên Tri thức trực tuyến về mức chênh lệch trong hạng mục lắp đồng hồ điện: trong khi tiểu thương được Điện lực Chợ Lớn báo giá tổng đầu tư cho hạng mục này khoảng 680 triệu đồng thì Ban quản lý chợ lại báo giá lên tới 2 tỷ đồng, ông Huy cho rằng cách tính của Ban quản lý chợ bao gồm cả hệ thống đồng hồ, dây điện và công lắp đặt.
Trong buổi họp, nhiều vấn đề đặt ra của các cơ quan thông tấn báo chí về hoạt động thu - chi của BQL chợ, việc có tiếp tục duy trì Ban quản lý cũ hay thay mới, việc tiểu thương kêu mãi lực sụt giảm 50-60% có ảnh hưởng tới việc đóng góp cho ngân sách hay không… đại diện UBND quận 5 từ chối trả lời.
(Tổng hợp)