Việc khách hàng ngày càng quan tâm tới chất lượng đã khiến nhiều thương hiệu quần áo bình dân trên thế giới như Zara, H&M "đổ xô" tới Việt Nam mở cửa hàng.
Những thương hiệu thời trang bình dân quốc tế đang tăng tốc mở cửa hàng tại Việt Nam trong bối cảnh quốc gia từng được biết đến là trung tâm sản xuất giá rẻ cho ngành may mặc nay đã trở thành thị trường thời trang lớn hấp dẫn đối với các thương hiệu quốc tế. Việc này một phần là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc kéo theo mức lương của người lao động được cải thiện.
Mới đây nhất phải kể đến màn ra mắt cửa hàng đầu tiên của hãng H&M Thụy Điển tại Việt Nam trên diện tích rộng hàng trăm m2 tại TT thương mại Vincom Center TP Hồ Chí Minh. Mặt hàng được bán trong shop có rất nhiều chủng loại từ quần áo nam giới, phụ nữ và trẻ em cũng như giày, túi xách...
Sự xuất hiện của hàng loạt những sản phẩm có thương hiệu như kể trên tạo ra thay đổi đáng kể đối với rất nhiều khách hàng – những người có nhu cầu với các hàng hóa loại này buộc phải mua qua những cửa hàng bán lẻ trung gian, hàng xách tay đặt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, Zara – thương hiệu thời trang của Tây Ban Nha cũng đã ra mắt tại Việt Nam đặt ở bên trong một trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh. Nhìn chung, sự xuất hiện của 2 thương hiệu bán lẻ này đang biến trung tâm Vincom trở thành một biểu tượng của nhu cầu đối với quần áo thương hiệu bình dân đang ngày một gia tăng nhanh chóng.
HM Việt Nam vừa khai trương cửa hàng đầu tiên vào 9/9. |
Thông thường mức giá của những sản phẩm thương hiệu Zara có thể bị đẩy lên gấp đôi nếu được bán tại những cửa hàng không chính thống ở Việt Nam. Chính vì vậy, theo tìm hiểu của tờ Nikkei, một phụ nữ đã không ngần ngại đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh bỏ ra 10 triệu đồng (tương đương 440 USD) để mua quần áo bao gồm cả váy và giày dép cho cô con gái mới học cấp 1 của mình. "Tôi thích thiết kế của hãng. Dù đắt nhưng chất lượng rất tốt và tôi còn mua cho một vài người bạn".
Fast Retailing – đơn vị chủ quản của thương hiệu Uniqlo cũng đang bắt đầu tuyển dụng nhân sự tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào tháng 5. Công ty chủ yếu tìm kiếm những sinh viên đại học sắp tốt nghiệp khiến nhiều người phán đoán rằng họ đang lên kế hoạch mở cửa hàng tại hàng loạt thành phố khác nhau ở Việt Nam bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, hãng thời trang Gap của Mỹ cũng đã mở cửa hàng đầu tiên Old Navy tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6, tiếp tục mở thêm một địa điểm nữa tại Hà Nội và 1 cửa hàng thứ 3 có thể sẽ được ra mắt trong tháng tới.
Chi phí cho người lao động tại Trung Quốc tăng tạo ra xu hướng dịch chuyển nguồn lực sản xuất may mặc sang Việt Nam – nơi chi phí nhân công chỉ bằng 1 nửa. Nhiều doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại quốc gia này gồm cả May10 cũng đã hợp tác với thương hiệu dệt và may mặc Nhật Bản là Aoyama Trading hay nhà sản xuất quần áo An Phước cũng cung cấp thương hiệu cao cấp Pierre Cardin. Dệt may hiện đóng góp hơn 10% GDP cả nước và là ngành công nghiệp lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là sự dịch chuyển từ trung tâm sản xuất sang vị thế của người mua tại đây.
Việt Nam từng rất chuộng hàng giá rẻ chính vì vậy hàng hóa chất lượng thấp và giá rẻ thường được bán tràn lan tại đây nhưng hiện tại người tiêu dùng đang ngày một quan tâm hơn về chất lượng.
Tổng doanh thu bán lẻ của Việt Nam tăng 10,2% trong năm 2016 đánh dấu khoảng thời gian 5 năm liên tiếp chứng kiến mức tăng trưởng 2 chữ số. GDP bình quân đầu người đạt 2.300 USD cho thấy sức mua cũng tăng lên đáng kể. Nhiều hàng hóa đắt đỏ có chất lượng tốt cũng như các thương hiệu quần áo lớn đang "ăn nên làm ra" tại đây.
Ngoài quần áo, rau hữu cơ vốn có giá gấp 3 lần so với sản phẩm tương tự ở các chợ truyền thống nhưng nó vẫn đang ngày càng được ưa chuộng. Những cửa hàng như Bac Tom hay sản phẩm của thương hiệu VinEco rất phổ biến. Chính vì vậy, có vẻ như các thương hiệu thời trang mì ăn liên bình dân cũng bắt đầu muốn tận dụng xu hướng này nhằm đáp ứng nhu cầu đang ngày một tăng của người dân Việt Nam.
Dẫu vậy mức lương tăng cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ mất đi lợi thế về trung tâm sản xuất. Tuy nhiên sức mua của một nền kinh tế với dân số 93 triệu người vẫn hấp dẫn những thương hiệu thời trang.
Cũng phải nói thêm rằng thị trường thương hiệu thời trang bình dân mới phát triển của Việt Nam đang gặp phải cạnh tranh khốc liệt với những hàng hóa loại B. Những sản phẩm này được bán tại nhiều cửa hàng bán lẻ - có chất lượng gần tương đương nhưng chỉ có giá khoảng một nửa.
Những cửa hàng như vậy thường mang những "hảng thải" của Zara, Gap và sau đó bán chúng với giá rẻ.
Những sản phẩm "chất lượng thấp hơn" này thường gặp lỗi nhỏ trong quá trình sản xuất và không được mang đi xuất khẩu và để lại bán lẻ ở thị trường trong nước. Tuy nhiên về lâu về dài để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho thị trường, chính phủ nên có những biện pháp ngăn chặn việc này.