Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ tịch tỉnh than khổ vì mỗi năm tiếp đến 11 đoàn thanh tra

(DS&PL) -

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trong năm 2018, tỉnh phải tiếp đến 11 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó có nhiều nội dung trùng lặp.

Chiều 4/7, tại phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trong năm 2018, tỉnh phải tiếp đến 11 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó có nhiều nội dung trùng lặp, khiến địa phương mất rất nhiều công sức và thời gian để phục vụ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khải tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương ngày 4/7. Ảnh: Dân Trí

Ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khải đánh giá cao sự tích cực của các ngành, các cấp, đặc biệt là các địa phương sau khi có quyết định của Thủ tướng thành lập tổ công tác của Chính phủ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng đã đi vào trọng tâm hơn, quyết liệt hơn.  

Liên quan đến việc các đoàn thanh tra Chính phủ, kiểm tra, kiểm toán về làm việc tại địa phương, phát biểu tại phiên họp, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bày tỏ nỗi “khổ” khi có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến tỉnh.

Dân Trí đưa tin, ông Lê Tiến Châu cho biết, năm 2018, tỉnh Hậu Giang tiếp đến 11 đoàn, trong đó có nhiều đoàn nội dung kiểm tra, thanh tra trùng lặp.

“Địa phương mất rất nhiều sức, thời gian để phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra. Đề nghị các bộ ngành và cơ quan trung ương khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cần có kế hoạch phối hợp, tránh nội dung thực hiện trùng lặp”, Dân Trí dẫn đề nghị của Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. 

Trên thực tế, vấn đề mà Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu đưa ra không phải là vấn đề mới, đã được nói đến nhiều lần. 

Thông tin trên báo Tin Tức, lý giải về việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khải cho rằng có quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Hiện nay việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hiện theo Luật, nhưng đối tượng thanh tra, kiểm tra lại trùng nhau.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, theo nguyên tắc ở đâu có quyền lực thì ở đó có kiểm soát quyền lực. Ở đâu có lãnh đạo chỉ đạo, điều hành thì có cơ quan thanh tra, giám sát giúp cho việc chỉ đạo, điều hành. Phản ánh của các địa phương và doanh nghiệp cho thấy đó là thực trạng.  

“Về lâu dài phải tính toán tổng thể, anh nào kiểm tra báo cáo tài chính, anh nào kiểm tra ngân sách, anh nào kiểm tra tính tuân thủ thi hành pháp luật… để tránh chồng chéo. Trong tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm. Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm phải tiến thành thanh tra. Đó là điều bình thường, nhưng thanh tra thường xuyên trong hệ thống phải tính toán để đạt được mục tiêu đặt ra, tránh dàn trải”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khải, trong kế hoạch thanh tra 2019, Thanh tra Chính phủ đã giảm 30% các cuộc thanh tra thường xuyên. 

Đồng thời, ông Khải cũng nhấn mạnh, khi thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, có tính toán để không giàn trải. Khi xác định cuộc thanh tra, kiểm tra phải rõ phạm vi, đối tượng để kiểm soát…

Theo Tổng Thanh tra, tới đây sẽ tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 20, tham mưu cho Thủ tướng giải pháp sao để hoạt động thanh tra, đặc biệt hệ thống thanh tra nhà nước đạt hiệu quả, giảm chồng chéo.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật