(ĐSPL) – Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, bị cáo Kiên và ông Long là bạn bè, Hòa Phát không có mâu thuẫn với ACB. Về việc ký hợp đồng mua bán cổ phiếu, ông Long nói: “Trong việc ký hợp đồng, Kiên làm sao mà lừa tôi được”.
Mở đầu phiên tranh luận ngày 30/5, đại diện ngân hàng ACB tiếp tục yêu cầu Vietinbank trả lại số tiền 718 tỷ đồng. ACB tiếp tục khẳng định không yêu cầu Huyền Như và các bị cáo trong vụ án này trả tiền và việc thực hiện các hợp đồng gửi tiền tại Vietinbank là hợp pháp.
Việc Vietinbank không giao thẻ tiết kiệm cho khách hàng là lỗi của Vietinbank chứ không phải là lỗi của các nhân viên ACB. Các nhân viên ACB cũng không ký kết việc gửi tiền với Huyền Như mà ký kết với Vietinbank.
|
Căng thẳng phiên toà bầu Kiên và các đồng phạm. |
Vị đại diện của ngân hàng ACB cũng cho biết: Đối với việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB, đơn vị này không bị mất mát số tiền 687 tỷ đồng như truy tố. Còn các bị cáo bị truy tố làm không phải vì mục đích cá nhân, họ có nhiều đóng góp nên đại diện ACB mong HĐXX xem xét.
Tiếp tục thực hiện quyền tranh luận tại tòa, đại diện Vietinbank đặt câu hỏi: ACB vi phạm pháp luật hay Vietinbank vi phạm?
Xem clip “Đại gia” Thép : Làm sao tôi nghĩ anh Kiên lừa tôi được:
Tranh luận về khoản tiền 718 tỷ đồng, đại diện Vietinbank cho rằng về hình thức hai ngân hàng không có bất cứ giao dịch nào.
Đại diện Vietinbank đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn: Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra sân chơi riêng là “liên ngân hàng”. Vậy tại sao ngân hàng ACB không thực hiện vấn đề này. “ACB đang vì lợi nhuận cao để lách luật, lừa dối Ngân hàng Nhà nước”, đại diện này nói.
Đại diện Vietinbank cho rằng, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước không cho phép ACB đưa tiền cho nhân viên đi gửi tiền. Đây là hành vi lách luật của ACB.
Tóm lại, Vietinbank khẳng định: Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền bắt nguồn từ lỗi của nhân viên ACB.
Không kìm nén được cảm xúc, vị đại diện này lên tiếng: “Khi chưa có hướng dẫn mà ngân hàng vẫn muốn làm một nghiệp vụ nào đó, chỉ cần báo cáo thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét. Có điều quan trọng là ACB cố tình lách luật. Huống hồ luật sư còn nghe thân chủ giật dây, đòi kiện NHNN khi mà pháp luật không bao giờ truy tố pháp nhân. Các luật sư đừng mượn diễn đàn để chỉ trích cơ quan nhà nước. Nguyễn Đức Kiên chuẩn xác từng câu từng chữ, còn các luật sư thì nói sai hết”.
|
Đại diện Vietinbank khẳng định, ACB lừa dối Ngân hàng Nhà nước. |
Đưa ra ý kiến tại phần tranh luận, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định: Bị cáo Kiên và Long là bạn bè, Hòa Phát không có mâu thuẫn với ACB. Nói đến việc ký hợp đồng mua bán cổ phiếu, ông Long nói: “Trong việc ký hợp đồng, Kiên làm sao mà lừa tôi được”.
Đại diện Công ty TNHH Một Thành viên Thép Hòa Phát cũng nói rằng: Việc đơn vị này gửi đơn đến cơ quan điều tra là yêu cầu làm rõ chứ không phải là đơn tố cáo. Đến thời điểm này chúng tôi không có thiệt hại.
Đại diện này đặt câu hỏi với tòa: Thế chúng tôi còn là nguyên đơn dân sự ở tòa không?
Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên, Tổng Giám đốc Công ty B&B nhấn mạnh: Tại tòa, khi được triệu tập là bị đơn dân sự, tôi không hiểu vì sao tôi lại là bị đơn? Tôi cũng chưa nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến thuế.
Đại diện 19 nhân viên ACB gửi tiền bổ sung làm hợp đồng ủy thác đều cho rằng, việc ký và thanh lý hợp đồng ủy thác cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Vì vậy, cần phải có trách nhiệm thu hồi số tiền này về cho ACB.
Đại diện Chi cục Thuế Đống Đa nêu quan điểm: “Nếu HĐXX phán quyết là trốn thuế thì chúng tôi sẽ truy thu, còn giờ chưa có kết luận thì chúng tôi chưa xem xét.”.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật...