Hành động phản đối chính quyền quân sự của hơn 600 cảnh sát nhận được sự tôn trọng của nhiều người dân Myanmar.
Người biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Mandalay. Ảnh: Irrawaddy |
Tờ The Irrawaddy đưa tin, số cảnh sát từ chức để tham gia phong trào bất tuân dân sự (CDM) ở Myanmar đã lên đến hơn 600 người. Theo đó, tính đến 4/3, có hơn 500 cảnh sát tham gia CDM, và ngày 5/3 có thêm 100 người khác tham gia vào phong trào này.
Số cảnh sát từ chức tăng mạnh kể từ sau đảo chính hôm 1/2. Những người từ bỏ chức vụ tham gia biểu tình, phản đối chính quyền đến từ nhiều lực lượng như điều tra tội phạm, đặc nhiệm, an ninh và an ninh du lịch…
Một cảnh sát ở Naypyidaw nêu chi tiết cho biết, việc thiếu tá lực lượng đặc nhiệm Tin Min Tun tham gia phong trào biểu tình đã gây ảnh hưởng lớn đến các sĩ quan khác.
"Tôi không muốn phục vụ dưới chính quyền quân sự. Tôi đã cùng các công chứng tham gia CDM", ông Tin Min Tun viết trên Facebook và bày tỏ tôn trọng những người trẻ dẫn dắt phong trào biểu tình chống chính quyền.
Một số đơn từ chức của cảnh sát cho biết họ không muốn thực hiện mệnh lệnh của hội đồng quân sự và từ chức để đứng về phía người dân, nói rằng họ chỉ chấp nhận một chính phủ được bầu.
Một sĩ quan cấp cao cho The Irrawaddy hay: “Vẫn chưa có lệnh hành động chống lại cảnh sát tham gia CDM. Các chỉ huy chỉ yêu cầu đưa họ trở lại, nói họ quay trở lại nhiệm vụ và giải quyết vấn đề". Theo nguồn tin từ cảnh sát, đến nay không có sĩ quan nào tham gia CDM trở lại làm việc và không ai bị giam giữ.
Một cảnh sát ở Yangon, người tham gia CDM, cho biết: "Tôi không thể chịu đựng được cảnh nhiều người gặp khó khăn để một vài cá nhân thành công. Tôi biết một cây làm chẳng nên non nhưng tôi đã chọn ra đi, tự nhủ ít nhất họ sẽ mất một sĩ quan trấn áp những người biểu tình nếu tôi bỏ việc".
Hành động phản đối chính quyền quân sự của hơn 600 cảnh sát nhận được sự tôn trọng của nhiều người dân Myanmar. Người biểu tình cho rằng nỗ lực của họ đã bước đầu làm lay động lòng người.
Tuy nhiên hôm 5/3, nhiều vụ đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình vẫn xảy ra ở nhiều thành phố lớn ở Myanmar, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng.
Cùng ngày 5/3, Liên Hợp Quốc tuyên bố ông Kyaw Moe Tun vẫn là Đại sứ của Myanmar tại tổ chức này, bất chấp sự phản đối của chính quyền quân sự.
Trước đó, ông Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng quốc tế dùng mọi biện pháp để lật ngược vụ đảo chính ở Myanmar. Hành động của Kyaw Moe bị chính quyền quân sự Myanmar coi là “phản quốc” và tuyên bố cách chức ông.
Mộc Miên (T/h)