Nga không kích hai căn cứ khủng bố tại Syria
Hãng thông tấn TASS đưa tin, ông Oleg Ignasyuk, phó giám đốc Trung tâm hòa giải các bên đối lập tại Syria của Nga (một bộ phận thuộc Bộ Quốc phòng Nga) cho biết, Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã tấn công vào hai căn cứ của khủng bố ở tỉnh Deir ez-Zor, Syria.
"Trong ngày qua, lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã không kích vào hai địa điểm triển khai của các tay súng rời khỏi khu vực al-Tanf và đang ẩn náu tại các khu vực khó tiếp cận thuộc dãy núi Al-Bishri ở tỉnh Deir ez-Zor", ông Oleg Ignasyuk cho biết, đồng thời nói thêm rằng một cuộc tấn công bằng pháo kích của các chiến binh thuộc nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra nhằm vào các vị trí của quân đội chính phủ Syria đã được báo cáo tại khu vực giảm căng thẳng Idlib.
Một cuộc không kích tại Syria. Ảnh minh họa
Hệ thống giáo dục Gaza gần như sụp đổ
Ngày 18/8, Bộ trưởng Giáo dục của Chính quyền Palestine (PA) Amjad Barham cho biết, 290 trong số 309 trường học tại Gaza đã bị phá do ảnh hưởng của xung đột. Các trường còn lại được sử dụng làm địa điểm trú ẩn cho những người phải di dời.
Các địa điểm giáo dục thuộc cơ quan Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cũng không an toàn trước những đợt tấn công do Israel tiến hành.
Bộ trưởng Amjad Barham cho biết, tình hình giáo dục ở Gaza rất bi thảm và Israel muốn hủy hoại tương lai của “con em chúng ta”.
Trong bối cảnh xung đột căng thẳng, 80% số trường đại học cũng đã bị phá hủy, khiến 630.000 sinh viên không thể tiếp cận môi trường giáo dục, 19.000 sinh viên đã tới Ai Cập để có thể tiếp tục theo đuổi quá trình học tập.
Nhiều tòa nhà tại Gaza bị xụp đổ. Ảnh minh họa
Ngoại trưởng Mỹ đến Israel
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Israel trong nỗ lực ngoại giao tăng cường của Washington nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 10 tháng giữa Israel và Hamas.
Đây là chuyến thăm thứ 9 của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ tới khu vực kể từ khi cuộc chiến nổ ra vào tháng 10/2023. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ đưa ra các đề xuất mà họ và các bên trung gian Qatar và Ai Cập tin là sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các bên tham chiến.
Các quan chức Mỹ tỏ ra lạc quan rằng thỏa thuận có thể sớm được hoàn tất nhưng cũng thận trọng khi vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Điều chúng tôi đã làm là thu hẹp khoảng cách và làm cầu nối theo cách mà chúng tôi nghĩ rằng về cơ bản, là một thỏa thuận hiện đã sẵn sàng để ký kết và thực hiện" một quan chức cấp cao của Mỹ nói.