Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chiến dịch quân sự ở Ukraine có khiến Phần Lan thay đổi cách tiếp cận với Nga?

(DS&PL) -

Quốc hội Phần Lan đã bắt đầu thảo luận các báo cáo về những tác động và rủi ro nếu nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vào một buổi sáng mùa xuân đầy nắng, ít nơi nào có thể cảm thấy yên bình như Lappeenranta, một thành phố nhỏ ở biên giới Phần Lan nằm trên một trong những hồ lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với khung cảnh yên bình này, tâm trạng của 70.000 cư dân thành phố lại có phần "lo lắng".

Cô Noora Ikonen, một nhân viên pha chế tại Lappeenranta, chia sẻ: "Tôi từng cảm thấy vô cùng an toàn khi lớn lên tại đây. Nhưng kể từ khi xung đột nổ ra, điều gì đó đã thay đổi. Tôi luôn cảm thấy bất an".

Cuộc xung đột mà cô nói đến là ở Ukraine, cách xa nơi cô ở tới hơn 1.600 km. Nhưng Phần Lan có chung đường biên giới trên bộ dài 1.335 km với Nga và Lappeenranta chỉ cách biên giới 30 km. Thành phố này thậm chí còn gần với St Petersburg (Nga), quê hương của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hơn là thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Thị trưởng lâu năm của thành phố Kimmo Jarva cho biết: "Đương nhiên, toàn bộ người dân địa phương đều băn khoăn về vấn đề này. Tất cả chúng tôi đều bị sốc khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Chúng tôi đã quen làm việc và sống cùng người Nga".

Thành phố Lappeenranta của Phần Lan cách biên giới Nga 30 km. Ảnh: The Guardian 

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Lappeenranta là hình ảnh thu nhỏ của mối quan hệ giữa Phần Lan và Nga, xoay quanh việc phát triển quan hệ kinh doanh với Moscow trong khi các nhà lãnh đạo của Phần Lan duy trì đối thoại với Tổng thống Putin.

Theo ước tính của ông Jarva, khoảng 1,5 triệu người Nga đã đến thăm thành phố Lappeenranta mỗi năm trước khi đại dịch COVID-19 lây lan, mang lại doanh thu hàng triệu euro. Một số cửa hàng ở thành phố còn phục vụ đặc biệt cho người Nga. Lappeenranta cũng đã thành lập một văn phòng riêng của mình tại St Petersburg và tự tiếp thị khách du lịch ở phía Tây như một "cửa ngõ" vào Nga.

Ông chia sẻ: "Chúng tôi đã từng cởi mở để làm việc với người Nga. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi xung đột xảy ra".

Hiện nay, rất ít ô tô chạy trên đường cao tốc dẫn đến biên giới Phần Lan-Nga vì hai nước trên thực tế đã cấm tất cả các phương tiện giao thông thương mại và cá nhân đi vào lãnh thổ của nhau.

Thị trưởng Lappeenranta nói thêm: "Thành phố giờ đây đã chọn một con đường khác. Và sẽ không thể quay đầu được nữa". 

Con đường này có thể dẫn đến một tương lai Phần Lan, và nước láng giềng Thuỵ Điển, gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây được coi là một sự thay đổi mang tính lịch sử đối với 2 quốc gia châu Âu này. Quyết định gia nhập NATO được coi là quyết định vô cùng quạn trọng. Đặc biệt là trong bối cảnh tư cách thành viên NATO là một lý khi khiến Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. 

Vào ngày 20/4 (giờ địa phương), quốc hội Phần Lan đã bắt đầu thảo luận về một báo cáo của chính phủ nêu rõ những tác động và rủi ro của việc trở thành thành viên NATO. Động thái này đánh dấu sự khởi đầu mang tính biểu tượng của cuộc tranh luận chính thức về khả năng của một lá đơn chính thức xin gia nhập NATO.

Các quan chức đã chỉ ra rằng họ không mong đợi một cuộc tranh luận kéo dài. Trong đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết đất nước của bà sẽ đưa ra một quyết định nhanh chóng, "trong vài tuần chứ không phải vài tháng".

Ikonen, nhân viên pha chế, nói rằng cô ấy hoàn toàn ủng hộ việc gia nhập NATO và nhiều người khác ở Lappeenranta cũng đồng tình với quan điểm này. 

Cách đây 5 năm, sự ủng hộ của người Phần Lan đối với việc gia nhập NATO tương đối thấp. Các cuộc thăm dò thời điểm ấy cho thấy chỉ 21% dân số ủng hộ việc tham gia liên minh, con số này đã không dao động nhiều trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, tình hình chiến sự tại Ukraine đã dẫn đến sự thay đối rõ rệt trong thái độ của người dân Phần Lan đối với NATO. Nếu Phần Lan gia nhập liên minh, việc này có thể dẫn đến việc NATO mở rộng phạm vi đóng quân tới khu vực biên giới rộng lớn phía Tây Bắc Nga.

Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nhận định: "Phần Lan đã quyết định muốn tham gia cùng NATO vào lúc 5h ngày 24/2 khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine".

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Lappeenranta là hình ảnh thu nhỏ của mối quan hệ giữa Phần Lan và Nga, xoay quanh việc phát triển các mối quan hệ kinh doanh. Ảnh: Alamy

Trong các cuộc thăm dò được thực hiện sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, có tới 60% người Phần Lan cho biết họ ủng hộ việc gia nhập NATO. Ông Stubb dự đoán con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. 

Được biết, cựu thủ tướng Phần Lan từ lâu đã là một người ủng hộ quan điểm gia nhập NATO. Theo đó, ông Stubb nói rằng việc Phần Lan thay đổi quan điểm, muốn gia nhập liên minh quân sự sau khi xung đột xảy ra ở Ukraine là điều tất yếu. 

Ông cho biết: "Người Phần Lan là những người rất lý trí, thực tế. Họ điều chỉnh ý kiến ​​của mình khi hoàn cảnh thay đổi".

Dù vậy, sự thay đổi nhanh chóng này cũng đã khiến bản thân các chính trị gia Phần Lan bất ngờ. 

Ông Charly Salonius-Pasternak, một chuyên gia bảo mật tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, chia sẻ: "Không ai mà tôi biết có thể nghĩ ra điều gì tương tự trong lịch sử Phần Lan, nơi mà dư luận đã thay đổi nhanh chóng, đến mức triệt để. Chúng tôi cứ nghĩ rằng chính giới tinh hoa chính trị sẽ thúc đẩy việc gia nhập NATO, nhưng thực tế thì ngược lại. Chính người Phần Lan đã chọn con đường này". 

Các chuyên gia cho rằng thái độ hiện tại của Phần Lan bắt nguồn từ cuộc chiến của chính nước này với Nga, vốn có âm hưởng của chiến dịch quân sự tại Ukraine hiện nay.

Cụ thể, năm 1939-1940, Chiến tranh Mùa đông khốc liệt đã dẫn đến việc Phần Lan phải nhượng một phần lớn lãnh thổ của mình cho Liên Xô, bao gồm cả thành phố Vyborg, chỉ cách Lappeenranta 30 phút đi tàu.

Ông Arkady Moshes thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan chỉ ra: "Mối liên kết với Ukraine là rất lớn. Chúng tôi đang thấy rất nhiều sự so sánh giữa Ukraine và Chiến tranh Mùa đông trên các phương tiện truyền thông, trong các cuộc tranh luận công khai".

Theo ông Moshes, nhiều người Phần Lan "theo bản năng chuyển sang câu chuyện" về Chiến tranh Mùa đông khi họ nhìn thấy Ukraine tự mình chiến đấu với một nước láng giềng lớn, mạnh hơn.

Ông nhận xét: "Người Phần Lan không cởi mở lắm về cảm xúc của họ, nhưng những gì đang diễn ra ở Ukraine đã làm dấy lên những tình cảm mà dường như đã được giữ kín trong nhiều thập kỷ".

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 84% người Phần Lan hiện nay tin rằng Nga gây ra một mối đe dọa quân sự đáng kể.

Trong khi đó, Heli Pukki, chủ một cửa hàng nghệ thuật ở Lappeenranta, nói: "Thế hệ của tôi không trải qua bất kỳ cuộc chiến tranh nào, nhưng cha mẹ và ông bà của tôi buộc phải chạy trốn về phía Tây của đất nước trong cuộc chiến với Liên Xô. Nhưng chúng tôi đã lớn lên với những kinh nghiệm của họ. Chúng tôi luôn cất giữ điều đó trong tim mình". 

Khi Phần Lan và Thuỵ Điển đang cân nhắc việc gia nhập NATO, Nga cũng đã đưa ra thông điệp của họ. Trong đó, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra lời đe dọa mạnh nhất của nước này, cảnh báo rằng Nga sẽ phải tăng cường lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở Biển Baltic nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Nhiều người dân cũng đã bày tỏ lo ngại về những gì Nga có thể làm nếu Phần Lan thực sự gia nhập NATO. Tuy nhiên, các chuyên gia cùng quan chức Phần Lan đã kêu gọi bình tĩnh và nói rằng đất nước của họ đã sẵn sàng cho bất kỳ hành động gây hấn nào.

Phần Lan đã duy trì chi tiêu quốc phòng mạnh mẽ trong 30 năm qua trong khi phần còn lại của châu Âu đã cắt giảm phần lớn. Quóc gia Bắc Âu cũng là một trong số ít các quốc gia châu Âu vẫn giữ nghĩa vụ quân sự và gần 1/3 số trưởng thành của quốc gia này thuộc lực lượng dự bị. 

Tương tự, thị trưởng của Lappeenranta cho biết ông không mong đợi bất kỳ mối đe dọa quân sự nào từ Moscow, nói thêm rằng biên giới "chưa bao giờ yên tĩnh hơn".

Tuy nhiên, ông cho biết thành phố của ông đã kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các hầm trú bom ngay sau khi xung đột tại Ukraine bắt đầu. Ông chia sẻ: "Đây là những gì chúng tôi luôn làm, chúng tôi luôn chuẩn bị. Xung đột chỉ khiến chúng tôi có thêm một chút động lực để làm như vậy". 

Minh Hạnh (Theo The Guardian)

 

Tin nổi bật