Ngày 14/4, Nga cảnh báo NATO rằng Moscow sẽ phải tăng cường năng lực phòng thủ của mình và có thể sẽ không có thêm các cuộc đối thoại về một Baltic "phi hạt nhân" nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo triển khai lại vũ khí hạt nhân ở Blatic. Ảnh: Sputnik
"Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu thì Nga phải củng cố phòng thủ trong khu vực, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân", ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đưa ra cảnh báo trong một tuyên bố cùng ngày.
"Sẽ không thể có thêm các cuộc đối thoại về một khu vực Baltic phi hạt nhân", ông Medvedev cho biết thêm, đồng thời lưu ý rằng cho đến hiện tại, Nga không còn thực hiện bất kỳ biện pháp phi hạt nhân hóa Baltic nào và sẽ không làm như vậy trong tương lai.
"Nếu chúng tôi buộc phải thực hiện, hãy lưu ý rằng, đó không phải là đề xuất của bản thân chúng tôi", ông Medvedev cho hay.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng cảnh báo nước này sẽ phải tăng cường lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở biển Baltic.
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga. Nước này cùng Thụy Điển đang xem xét khả năng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thủ tướng Sanna Marin nói rằng Phần Lan sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới.
Trước đó hôm 12/4, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer cho biết khối quân sự này không bác bỏ bất kỳ khả năng kết nạp thêm thành viên mới nào nên các quốc gia như Thụy Điển và Phần Lan sẽ tự quyết định có muốn gia nhập NATO hay không.
Điện Kremlin cho rằng châu Âu sẽ bất ổn nếu NATO tiếp tục mở rộng và kết nạp hai quốc gia trung lập Thụy Điển, Phần Lan.
Baltic thuộc vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga kẹp giữa Ba Lan và Lithuania. Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas cho biết Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân tại vùng Kaliningrad của Nga bên bờ biển này kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte cho hay việc đe dọa tăng cường khả năng quân sự, bao gồm hạt nhân, tại vùng Baltic của Nga "không có gì mới".
Hoa Vũ (T/h)