Trường Đại học Luật, Đại học Huế vừa công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Theo đó, trường áp dụng 3 phương thức tuyển sinh, bao gồm xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) và Xét tuyển dựa vào kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT
Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học hệ chính quy năm 2025 với thí sinh là đối tượng được quy định tại Điều 8 của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Thông tin chi tiết sẽ được quy định cụ thể tại Thông báo về việc xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Đại học Huế và Trường Đại học Luật.
Bảng quy định điểm cộng của Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
- Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ)
Sử dụng kết quả học tập các môn trong tổ hợp môn xét tuyển ở cấp THPT của 4 học kỳ, gồm 2 học kì năm học lớp 11 và 2 học kỳ năm học lớp 12 để tính điểm xét tuyển.
Điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển là điểm trung bình chung (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) mỗi môn học của 4 học kỳ (2 học kì năm học lớp 11 và 2 học kỳ năm học lớp 12).
Điều kiện xét tuyển là tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải >=18.0:
ĐXT = {(Môn 1 + Môn 2 + Môn 3) quy đổi tương đương} + Điểm cộng (nếu có) + ĐƯT (nếu có)
(Trong đó, ĐXT: Điểm xét tuyển; ĐƯT: Điểm ưu tiên)
Quy tắc quy đổi tương đương thực hiện theo quy định chung của Đại học Huế.
Lưu ý, thí sinh có thể áp dụng đồng thời nhiều mức điểm cộng tương ứng với các thành tích đạt được tuy nhiên, điểm cộng không vượt 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển (3 điểm/ thang 30 điểm)
Điểm xét tuyển tối đa của một thí sinh là 30 điểm. Thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả học tập bậc THPT thực hiện theo kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Trường Đại học Luật, Đại học Huế không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển của điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
ĐXT = (Môn 1 + Môn 2 + Môn 3) + Điểm cộng (Nếu có) + ĐƯT (nếu có)
(Trong đó, ĐXT: Điểm xét tuyển; ĐƯT: Điểm ưu tiên)
Lưu ý, thí sinh có thể áp dụng đồng thời nhiều mức điểm cộng tương ứng với các thành tích đạt được tuy nhiên, điểm cộng không vượt 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển (3 điểm/ thang 30 điểm). Điểm xét tuyển tối đa của một thí sinh là 30 điểm.
Năm 2025, Trường Đại học Luật, Đại học Huế tuyển sinh tổng 1.400 chỉ tiêu. Các ngành, chỉ tiêu và tổ hợp môn xét tuyển mỗi ngành như sau:
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Lưu ý, đối với thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 thì sử dụng kết quả môn Giáo dục công dân thay cho kết quả môn Giáo dục KT&PL trong xét tuyển.
Về điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển, nếu số thí sinh có cùng mức điểm xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu xét tuyển, ưu tiên xét tuyển các thí sinh có điểm trung bình chung học tập năm học lớp 12 cao hơn.
Các thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo các tiêu chí cụ thể như sau:
- Thí sinh là thành viên chính thức đội tuyển quốc gia dự kỳ thi Olympic quốc tế, thành viên chính thức đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế.
- Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp; thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.
Thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng được ưu tiên xét tuyển theo Quy chế hiện hành.
Dự kiến mức thu năm học 2025 – 2026 của Trường Đại học Luật, Đại học Huế là 16 triệu đồng/năm/sinh viên. Mức tăng hàng năm (nếu có) không quá 20% so với mức học phí năm liền kề.