Báo Thanh niên đưa tin, sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) công khai 12.028 trang sao kê danh sách các cá nhân, tập thể ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bão số 3, cộng đồng mạng đã "check var", nhiều chuyện bi hài trong việc chuyển tiền hỗ trợ mới lộ diện.
Theo đó, trong khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân, người nổi tiếng đồng lòng ủng hộ, gửi những khoản tiền lớn, nhỏ đến người dân các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng bão lũ thì một số lại "làm màu", thậm chí tạo sao kê giả, không đúng với số tiền chuyển khoản để khoe lên trang cá nhân, Fanpage, TikTok nhằm mục đích tạo dựng hình ảnh, câu like, tạo sự nổi tiếng.
Trong đó, P.V.A chủ nhân kênh TikTok có 1,2 triệu lượt theo dõi bị phát hiện ủng hộ 1 triệu đồng nhưng đăng ảnh chụp màn hình đã chuyển khoản 20 triệu đồng.
P.V.A chủ nhân kênh TikTok có 1,2 triệu lượt theo dõi bị phát hiện ủng hộ 1 triệu đồng nhưng đăng ảnh chụp màn hình đã chuyển khoản 20 triệu đồng. Ảnh: Saostar.
Đã có sao kê từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, P.V.A khó chối cãi và phải lên tiếng xin lỗi. Người này chia sẻ: "Vì sự thiếu suy nghĩ, kém cỏi của bản thân, em đã chỉnh sửa để chia sẻ lên mạng xã hội với số dư sai lệch. Hành động này của em là đáng lên án và sai trái".
Một cựu vận động viên thể thao kiêm TikToker cũng bị gọi tên vì số tiền sao kê chỉ 500.000 đồng, trong khi hóa đơn chuyển khoản của người này có đến 8 con số 0, tương ứng với hàng trăm triệu.
Dù cô lập tức thanh minh, cho rằng có người trùng tên hoặc cố tình chuyển khoản cùng nội dung để hạ bệ, nhưng cộng đồng mạng đều cho rằng cựu vận động viên này đang bao biện.
Một người nổi tiếng trên TikTok từng gây xôn xao khi ủng hộ 30 tỉ đồng nhưng khi cộng đồng mạng tra cứu, thực chất người này chỉ gửi... 30 nghìn đồng.
Cũng là một người nổi tiếng trên mạng xã hội, nhà sáng tạo nội dung T.D.A cũng bị dân tình tố “thổi phồng” số tiền ủng hộ khắc phục hậu quả do siêu bão Yagi gây ra. Trong khi anh chia sẻ thông tin ủng hộ đồng bào miền lũ 100 triệu đồng. Thế nhưng, số tiền thực tế từ sao kê chỉ là 10.000 đồng. Bị cộng đồng mạng chỉ trích vì hành động gian dối, người này đã khóa trang cá nhân.
Nhà sáng tạo nội dung T.D.A cũng bị dân tình tố “thổi phồng” số tiền ủng hộ khắc phục hậu quả do siêu bão Yagi. Ảnh: Báo Thanh niên.
Nhiều hội nhóm cũng bị "khui" chuyển khoản vài trăm nghìn nhưng "nổ" lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Những con số "tự khoe" gấp 10 lần, thậm chí gấp 100 lần số tiền trong sao kê hàng loạt người nổi tiếng "muối mặt", ê chề và nhận nhiều chỉ trích.
Fanpage ủng hộ "Anh trai vượt ngàn chông gai" cũng bị soi ủng hộ 200.000 nhưng công bố số tiền ủng hộ lên đến 20 triệu. Sau đó, nhóm fan này đã lên tiếng nhận lỗi vì thiếu trung thực trong việc quyên góp thiện nguyện.
Sau sự việc, diễn viên Tiến Luật cũng chia sẻ trên trang cá nhân rằng anh rất buồn trước hành động của nhóm fan này. "Làm mà không nghĩ. Bao nhiêu người vì chương trình mà làm điều tốt. Tự nhiên bây giờ...", diễn viên nói, theo báo Lao động.
Một số trường hợp thậm chí “ăn chặn” tiền ủng kêu gọi ủng hộ. Cụ thể, trong hội nhóm mua bán đồ, người tên K.L đấu giá món đồ có giá 6 triệu đồng, nhận thêm tiền từ người khác, tổng thu 10 triệu đồng. Thực tế, sao kê chỉ hiện 100.000 đồng. Sau khi bị phát hiện, tài khoản K.L lên tiếng xin lỗi và chuyển 10 triệu đồng cho MTTQ.
Khắp mạng xã hội xôn xao những hình ảnh chụp từ bản sao kê và hóa đơn chuyển tiền của những người bị “bóc mẽ”. Dư luận dành sự chỉ trích nặng nề khi những cá nhân này lấy nỗi đau và mất mát của người dân để đánh bóng tên tuổi.
Với nhiều người, họ cho biết của cho không bằng cách cho, tình cảm tấm lòng là chính và đừng lợi dụng bà con khó khăn mà phông bạt. “Của ít lòng nhiều, hồi đi học tôi vẫn nhét vào thùng quyên góp mấy đồng lẻ có gì mà ngại ngùng. Sao phải cứ chỉnh sửa đánh bóng như thế này”, “Tôi không chấp nhận bất cứ ai lấy nỗi đau và mất mát của người dân để đi phông bạt, đánh bóng tên tuổi cả”, “Giữa lúc đồng bào đang trong cơn cùng cực, cần sự giúp đỡ sẻ chia nhất thì lại có những kẻ vì lòng tham mà đem vứt bỏ đi nhân phẩm và danh dự của chính mình”… cư dân mạng bình luận.
Giữa lúc câu chuyện "check VAR" cười ra nước mắt, nhiều người chia sẻ những dòng tin nhắn ấm áp từ các tài khoản trong bản sao kê. Dù số tiền chỉ vài chục nghìn đồng nhưng được cư dân mạng đánh giá trân quý, nhiều cảm xúc: “Cháu đi học không có nhiều tiền, của ít lòng nhiều quyên góp giúp mọi người ạ”, “cháu có gói mì tôm ủng hộ ạ”, “Cháu mong bà con miền Bắc bình an”…
Những dòng tin nhắn ấm áp từ các tài khoản trong bản sao kê. Ảnh: Báo Tiền phong.
Trên thực tế, việc làm từ thiện là xuất phát từ cái tâm của mỗi người. Do đó, bất kỳ khoản đóng góp nào cũng đều xứng đáng được trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, chỉ vì muốn đánh bóng tên tuổi, nhiều bạn trẻ đã chọn cách "phông bạt" tiền từ thiện. Điều này không chỉ khiến đóng góp của các bạn mất giá trị mà còn khiến bản thân các bạn mất uy tín trong mắt nhiều người.
Chúng ta cần giữ gìn sự trong sạch và ý nghĩa cao đẹp của việc làm thiện nguyện, hướng đến một xã hội nơi lòng nhân ái được thể hiện một cách chân thành và thiết thực. Một xã hội chỉ có thể phát triển bền vững khi những giá trị đạo đức được tôn trọng và bảo vệ.