Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chế tài nào xử phạt những kẻ “sống bám trẻ ăn xin”?

(DS&PL) -

Mới đây, sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện về việc quản lý người lang thang, ăn xin; xử lý những người chăn dắt, trẻ ăn xin trên địa bàn.

Mới đây, sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện về việc quản lý người lang thang, ăn xin; xử lý những người chăn dắt, trẻ ăn xin trên địa bàn. Tuy nhiên, đề nghị “người dân không cho tiền người ăn xin trên phố” trong văn bản lại khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.

Thực trạng nhức nhối

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP.HCM vừa có văn bản đề nghị phối hợp quản lý người ăn xin, người không nơi cư trú. Tại văn bản này, Sở cũng đưa ra lời khuyến khích, người dân TP.HCM không trực tiếp cho tiền người xin ăn trên đường phố.

Theo đại diện sở LĐ,TB&XH TP.HCM, đề xuất này bắt nguồn từ thực trạng người ăn xin đang ngày càng nhiều trên đường phố địa phương. Tại thành phố lớn nhất cả nước, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều trẻ em lang thang, ăn xin bằng cách mời chào, thậm chí đeo bám người dân ở các khu vực trọng điểm như vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đoạn cuối đường Bạch Đằng (quận Gò Vấp), khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú), đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2).

Còn ở các tuyến đường trung tâm thành phố, tình trạng này ngày càng phức tạp tại xung quanh chợ Bến Thành, vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu (quận 1)... Một số người dân ngụ tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho biết đã nhiều lần chứng kiến trẻ ăn xin bị người trông coi ngược đãi, bỏ đói nên hễ thấy chỗ nào thường tập kết trẻ ăn xin, họ đều gọi cho Tổng đài 111 để báo tin.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP.HCM đưa ra lời khuyến khích người dân không trực tiếp cho tiền người xin ăn trên đường phố. Ảnh minh họa

Theo đại diện Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đơn vị này nhận được rất nhiều cuộc điện thoại báo có trẻ em ăn xin, trẻ lang thang mỗi ngày. Trong đó, các cuộc điện thoại từ TP.HCM là nhiều nhất.

“Khi nhận được điện thoại, chúng tôi liên hệ ngay với địa phương để họ kết hợp với lực lượng chức năng xác minh, đưa trẻ về trung tâm bảo trợ xã hội. Nhưng rồi cũng những người dân đó lại gọi cho chúng tôi nhiều lần, cho biết bọn trẻ lại quay lại nghề ăn xin tại khu vực khác”.

Bà Phạm Thị Thu Giang, Trưởng phòng LĐ, TB&XH quận 1, TP.HCM nhận định: “Các trường hợp trẻ lang thang ăn xin trên địa bàn quận 1, hầu hết là người nước ngoài hoặc người địa phương khác chuyển đến. Ở địa bàn quận, các hoàn cảnh trẻ em mồ côi, trẻ sống trong hộ nghèo và cận nghèo, trẻ có người thân nhiễm HIV, trẻ có hoàn cảnh gia đình phức tạp... đều được theo dõi và có nhiều chính sách chăm sóc phù hợp. Các phường đều chủ động chăm sóc trẻ khó khăn trên địa bàn, tuyệt đối không có tình trạng trẻ ở địa phương đi ăn xin”.

Đại diện quận 1 khẳng định, chính quyền đã có nhiều nỗ lực chăm sóc các đối tượng trẻ em lưu trú trên địa bàn, bao gồm cả những gia đình thuê trọ.

“Tuy nhiên, riêng nhóm đối tượng đưa trẻ đi ăn xin rất khó theo dõi vì họ di chuyển liên tục. Chúng tôi thường xuyên nhận được tin báo từ người dân. Nhưng hễ thấy xe chuyên chở của lực lượng chức năng đến là trẻ bỏ chạy, chúng tôi không dám đuổi theo vì sợ gây tai nạn. Còn đưa được trẻ về trung tâm Bảo trợ xã hội thì cha mẹ các em đến bảo lãnh.

Cơ quan chức năng đã yêu cầu người giám hộ khi đến bảo lãnh trẻ phải viết cam kết không tái phạm nhưng lần sau họ lại đến... viết cam kết tiếp. Những khó khăn, bất cập này đã được lãnh đạo quận 1 báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM”, bà Giang cho hay.

Nâng cao chế tài hay giáo dục?

Bình luận về đề xuất của sở LĐ,TB&XH TP.HCM, ông Trần Quang Thắng, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng, đó chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ. Còn biện pháp căn cơ lâu dài phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố quản lý.

Trước hết, ông Thắng khẳng định, không chỉ ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung mới có nạn ăn xin mà ngay ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Anh hay Pháp cũng vẫn có nạn ăn xin. Hiện tượng này xuất phát từ điều kiện phát triển kinh tế, vấn đề giải quyết công ăn việc làm, kinh tế càng phát triển càng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội.

“TP.HCM có nền kinh tế năng động phát triển, điều này thu hút người dân đổ về đây để kiếm sống vì thế mà nạn ăn xin ở nhiều nơi trên cả nước đều giảm nhưng tại TP.HCM thì tăng. Những người ăn xin có người già, người trẻ, có người lang thang cơ nhỡ, có người nghèo khó nhưng cũng có người ăn xin để có thu nhập, làm giàu, chi tiêu thoải mái.

Những năm gần đây, ăn xin không những đi đơn lẻ, xin cá nhân mà còn thành lập cả hội nhóm, có bảo kê, chăn dắt, đi xin theo từng đoàn, coi ăn xin như một nghề kiếm tiền.

Vì thế, việc đẩy lùi nạn chăn dắt, ăn xin không phải là chuyện một sớm một chiều TP.HCM có thể làm được mà cần phải có chiến lược thực hiện lâu dài, tác động sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân”, ông Thắng nêu quan điểm.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng bình luận, cho tiền người ăn xin là thói quen xuất phát từ tình thương, lòng hảo tâm của con người nhưng nếu đặt không đúng chỗ vô tình lại tiếp tay cho tệ nạn, khuyến khích người khác ăn xin.

“Nếu không còn người cho tiền, người ăn xin cũng không kiếm được tiền, chắc chắn lượng người ăn xin sẽ giảm đi. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội trong trường hợp này đóng vai trò quan trọng. Bởi khi người ăn xin không xin được tiền, họ sẽ tìm kiếm những cơ hội kiếm tiền đến từ việc khác như: Trộm cắp, mại dâm, buôn bán ma túy...

Vì thế, cần phải có giải pháp đồng bộ, cần sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, các ban ngành chính quyền địa phương cũng như từ ý thức của người dân”, ông Thắng bày tỏ.

Có người xem ăn xin như một nghề kiếm sống

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Ngọc Vượng, học viện Khoa học xã hội chia sẻ: “Tôi đã thấy nhiều người lớn lành lặn chăn dắt trẻ em ăn xin. Họ đã tước mất tuổi thơ của bọn trẻ và bóc lột sức lao động của chúng. Đây thực sự là một điều rất tồi tệ. Cần có biện pháp xử lý những kẻ chăn dắt trẻ em, cái gốc vấn đề là ở đây chứ chỉ đưa các em về trung tâm Bảo trợ xã hội rồi thì lại như bắt cóc bỏ đĩa. Nhưng tôi cũng cho rằng chỉ thế thôi là chưa đủ.

Chế tài chưa chắc giải quyết được các vấn đề vì cần phải thay đổi nhận thức cho người dân thông qua giáo dục. Bởi thực tế là có nhiều nơi, nhiều gia đình họ xem đây là một nghề mà nghề này có thể kiếm khá hơn các nghề khác. Họ đi ăn xin về xây nhà cũng bình thường. Đấy là lựa chọn của họ nên có đưa họ hồi hương họ lại quay lại nghề ăn xin”.

“Giải quyết điều này thì có nhiều cách nhưng trước hết là địa phương phải quản lý, phải tạo điều kiện để đưa bọn trẻ ra trường học. Nơi nào tạo ra được truyền thống văn hóa tốt, tương thân tương ái, nó sẽ khích lệ các thành viên trong cộng đồng đó sống lành mạnh, tốt đẹp.

Ví dụ như nhiều xã, huyện ở Nam Định, họ có truyền thống hiếu học mạnh mẽ, người dân ở đó dù nghèo khó tới đâu cũng không bao giờ đi ăn xin mà quyết tâm đi học. Vì vậy, ăn xin chắc chắn là một câu chuyện dài nhiều tập mà các biện pháp hành chính trước mắt khó mà giải quyết ngay được”, ông Vượng nói.

Hà Nhân

Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 138

Tin nổi bật