Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Hòa giải không ghi âm, ghi hình để giữ bí mật

(DS&PL) -

"Trong luật quy định không được ghi biên bản, không được ghi âm, ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín"

"Trong luật quy định không được ghi biên bản, không được ghi âm, không được ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín" - Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

Sáng 25/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Cho ý kiến về dự thảo luật này, các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào các nhóm vấn đề về phạm vi hòa giải, đối thoại tại toà, chi phí hòa giải, tiêu chuẩn của hòa giải viên...

Theo báo Pháp luật TP.HCM, đại diện cơ quan soạn thảo dự luật, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình sau khi tiếp thu các ý kiến có giải trình thêm.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: Quochoi.vn

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói: “Các đại biểu đồng tình là ngoài việc hòa giải ở trong tòa án thì có thể ở ngoài tòa án nhưng phải có sự thỏa thuận của hai bên. Chúng tôi cho rằng hòa giải về mặt bản chất là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp.

Mục đích là làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng và hướng thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và không có cố chấp. Cho nên việc tác động này thông thường là lần lượt các bên và chủ yếu là tác động vào bên đi kiện, tức là bên nguyên”.

Một số đại biểu lo ngại về vấn đề lộ bí mật khi hòa giải, ông Bình giải thích rằng: “Đôi khi đương sự thổ lộ tâm tình với hòa giải viên những điều thầm kín trong lòng như: Tại sao ly hôn, tại vì ông này có cái này, bà này thế này, những việc như thế không thể mang ra để thành câu chuyện đàm tiếu”.

Hoặc những thông tin về nhà đất, cổ phần, tiền mà đương sự không muốn cho người khác biết, nhưng lại chia sẻ với hòa giải viên thì bổn phận của hòa giải viên là phải giữ bí mật.

“Chính vì vậy, trong luật quy định không được ghi biên bản, không được ghi âm, không được ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín”- ông Bình nói tiếp.

Theo Tiền Phong, trước đó, cho ý kiến về dự án luật, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho biết, bảo vệ bí mật thông tin trong hoạt động hòa giải là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc tạo niềm tin của các bên. Nguyên tắc bảo mật thông tin là nguyên tắc then chốt trong hoạt động hòa giải tố tụng tại tòa án.

Theo đại biểu, những nội dung quy định tại Điều 4 đã thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc từ những kinh nghiệm tốt trên thế giới và góp ý của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, trong trường hợp hòa giải viên có hành vi vi phạm bảo mật thông tin mà gây hậu quả, gây thiệt hại cho bên trình bày thì họ cũng phải bồi thường thiệt hại.

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo mật thông tin cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bên cạnh nội dung bị xử lý theo quy định của pháp luật cho phù hợp”, đại biểu đoàn Thái Bình nói.

Đại biểu Nguyễn Chí Tài (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng cần phải bảo mật thông tin đó là thẩm phán để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong luật. “Vì thẩm phán được phân công hòa giải là một trong các thành phần tham dự phiên họp, ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 28 của dự thảo luật”, đại biểu Tài cho hay.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật