Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Câu chuyện xúc động về tin nhắn trong chiếc máy cũ

(DS&PL) -

Thời gian làm việc nhiều hơn bình thường, không có thời gian ăn, nghỉ theo đúng giờ, thế nhưng, những người thợ sửa chữa điện thoại di động vẫn luôn cần mẫn.

Thời gian làm việc nhiều hơn bình thường, không có thời gian ăn, nghỉ theo đúng giờ, thế nhưng, những người thợ sửa chữa điện thoại di động vẫn luôn cần mẫn. Họ có những kỷ niệm, câu chuyện xúc động khiến khóe mắt cay cay...

“Đâm lao thì phải theo lao”

Tìm đến cửa hàng sửa chữa điện thoại nằm trong một con ngõ nhỏ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội vào một buổi chiều trung tuần tháng 11, PV cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương nhưng cũng đầy trách nhiệm của ông chủ cửa hàng chuyên sửa chữa điện thoại.

Đôi tay nhanh thoăn thoắt của anh Nguyễn Văn Lục (SN 1988, quê Tuyên Quang) đang miệt mài với công việc của mình. Anh nói: “Nếu không đúng hẹn khách sẽ trách”. Theo anh Lục, đây là công việc cần chữ tín.

Nói về cơ duyên đến với nghề, anh Lục trải lòng: “Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông, từ trước đến nay chỉ ở nhà làm nông nghiệp. Thế rồi, cách đây hơn 1 năm chị gái và anh rể tôi có mở một cửa hàng sửa chữa điện thoại tại Hà Nội. Thấy tôi làm nông vất vả chị khuyên tôi nên chọn lấy một cái nghề nhẹ nhàng và có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Vì thế, sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định học nghề sửa chữa điện thoại”.

Anh Lục coi nghề sửa chữa điện thoại di động là nghề “làm dâu trăm họ”.

Khăn gói xuống Hà Nội học nghề, mang theo sự kỳ vọng của bố mẹ anh Lục bắt đầu công cuộc mưu sinh của mình.

“Để có thể thành thợ, tôi phải đăng ký theo học nghề sửa chữa điện thoại. Sau một thời gian chăm chỉ, tôi bắt đầu hiểu những khái niệm đầu tiên. Hóa ra, nghề sửa chữa điện thoại không đơn giản như tôi nghĩ. Bắt đầu từ việc không biết CPU (Bộ xử lý điện thoại-PV) là gì, các vi mạch của điện thoại ra sao, hỏng, chập thì sẽ sửa như thế nào... Sau khóa học nghề, tôi đã dần hiểu ra và cảm thấy mình bắt đầu có hứng thú, có cảm tình với công việc mà mình đang theo đuổi”, anh Lục bộc bạch.

Nhờ sự kiên trì, chăm chỉ anh Lục dần trở thành người thợ giỏi trong nghề. Để phát huy được khả năng của mình, anh bàn với bố mẹ, anh chị mở một cửa hàng sửa chữa điện thoại riêng. Tuy nhiên, khó khăn về vốn khiến anh bao đêm trăn trở, suy nghĩ.

Nhớ lại ngày đầu lập nghiệp, anh Lục cho hay: “Đi học nghề về mà không có môi trường làm liên tục thì sẽ quên ngay, chính vì thế, tôi bàn bạc với anh chị, bố mẹ để mở một cửa hàng sửa chữa điện thoại tại Hà Nội. Vừa để có thêm thu nhập nhưng cũng là để mình học hỏi thêm kinh nghiệm. Vì từ trước đến nay, công việc này tôi chưa từng làm qua. May mắn, ý định của tôi cũng nhận được sự ủng hộ của người thân”.

Dù nhận được sự ủng hộ từ gia đình, nhưng những ngày đầu tiên trong bước chân lập nghiệp anh Lục gặp không ít khó khăn.

“Có những ngày không hề có khách, tôi đi ra đi vào. Có hôm, có được 1-2 khách thì họ lại bắt đủ thứ. Thú thật, có khi tôi rất nản, muốn bỏ cuộc nhưng vì đã đâm lao thì phải theo lao”, anh Lục chia sẻ.

Như bác sĩ chữa bệnh

Từng có khoảng thời gian lang thang khắp Sài Gòn, nhưng cuối cùng anh Nguyễn Văn Phong (SN 1990, quê Phú Thọ), nhận thấy nghề sửa chữa điện thoại là công việc mà mình yêu thích, muốn gắn bó.

Anh Phong cho hay: “Tôi bắt đầu học sửa chữa điện thoại từ năm 17 tuổi, tính đến nay đã có hơn 10 năm trong nghề. Những ngày đầu mới học làm nghề, tôi cũng gặp phải những vướng mắc nhất định trong việc nhớ tên các bộ phận trên máy, rồi cách sử dụng các loại máy như khò nóng, máy đo dung lượng pin...”.

Thế rồi, anh Phong cứ vừa học hỏi những người thợ đi trước và tự tìm hiểu các bộ phận lắp ráp trên điện thoại. Cho đến thời điểm hiện tại, 10 năm gắn với nghề anh Phong được nhiều khách hàng ví như một chuyên gia trong lĩnh vực.

Nói về công việc mình đang theo đuổi, anh Phong chia sẻ với PV, nhiều người cũng thường gọi anh với cái tên trìu mến “bác sĩ” bắt bệnh điện thoại. Cụ thể ở đây là những chiếc điện thoại của đủ các hãng và mắc đủ các loại bệnh.

Anh Phong nói: “Tôi không nhớ là mình đã sửa cho bao nhiêu chiếc điện thoại trong ngần ấy năm, chỉ biết rằng hễ điện thoại của người dùng có vấn đề gì là họ lại ra chỗ tôi, thắc mắc rồi mong sửa giúp họ phương tiện liên lạc một cách nhanh nhất có thể”.

Kể về một kỷ niệm đáng nhớ nhất, anh Văn Phong trầm tư: “Những chiếc điện thoại tưởng chừng chỉ dùng để liên lạc nhưng lại gắn với không ít câu chuyện vui buồn của khách hàng. Có lần, tôi sửa điện thoại cho một người đàn ông trung tuổi. Tôi khá bất ngờ vì chiếc điện thoại của người này đã quá cũ kỹ nhưng ông vẫn rất nâng niu. Khi đó, tôi có tư vấn cho vị khách hàng thay điện thoại mới tuy nhiên ông ấy một mực từ chối. Sau đó, tôi có hỏi chuyện thì người đàn ông này nói trong chiếc điện thoại cũ đó có tin nhắn của vợ mình, bà đã mất cách đây không lâu. Nghe đến đây lòng tôi nghẹn lại, ý nghĩ trong đầu duy nhất là làm sao cứu chữa được chiếc điện thoại đó và cuối cùng là tôi cũng đã chữa được”.

Khi “cấp cứu” được một chiếc điện thoại thành công, mang lại sự hài lòng cho người sửa với anh Văn Phong, đó là điều mà anh cảm thấy vui vẻ nhất. Mặc dù, trong suốt cuộc trò chuyện với PV, anh Văn Phong luôn nói: “Công việc của chúng tôi như những con ong cần mẫn”.

Còn với anh Nguyễn Văn Lục, công việc của anh bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 22h tối. Vì thế, cường độ làm việc của anh khá cao, ít có thời gian nghỉ ngơi.

Anh Lục cho biết thêm: “Nếu mình không mở cửa hàng sớm khách đến không thấy chủ họ sẽ đi quán khác, như vậy là mình sẽ không có khách. Chưa kể, thời gian làm việc căng thẳng nhất là từ 17h đến 22h, vì khi đó khách hàng mới có thời gian đi làm về và ghé qua cửa hàng. Những lúc như vậy tôi thường làm việc quá giờ, quá bữa, đến đêm 23h mới ăn tối là chuyện bình thường. Thậm chí, mải bận rộn với công việc mà tôi cũng chưa có thời gian tìm hiểu chuyện tình yêu cho riêng mình”.

Nhiều người nhìn qua công việc của những người thợ sửa chữa điện thoại thường nói không mấy vất vả, công việc chỉ ngồi một chỗ. Thế nhưng, có tìm hiểu mới thấy, công việc của họ cũng lắm nỗi gian truân.

Anh Lục kể: “Làm nghề này đòi hỏi phải đi sâu vào sự tỉ mỉ, chi tiết, bởi các thiết bị di động ngày càng nhỏ gọn và trở nên tinh vi hơn. Các vi mạch trở nên nhỏ hơn, tích hợp chung với nhau nhiều hơn nên quá trình tìm ra căn nguyên của lỗi hỏng càng trở nên khó khăn và kéo dài thời gian sửa hơn, điều này khiến mắt của chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng mỏi khi phải cố gắng nhìn, soi tìm ra nguyên nhân máy hỏng, chưa kể vòng bụng thắt lưng cũng trong tình trạng nhức mỏi vì ngồi một chỗ”.

Trước thắc mắc của PV, rằng hiện nay nhiều người thường lựa chọn những cửa hàng bán, sửa chữa điện thoại lớn, uy tín vì họ sợ những người thợ sửa ở các cửa hàng nhỏ sẽ thay mất linh phụ kiện trong máy điện thoại của họ.

Anh Lục thẳng thắn: “Tôi không biết ở các nơi khác thế nào, nhưng khi đã đến chỗ tôi khách hàng yên tâm tuyệt đối vì linh phụ kiện ở máy Tàu và máy chính hãng khác nhau, không thể lắp ghép vào nhau đồng nhất được. Thêm vào đó, chúng tôi làm việc bằng một cái tâm, trách nhiệm thì tôi nghĩ rằng vấn đề khách sợ thợ sửa thay thế linh kiện là điều sẽ không xảy ra”.

Coi nghề sửa chữa điện thoại là nghề “làm dâu trăm họ”, nên cả anh Phong và anh Lục đều trải lòng không thể làm hài lòng hết tất cả các khách hàng được. Cũng có đôi khi họ bị khách hàng phàn nàn vì sửa chậm, hay sửa mà mang về nhà dùng máy vẫn lỗi như thường.... Thế nhưng, bỏ qua những lời phàn nàn đó, họ vẫn miệt mài với công việc của mình.

Với những người thợ sửa chữa điện thoại di động này, điều khiến họ gắn bó lâu năm với công việc của mình đó chính là, khi chữa xong “bệnh” cho chiếc điện thoại và nhận được những lời cảm ơn từ khách hàng là họ cảm thấy vui, hạnh phúc, có thêm động lực để tiếp tục theo nghề.

Hoàng Bích

Tin nổi bật