Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tò mò trái xoay rừng và nước mắt của sơn tràng

(DS&PL) -

Cuối mùa mưa hằng năm, nhiều người dân tỉnh Gia Lai, lại lên rừng tìm hái quả xoay. Có người trở về với những thương tích đầy mình, cũng có người mãi mãi nằm lại rừng.

Cuối mùa mưa hằng năm, nhiều người dân huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, lại lên rừng tìm hái quả xoay. Có người trở về với những thương tích đầy mình, cũng có người mãi mãi nằm lại rừng. Thế nhưng, vì cuộc sống mưu sinh, những người thợ rừng (sơn tràng) hái xoay vẫn vắt vẻo trên ngọn cây cao hàng chục mét, bất chấp nguy hiểm.

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt

Hơn 6h, màn sương vẫn còn lãng đãng trên những cánh rừng xanh ngắt ở thôn Điện Biên, xã Sơn Lang, huyện Kbang, anh Trương Quốc Hiệp đã người được ví như “con sóc” của rừng Kbang bởi tài trèo cây xoay rất điệu nghệ đã chuẩn bị sẵn đồ nghề cho chuyến đi rừng sắp tới. Vật dụng cần thiết là một đôi tất phủ kín chân để tránh vắt, một sợi dây thừng, một chiếc bao cùng với con dao quắm dắt nơi thắt lưng. Với các cánh rừng ở Kbang, anh Hiệp được xem như “thổ địa”.

Cùng đi với anh Hiệp, anh Nguyễn Văn Chương cũng khá nổi tiếng trong nghề hái xoay khi rành rọt “tọa độ” của từng bãi xoay trĩu quả.

Chất đồ đạc lên chiếc xe chuyên dụng, anh Hiệp chở chúng tôi lao đi trên những con đường gập ghềnh đá sỏi dẫn vào rừng. Vừa đi, anh Hiệp vừa kể: “Nhiều năm trước, khi rừng Kbang còn nhiều xoay, người ở các vùng khác đổ về hái xoay như đi hội. Mỗi nhóm hái xoay thường có 2-5 người, trong đó nhất thiết phải có một người giỏi trèo cây”.


Người dân đu mình trên những cây cổ thụ cao vút hái xoay.

Nghề hái xoay từng cho thu nhập rất cao. Nhưng bây giờ, cây xoay ngày một hiếm. Kéo mạnh ga ở đoạn cua gấp khúc, anh Chương nói lớn như để át tiếng xe: “Kbang là thủ phủ của cây xoay. Đặc biệt là ở Sơ Pai, Sơn Lang có nhiều bãi xoay lớn, quả sai và ngon hơn những vùng khác. Mùa xoay thường bắt đầu vào giữa tháng Chín và kéo dài hơn một tháng”.

Từ con đường Trường Sơn Đông, chúng tôi vượt qua hơn 5km đường mòn trơn tuột bởi cơn mưa vào chiều hôm trước rồi tiến vào rừng. Đến khu vực rừng Ba Trại, vì đường nhỏ, khó đi nên chúng tôi đành bỏ xe lại và bắt đầu lội bộ.

Cơn mưa vội vã khiến khu rừng ẩm ướt đến khó chịu. Những đàn vắt ngửi thấy mùi người cứ búng người tanh tách trên lá như mưa đổ. Cả nhóm chẳng dám dừng lại phủi quần vì làm vậy chỉ khiến lũ vắt tập trung đông hơn. Dù đã được trang bị kín kẽ nhưng cảnh tượng đàn vắt đói đang chờ hút máu cũng khiến cánh phóng viên không khỏi rùng mình.

Tuy nhiên, hai người thợ rừng chẳng mảy may để ý đến đám vắt gớm ghiếc kia. Bởi họ sẽ còn đối diện với những điều ghê gớm hơn thế. Họ cứ thế phăm phăm bước vào rừng và bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện rùng rợn đượm nỗi xót xa của nghề hái xoay.

“Nghề này bạc như vôi, tiền thì kiếm được cũng chỉ hườm hườm, còn mạng sống thì luôn treo lơ lửng trên ngọn xoay. Ở đất Kbang này, năm nào chẳng có người ngã vì hái xoay”, anh Hiệp chợt ngậm ngùi.

Anh Chương tiếp lời: “Sinh nghề tử nghiệp cả mà. Mùa xoay mấy năm trước, trong nhóm tôi có một cu cậu leo trèo giỏi lắm. Lần đó cả nhóm đi đúng ngày mưa, thân cây trơn tuột, chúng tôi bảo nhau quay về nhưng hắn không chịu. Hắn nói rằng đứa con đang ốm ở nhà, đi nốt chuyến này kiếm tiền đưa con lên viện. Thế là cả nhóm để hắn trèo lên. Chừng đâu nửa tiếng thì nghe tiếng động rất lớn, mọi người chạy lại thì thấy hắn đang quằn quại dưới đất. Anh em chúng tôi cố đưa hắn lên viện nhưng không kịp. Đêm đấy đưa hắn về nhà, vợ hắn chỉ kịp rú lên rồi ngất lịm. Anh em mỗi người hùn lại một ít tiền lo ma chay cho hắn xong xuôi đâu đấy rồi lại lên rừng”.

Anh Chương vừa dứt lời, cả nhóm đều im bặt. Đôi mắt anh chợt hướng về đâu đó trong góc rừng xa xăm. Ký ức về ngày kinh hoàng ấy khoét sâu vào tâm trí của những người thợ rừng. Có lẽ họ đang tiếc thương người bạn đồng hành hay nghĩ đến nỗi nguy hiểm rình rập trên những thân cây trơn tuột.

Giỡn mặt “tử thần”

Chúng tôi tiếp tục cắt rừng khoảng nửa tiếng nữa. Anh Chương dắt mọi người men theo con đường xương cá, tiến vào bãi xoay. Gọi là bãi, nhưng những cây xoay mọc cách nhau đến hàng chục mét. Xoay là loại cây thân gỗ đường kính dễ đến 2-3 người ôm, cao chừng 25-35m, vỏ cây màu trắng xám, rất dễ nhận biết. Người hái xoay thường nhìn dưới gốc xem quả rụng để biết cây xoay có trái hay không trước khi trèo.

Trái xoay thơm ngon đặc sản núi rừng Kbang vừa được người dân hái xuống.

Đứng dưới gốc một cây xoay khá lớn, anh Hiệp nheo mắt nhìn lên những tán lá rậm rạp. Khi thấy những quả xoay nhỏ, lông mịn anh mới bắt đầu lấy đồ nghề ra rồi tìm vị trí phù hợp nhất để leo lên. Anh Hiệp buộc một đầu sợi dây thừng vào cây xoay, đầu kia buộc vào người. Và, nhanh như sóc, anh thoăn thoắt trèo lên gốc cây nhỏ chỉ bằng bắp chân người lớn.

Chưa đầy nửa phút, anh đã đứng ngất ngưởng trên đỉnh ngọn cây nhỏ cao chừng 15m, cách thân cây xoay gần 2m. Sau đó, anh nắm lấy sợi dây thừng, dùng tay vít sợi dây, kéo anh và ngọn cây nhỏ sát với cây xoay rồi anh chuyền hẳn qua cây này. Sợi dây vẫn ở đó để dùng cho lúc tụt xuống.

Nhìn cảnh này, chúng tôi không khỏi rùng mình. Mùa mưa, thân cây trơn trượt, những người trèo xoay chỉ cần tuột tay là “tuột” luôn sinh mạng.

Anh Hiệp tiếp tục leo lên cây xoay đến khoảng 30m. Khi tiếp cận những cành cây có trái, anh Hiệp mới dừng lại. Rút con dao đang giắt ở thắt lưng, anh bắt đầu công việc nguy hiểm của mình. Từ đây, anh Hiệp thoắt ẩn thoắt hiện, điệu nghệ như những chú sóc trong tán lá rậm rạp. Ở dưới đất, anh Chương luôn dõi theo từng cử chỉ của bạn đồng hành.

Anh Hiệp mất hút giữa tán lá. Trên ngọn cây cao vút, chỉ có vài tia nắng yếu ớt hắt qua, xiên xuống mặt đất. Lâu lâu, chúng tôi nghe vang lên tiếng dao chặt vào cành cây chắc nịch. Thi thoảng, những tiếng sột soạt vang lên từ những cành xoay trĩu quả bị vứt xuống đất, xé tan cái không gian u tịch của núi rừng. Chả mấy chốc, cây xoay đã bị chặt trụi, ánh sáng mặt trời rọi xuống chói mặt người. Xung quanh gốc cây, những cành xoay sai trĩu đã được anh Chương chất thành từng đống gọn gàng.

Sau khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ mải mê chặt xoay ở trên ngọn cây, anh Hiệp tụt xuống khi chiếc áo đã ướt đẫm mồ hôi. Chưa kịp nghỉ tay, anh Hiệp nói trong hơi thở hổn hển: “Lúc nãy ở trên đó thấy bên kia có một cây xoay sai trái lắm, sai hơn cây này nhiều, mình hái xong cây đó là đầy bao thôi”.

Bỏ chúng tôi lại với đống xoay đã chặt, anh Hiệp chạy vụt đi rồi ẩn mình trong những tán lá cách mặt đất hàng chục mét.

Ngồi nhặt những cành xoay cho vào bao gọn gàng, anh Chương cho biết: “Một cây xoay thường hái được khoảng 1-2 bao, mỗi bao 20-30kg tùy loại. Xoay hái về thì gọi thương lái đến mua với giá 25- 30.000 đồng/kg. Hai người đi một ngày có thể kiếm được 40kg, bán cũng có tiền hơn đi làm thuê nhiều. Vậy nên, chúng tôi mới liều mạng đi hái xoay”.

12h trưa, sau khi đã chất đầy 3 bao lớn đựng xoay, chúng tôi bắt đầu hành trình trở về nhà.

Con đường trở về có phần nặng nhọc hơn vì trên lưng mỗi người đang phải vác thêm gần 20kg quả xoay. Nhưng trên khuôn mặt của các anh, tôi chẳng thấy họ có gì là mệt nhọc. Từ đây, quả xoay sẽ tiếp tục hành trình đi khắp mọi miền đất nước để làm quà với vị ngọt mang hương sắc đại ngàn. Nhưng ít ai biết rằng, để hái được những quả xoay ngọt lịm ấy, những sơn tràng như anh Chương, anh Hiệp đã phải đánh đổi cả mạng sống.

Trái xoay mỗi năm một hiếm

Ông Đoàn Thanh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: “Trái xoay không phải là mặt hàng thuộc danh mục cấm. Do giá thành cao, mỗi năm đến mùa xoay, người dân kéo nhau vào rừng hái trái đem về bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, năm nay trái xoay ở huyện Kbang không nhiều như trước. Để hái được trái xoay, người dân phải vắt vẻo trên những ngọn cây cao vút rất nguy hiểm. Chính quyền động viên người dân cẩn trọng trong việc khai thác lấy trái”.

Hồ Nam

Tin nổi bật