Ngày 28/8, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phát đi cảnh bảo, thời gian gần đây có tình trạng một số đối tượng giả mạo tên thương hiệu Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt để trục lợi, ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính và thông tin cá nhân cho người dùng.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt thông báo tình trạng bị giả mạo thương hiệu.
Cụ thể, các đối tượng tạo app BVSCS với hình thức thiết kế có giao diện giống với app chính thức của BVSC, sau đó đăng tải trên ứng dụng App store và CH Play để đánh lừa người dùng.
Ngoài ra, đối tượng giả mạo cán bộ, nhân viên của BVSC để liên hệ với người dùng qua nhiều hình thức như gọi điện/nhắn tin/kết bạn qua các trang mạng xã hội nhằm kêu gọi tải app BVSCS để giao dịch, sau đó cung cấp thông tin về các chương trình khuyến mại như: Ưu đãi giao dịch cổ phiếu Quỹ với lợi nhuận cam kết từ 10 - 25% ngay khi thực hiện giao dịch, ưu đãi mua cổ phiếu trên sàn với giá hấp dẫn.
Chưa hết, các đối tượng yêu cầu người dùng chuyển tiền vào Tài khoản ngân hàng của cá nhân tổ chức khác không phải đứng tên Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, hiện nay, BVSC chỉ cung cấp 2 kênh giao dịch online cho Khách hàng là 1 app BVSC Mobile và 1 link giao dịch online trên nền tảng web https://online.bvsc.com.vn.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng cảnh báo về việc bị mạo danh.
Cụ thể thời gian qua, HOSE tiếp tục nhận được thông tin về việc logo, nội dung tại trang điện tử chính thức và hình ảnh lãnh đạo của HOSE được sử dụng tại các trang điện tử giả mạo (hosevnc.asia và inhose.co) với mục đích lôi kéo nhà đầu tư tham gia các hoạt động đầu tư.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số.
Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…, thông tin trên báo Thanh tra.
Vân Anh (T/h)