Theo tạp chí Nhịp sống thị trường, điểm lại thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (21-25/8), thị trường chứng kiến nhịp rung lắc mạnh, khi tâm lý của các nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nhiều từ phiên lao dốc không phanh vào cuối tuần trước (18/8). Cụ thể, sau phiên cuối tuần trước giảm sốc, VN-Index dù có 2 phiên đầu tuần tăng điểm. Nhưng tín hiệu hồi phục hết sức thận trọng, chỉ giằng co loanh quanh gần tham chiếu.
Diễn biến của chỉ số VN-Index trong thời gian qua. Ảnh: Báo Lao động
Đến phiên ngày thứ Tư (23/8), thông tin tích cực từ cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast trên sàn Nasdaq chỉ giúp cổ phiếu VIC (Vingroup) tăng nhẹ. Trong khi, loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng và bất động sản chìm trong sắc đỏ, khiến chỉ số chính VN-Index đánh rơi gần 8 điểm.
Tuy nhiên, đến phiên ngày thứ Năm, bất chấp cổ phiếu VIC (Vingroup) đảo chiều sụt giảm, lực cầu trở lại nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn giúp VN-Index bứt phá tăng gần 17 điểm.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần, cùng hiệu ứng từ phiên giao dịch trước đó (24/5), bên cạnh thông tin tích cực, cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast tăng “phi mã” trên thị trường chứng khoán Mỹ, đưa mức định giá VinFast tăng vọt lên 113 tỷ USD. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời ngắn hạn lại xuất hiện khá sớm trong phiên giao dịch, VN-Index lại đánh rơi hơn 6 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index chỉ tăng 5,38 điểm (+0,46%), lên 1.183,37 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt 99.660,6 tỷ đồng, giảm tới 20,3% so với tuần kỷ lục trước đó, khối lượng giao dịch cũng giảm hơn 20%.
Theo báo Lao động, nhóm bất động sản và chứng khoán là những đầu tàu dẫn dắt đà phục hồi của thị trường. Theo đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán có một tuần giao dịch tích cực khi thị trường đón nhận những tiến triển mới liên quan tới việc triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán KRX. Đồng thời, nhóm cổ phiếu bất động sản được hưởng lợi từ việc Thông tư 06 được trì hoàn một số nội dung, giúp các doanh nghiệp bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn.
Báo Lao Động dẫn lời ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích tại Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, sau một nhịp giảm điểm khá mạnh của thị trường, tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán còn khá thận trọng. Đồng thời, với việc sắp tới là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 2/9, khó có thể kỳ vọng sự cải thiện đáng kể của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền margin.
"Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục giằng co và tích lũy trong vùng 1.160 - 1.200 điểm với thanh khoản thấp trong tuần giao dịch tới trước khi xác lập xu hướng rõ ràng hơn sau kỳ nghỉ lễ. Do đó, nhà đầu tư nên chậm lại quan sát và giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải, hạn chế sử dụng đòn bẩy trong tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ với xu hướng thị trường chưa được xác lập rõ ràng. Chỉ xem xét mua mới với tỉ trọng nhỏ (hạn chế tối đa dùng đòn bẩy) nếu chỉ số VN-INDEX về kiểm tra lại vùng 1.160 điểm", ông Hinh nhận định.
Theo chuyên gia từ Chứng khoán Mirea Asset, mức hỗ trợ của chỉ số đang ở vùng 1.170 điểm. Trong tuần sau, chuyên gia kỳ vọng chỉ số sẽ tạo nền tại vùng trên. Ngưỡng kháng cự ngắn hạn là vùng 1.200 – 1.215 điểm.
Chứng khoán VCBS cho rằng chỉ số chính đang dần ổn định trở lại quanh vùng 1.180 – 1.200 điểm. Diễn biến này có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong một vài tuần tới trước khi xuất hiện xu hướng mới. Với các mã đang có xu hướng bứt phá khỏi nền tích lũy trong tuần này, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò nhưng không nên mua đuổi giá trong phiên. Mặt khác, nhà đầu tư cũng cần dứt khoát hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu chạm ngưỡng cắt lỗ, nhưng nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỉ trọng chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá.
Bên cạnh đó cũng có thể theo dõi thêm những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá chưa biến động nhiều trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt để tìm kiếm cơ hội giải ngân tích lũy, nhằm đa dạng hóa danh mục cũng như để quản trị rủi ro.
Vân Anh (T/h)