Mới đây, cộng đồng mạng đang xôn xao thông tin một du khách đặt phòng cho hai người lớn và hai trẻ em từ ngày 31/1- 3/2 trên fanpage Facebook khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà (tỉnh Ninh Bình). Sau khi liên lạc và được tư vấn qua fanpage, du khách đã chuyển khoản đặt cọc 6,5 triệu đồng. Sau khi du khách chuyển khoản tiền đặt cọc lần đầu tiên, kẻ lừa đảo thông báo khách đã chuyển sai nội dung và yêu cầu chuyển lại tiền để bộ phận kế toán xác nhận và hoàn lại số tiền thừa. Đáng nói, qua nhiều lần chuyển khoản, tổng số tiền khách đã chuyển cho kẻ lừa đảo lên tới hơn 1 tỷ đồng. Vị du khách chỉ nhận ra mình bị lừa khi không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng và trình báo công an.
Đầu năm là thời điểm các đơn vị dịch vụ du lịch “tung” khuyến mãi cho tour du xuân.
Hiện nay, nhiều nhóm đối tượng lừa đảo lựa chọn hình thức lập fanpage giả mạo rồi thực hiện thủ thuật để xin “tích xanh” – dấu hiệu nhận biết tài khoản uy tín từ Facebook. Các đối tượng lừa đảo sẽ cho chạy quảng cáo trang thông tin - Fanpage giả để tạo độ uy tín, thậm chí mua các bình luận ảo về việc đặt phòng hay khen ngợi khu nhà ở cho thuê (homestay), khách sạn để tạo lòng tin. Các chuyên gia công nghệ cho biết, theo thuật toán của Facebook, các Fanpage, hội nhóm có lượt theo dõi cao hơn thường sẽ hiển thị trước nên du khách dễ bị nhầm lẫn.
Trao đổi với Pv ĐS và PL, ông Nguyễn Văn Được – Giám đốc công ty du lịch Newratour cho biết: “Khi thực hiện giao dịch, “chốt” tour du lịch qua mạng, người dân cần tìm hiểu kỹ về công ty tổ chức tour du lịch, cơ sở lưu trú bằng cách tra cứu thông tin trên internet, xem đánh giá của khách hàng trước đó và kiểm tra tình trạng pháp lý của họ (giấy phép kinh doanh). Đầu năm là dịp các đơn vị du lịch tung các khuyến mãi “tour du xuân” nên các đối tượng sẽ lợi dụng điều này để lừa đảo. Vì vậy, du khách không nên vội vàng quyết định sau khi thấy một lựa chọn hấp dẫn mà nên so sánh với nhiều nhà cung cấp khác nhau để đánh giá mức độ minh bạch và tính hợp lý của dịch vụ. Bên cạnh đó cần lựa chọn những ứng dụng chính thống và uy tín cho việc đặt tour du lịch”.
Người dân cũng nên lựa chọn các phương thức thanh toán an toàn như thẻ tín dụng hoặc ví điện tử chính thống để được bảo vệ quyền lợi. Ngoài ra, khi hoàn tất giao dịch mua bán, cần yêu cầu hóa đơn chi tiết kèm theo điều khoản cam kết giữa hai bên nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình nếu xảy ra vấn đề.
“Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, du khách cần hết sức tỉnh táo trước những chiêu trò thao túng tâm lý của các đối tượng. Đối với các tour du lịch có giá quá rẻ so với thị trường, có hình ảnh quảng bá không rõ ràng, hay yêu cầu thanh toán qua hình thức không an toàn thì người dân nên xem xét kỹ lưỡng bởi đây có thể là chiêu trò lừa đảo. Bên cạnh đó người dân nên tìm kiếm đánh giá và phản hồi từ những người đã sử dụng dịch vụ trên các diễn đàn, mạng xã hội để có được lựa chọn đúng đắn nhất”, ông Lại Vũ Hiệp - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai khuyến cáo.
Đối với vấn nạn Fanpage Facebook du lịch giả mạo tràn lan, các nạn nhân, đại diện một số khu homestay bị mạo danh và chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh với Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan công an để kiểm soát tình hình. Trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi của đối tượng lừa đảo, người dân cần nâng cao kiến thức, đề cao cảnh giác hơn. Đồng thời các cơ sở du lịch, cung cấp dịch vụ cũng phải có biện pháp để bảo vệ mình và khách du lịch.