Thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, dịp trước, trong và sau Tết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc ethanol, methanol, hoặc các ca bệnh liên quan đến rượu như viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa... Riêng tại Trung tâm chống độc, có những ca ngộ độc methanol chứa trong rượu rất nặng, tiên lượng tử vong cao.
Điển hình trước Tết là trường hợp nam thanh niên 28 tuổi, ở Nam Định có tiền sử viêm dạ dày. Cách 2 ngày vào viện, bệnh nhân uống rượu cùng nhiều đồng nghiệp ở Hà Nội. Sau uống rượu bệnh nhân mệt nhiều, nhưng vẫn về quê vợ ở Phú Xuyên, Hà Nội, chơi. Bệnh nhân ngày càng thấy mệt nhiều hơn. Cách 3h vào viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện khó thở, không đau ngực, được người nhà đưa vào bệnh viện ở Phú Xuyên để thở oxy.
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tử vong sau những cuộc nhậu cuối năm.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân khó thở tăng, ý thức lơ mơ. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, sau đó chuyển đến Trung tâm cấp cứu của BV Bạch Mai. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa nặng, PH 6,8; HCO3 không đo được, Lactat 5,9. Được chuẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol. Bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê… Tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân được thở máy, lọc máu liên tục 8 tiếng.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cồn công nghiệp methanol khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương, đặc biệt là tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương não. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyên, rất nguy hiểm khi thực tế có những trường hợp đã bị tổn thương thần kinh mắt và não nhưng chưa biểu hiện triệu chứng nên không đi thăm khám. Đến khi xuất hiện dấu hiệu tổn thương não, tổn thương mắt mới nhập viện thì đã muộn. Mắt lúc này có thể đã bị mù hoàn toàn, tổn thương não lớn có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp bệnh nhân qua khỏi, cũng sẽ để lại những di chứng về thần kinh mắt và não.
"Khi uống rượu pha methanol sẽ thấy có vị hơi ngọt, không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu, co giật, hôn mê… Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch", bác sĩ Nguyên phân tích.
Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng cho hay, người ngộ độc rượu sẽ có biểu hiện đau bụng dữ dội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực. Nặng hơn có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những trường hợp người bệnh được cấp cứu cũng có thể phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…