(ĐSPL) - Thực tế đã chứng minh những vụ án oan tuy không nhiều nhưng vẫn diễn ra mặc dù đã qua nhiều cấp xét xử.
Hoạt động tư pháp ở nước ta trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là các biện pháp nhằm giảm thiểu oan sai trong các khâu tố tụng. Thực tế đã chứng minh những vụ án oan tuy không nhiều nhưng vẫn diễn ra mặc dù đã qua nhiều cấp xét xử. Có những vụ án sau cả thập niên, công lý mới được sáng tỏ hay đã có người chết trước ngày được minh oan. Thậm chí có những vụ việc, người vô tội phải chờ 14, 17 năm sau mới được cơ quan gây ra oan, sai công khai xin lỗi, xem xét bồi thường.
Mòn mỏi đợi chờ...
Vụ án ông Nguyễn Hồng Cầu (50 tuổi ở Tiên Lãng, Hải Phòng) đã để lại dấu ấn cho lịch sử ngành tư pháp sau 17 năm bị kết án oan và "trầy trật" đi đòi công lý mới được tòa công khai xin lỗi.
Đó là vào tháng 6/1997, TAND huyện Tiên Lãng tuyên phạt ông Cầu mức án 2 tháng 10 ngày về tội trộm cắp tài sản công dân. ông Cầu kháng cáo, tháng 8/1997, TAND TP.Hải Phòng xử phúc thẩm, phạt ông Cầu mức án bằng thời hạn tạm giam 2 tháng 10 ngày, ông Cầu được trả tự do ngay tại tòa.
Rơi vào cảnh bĩ cực, ông Cầu tiếp tục đi kêu oan. Đến tháng 10/1998, Tòa Hình sự TANDTC đã tuyên bố ông Cầu không phạm tội trộm cắp tài sản công dân và đình chỉ vụ án. ông Cầu đã có đơn yêu cầu bồi thường oan sai nhưng đến tận tháng 8/2004, TAND TP.Hải Phòng mới có văn bản trả lời ông không được bồi thường.
Sau 17 năm đi đòi công lý, sáng 28/3/2014, tại trụ sở UBND xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, TAND TP.Hải Phòng đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Nguyễn Hồng Cầu vì đã bị kết án oan. Tuy nhiên, người dân có lý do để bức xúc bởi buổi tổ chức xin lỗi công khai được thực hiện trong... phòng kín. Cổng trụ sở UBND xã bị khóa chặt, công an xã, bảo vệ kiểm soát chặt chẽ, chỉ người có giấy mời mới được vào. Việc này càng làm cho dư luận bức xúc với cách làm của một số cơ quan công quyền.
|
Ông Phạm Đức Tuyên, đại diện TAND TP.Hải Phòng (bên trái) trong buổi xin lỗi công khai ông Nguyễn Hồng Cầu (bên phải) ngày 28/3/2014. |
Sự việc gần đây nhất được dư luận quan tâm vào ngày 4/4, TAND TP. Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai ông Phạm Đức Bình (SN 1956, ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), người bị kết án oan từ... 14 năm trước.
Như báo Đời sống và Pháp luật đã thông tin, trước đó, tại phiên toà sơ thẩm diễn ra ngày 16/3/2000, ông Bình (lúc này là cửa hàng trưởng cửa hàng kinh doanh dịch vụ tổng hợp số 1 của Công ty Thi công cơ giới xây lắp thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội) đã bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 30 tháng tù cho cả hai tội danh tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Trong suốt quá trình xét xử, ông Bình luôn kêu oan và cho rằng mình vô tội.
Đến ngày 5/1/2001, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa phúc thẩm TANDTC đã quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội và tuyên bố ông Phạm Đức Bình không phạm tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Đồng thời tòa án cấp phúc thẩm cũng ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Bình.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tức là sau 14 năm, ông Phạm Đức Bình mới được đại diện TAND TP. Hà Nội công khai xin lỗi trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, cơ quan công an, VKS và đại diện công ty cũ của ông Bình.
Hẳn dư luận chưa quên, tháng 8/2013, cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai số tiền lớn nhất từ trước đến nay. "Khổ chủ" trong vụ án này là ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) - một doanh nhân đang làm ăn phát đạt bỗng dưng bị rơi vào vòng lao lý. TAND tỉnh Thái Bình đã phải bồi thường cho ông Phi số tiền 21,4 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông.
Nhận định về vụ án của ông Lương Ngọc Phi, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng đây là vụ án oan lớn cả về tính chất vụ việc (ở thời điểm ông Phi bị bắt) lẫn sự phức tạp, gian truân suốt gần một thập kỷ đi đòi bồi thường oan sai. Tuy nhiên, đáng nói hơn cả, số tiền TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi không hề nhỏ và là tiền ngân sách Nhà nước phải "gánh" cho lỗi của một số người tiến hành tố tụng gây ra cả chục năm trước đây, trong khi đó, số tiền mà những cán bộ, công chức trực tiếp gây ra oan sai phải hoàn trả Nhà nước lại quá khiêm tốn so với mức Nhà nước bỏ ra để bồi thường.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, luật sư Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: "Có những trường hợp sau thời gian rất dài, người được minh oan mới được tòa công khai xin lỗi và tiến hành thỏa thuận bồi thường. Kể cả nhiều vụ việc đã có quyết định bồi thường nhưng vẫn chưa áp dụng nghĩa vụ hoàn trả. Hơn nữa một số nơi chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng khi để xảy ra oan sai nên thái độ khi làm việc và bồi thường chưa đúng mức, gây căng thẳng, bức xúc không đáng có".
|
Ông Phạm Đức Bình xúc động tại buổi công khai cải chính, xin lỗi sau 14 năm oan sai do TAND TP.Hà Nội tổ chức tại địa phương. |
Khắc phục bồi thường vẫn còn nhiều bất cập
Có thể thấy vụ án Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được báo chí thông tin rộng rãi không phải vụ án hi hữu về cách làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm và thiếu tình người của những người được giao trọng trách "cầm cân nẩy mực".
Câu hỏi được dư luận đặt ra và hiện vẫn chưa có hồi kết là pháp luật sẽ xử lý những "phán quan" ấy như thế nào? Bởi trước đây đã có nhiều vụ án tương tự nhưng cách giải quyết chưa "thấu tình đạt lý" khiến người dân bất bình. Nếu như trong vụ án này, các cán bộ vi phạm lại quanh co chối tội và vin vào cớ "không có bằng chứng" để cuối cùng người bị oan sai, đau khổ chỉ nhận được một ít tiền bồi thường và một câu xin lỗi thì người dân không "tâm phục, khẩu phục".
Cùng trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Am, ủy viên Hội đồng Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang cũng thẳng thắn chia sẻ rằng việc khắc phục bồi thường đối với người bị kết án oan vẫn còn nhiều bất cập.
"Ngay tại tỉnh Bắc Giang, có rất nhiều vụ án sau khi đã chứng minh người đó bị kết án oan, sai nhưng rất lâu sau, họ mới được công khai xin lỗi và nhận được tiền bồi thường. Có những vụ không phải qua tòa mà chỉ đại diện cơ quan pháp luật thỏa thuận bồi thường với người bị oan. Mà tiền bồi thường lấy ở đâu ra? Chủ yếu lấy từ ngân sách của Nhà nước, mà ngân sách Nhà nước thì lại là tiền thuế của người dân. Liệu rằng nội bộ cơ quan pháp luật ấy có xử lý nghiêm túc người trực tiếp gây oan sai để truy thu lại ngân sách hay không?", luật sư Nguyễn Am bức xúc.
Nói về việc chậm trễ giải quyết, cảnh "cò kè bớt một thêm hai" dễ làm người ta nản lòng và mất lòng tin vào thiện ý sửa sai của các cơ quan thừa hành pháp luật, thẩm phán Nguyễn Xuân Phát, Phó Chánh tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM, mỗi cán bộ cần phải nhận thức rằng những mặc cảm tinh thần trước dư luận xã hội là rất lớn đối với người bị oan. Khoản tiền bồi thường thiệt hại tinh thần chỉ có ý nghĩa an ủi vì thực chất cái mất của họ còn gấp nhiều lần hơn mức được bồi thường.
Việc giải quyết khiếu nại của cơ quan công quyền nhiều khi còn quan liêu Theo ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Chánh thanh tra, thẩm phán TANDTC, nếu đưa ra xét xử, kết tội oan cho một người thì phải coi đây là một thảm họa cho bản thân và cả gia đình của họ. "Một thực tế buồn và đáng suy ngẫm: Trên thực tế có những khiếu nại của người dân không được xem xét một cách khách quan nên họ phải nhờ đến các cơ quan báo chí đăng tải, dựa vào dư luận xã hội để tác động các cơ quan cấp cao giải quyết. Như vậy rõ ràng việc tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại của chúng ta còn chậm trễ, còn quan liêu dẫn đến người dân chưa tin tưởng", ông Chỉnh nói. |