Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cần khảo sát nhà lân cận trước khi xây nhà để tránh rủi ro

(DS&PL) -

Trước khi chủ nhà chuẩn bị xây mới, nên đề nghị cho kiểm tra hiện trạng của các căn nhà trong khu vực xung quanh.

Ngoài việc đáp ứng được điều kiện đảm bảo an toàn cho công trình dân sinh, công trình lân cận khi xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị… trước khi chủ nhà chuẩn bị xây mới, nên đề nghị cho kiểm tra hiện trạng của các căn nhà trong khu vực xung quanh để xây dựng. Nếu ảnh hưởng đến nhà hàng xóm (rạn nứt kết cấu, lún sụt nhà…), các bên có cơ sở cụ thể để thương lượng bồi thường.

Phường tới kiểm tra mới thực hiện an toàn công trình

Liên quan đến vụ việc ông Mai Văn Hải (trú tại số 65, Trương Thị Ngào, P.Trung Mỹ Tây, Q12, TPHCM) khởi kiện vì hàng xóm xây nhà gây thiệt hại, ông Mai Văn Thọ - chủ tịch UBND Phường Trung Mỹ Tây, Q12 cho biết: “Công trình xây dựng nhà ông Hà Văn Chờ tại khu phố 4, là công trình xây dựng có phép, đúng phép, hiện công trình đã xây dựng xong, trong quá trình xây dựng không xảy ra sự cố nào…”.

Tuy vậy, biên bản ngày 26/7/2017 tại UBND phường Trung Mỹ Tây, Q.12 cho thấy, công trình xây dựng nhà ở hộ ông Hà Công Chờ thi công từ ngày 19/4/2017, nhưng đến ngày 21/7/2017 khi hộ nhà ông Hải phản ánh, UBND phường mới phối hợp thanh tra xây dựng đến kiểm tra công trình. Lúc này, chủ thầu mới thực hiện một số biện pháp an toàn thi công như che chắn khu xây dựng giáp ranh nhà bên cạnh.

Khi cơ quan chức năng tới kiểm trachủ thầu mới thực hiện một số biện pháp an toàn công trình

Ông Thọ cũng cho hay, phường đã tiến hành hòa giải, nhưng ông Hải vẫn đưa đơn lên Tòa, hiện phường đang chờ phán quyết của Tòa.

Tuy nhiên sau đó ông Thọ lại nói: “Tôi tưởng vụ này là xong xuôi hết rồi. Chúng tôi chưa theo sát hết vụ việc nên không biết sự việc nhà ông Hải và ông Chờ vẫn tiếp tục kiện cáo nhau”.

"Tòa quá bận, không kịp dừng thi công"

Trao đổi với PV, ông Trương Việt Hồng, Chánh án TAND Quận 12 (TP.HCM) cho biết ông Mai Văn Hải khởi kiện, kèm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thi công công trình nhà ở đối với gia đình ông Hà Công Chờ và bà Lê Thị Lý, vì ông Hải cho rằng công trình xây dựng nhà bên cạnh ảnh hưởng đến nhà ông. Vụ án nhà ông Hải thụ lý ngày 17/8/2017.

Nhưng đến ngày 6/11/2017 tòa mới xem xét đơn yêu cầu phía hộ ông Hải. Lúc này, Hội đồng tiến hành thẩm định tại chỗ, có lập biên bản kiểm tra, thì khi đó nhà ông Chờ đã xây xong, và nhà ông Hải cũng đã tự sửa chữa khắc phục hết, nên nhìn bằng mắt thường không thấy hư hỏng… Do đó, Thẩm phán cho rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thi công công trình không còn cần thiết.

Cổng nhà ông Hải bị nghiêng do nhà ông Chờ thi công nhưng nhà thầu chỉ chống đỡ tạm bợ 

Lý giải về việc tại sao Tòa chậm trễ trong việc thẩm định, kiểm tra vụ việc ngay khi nhà ông Hải có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thi công công trình nhà ông Chờ, ông Hồng cho rằng: “Đặc thù Tòa án quận 12 là án quá nhiều, lẽ ra Tòa phải tiến hành sớm hơn, với lại do công việc của Thẩm phán nhiều nên Thẩm phán thụ lý vụ án chậm trễ.

Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không cần phải có các bước xem xét thẩm định, xác minh, sau đó mới đối chiếu quy định pháp luật để trả lời bằng văn bản. Trong trường hợp công trình đã xây dựng hoàn thành, khi giám định phần bị thiệt hại xác định được nguyên nhân do bên nào gây ra thì Tòa sẽ giải quyết, và bên gây thiệt hại phải bồi thường”.

Phải kịp thời bồi thường và khắc phục sự cố

Điểm lại các vụ công trình xây dựng làm sụt lún nhà liền kề gần đây, ông Phan Ngọc Diêu - nguyên trưởng phòng Quản lý Chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, phần lớn là do phương pháp thi công chưa phù hợp, đơn vị thi công không khảo sát kỹ, không có biện pháp thi công thích hợp, không lên phương án thi công an toàn...

Ngày 4/8/2016, đã xảy ra vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội. Tai nạn này đã lấy đi 2 mạng người, khiến 3 người bị thương, mà nguyên nhân cũng do bất cẩn trong quá trình đào móng, không kiểm tra gia cố kỹ thuật. Vào ngày 20/4/2017, cũng xảy ra vụ tai nạn khi nhóm công nhân đào móng xây nhà ở trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định), bất ngờ căn nhà 3 tầng bên cạnh đổ sập làm cụ ông 85 tuổi tử vong. 

Ông Phan Ngọc Diêu lưu ý, chủ nhà nếu thấy công trình của nhà hàng xóm đào hố sâu hơn móng nhà mình và thấy nhà bị rung lắc, nứt tường hoặc có cảm giác nhà bị nghiêng thì phải báo cơ quan chức năng ngay.

Một đội trưởng đội thanh tra địa bàn Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng làm lún, nứt, hư hỏng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận sẽ bị xử phạt theo quy định. Trường hợp cấp bách, chủ nhà bị thiệt hại hãy báo ngay đến đường dây nóng của UBND phường hoặc các đội thanh tra địa bàn. Còn bình thường, chủ nhà bị thiệt hại có thể làm đơn yêu cầu xem xét, cơ quan chức năng sẽ khảo sát, tùy mức độ ảnh hưởng sẽ xử lý...

Mặt khác, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm về phương án thi công an toàn. Hiện nay nhiều công trình xây dựng trong khu dân cư có mua bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ khảo sát những nhà lân cận trước khi thi công và sẽ bồi thường nếu việc thi công gây lún, nứt, thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thì cho biết, hiện nay Bộ Xây dựng có quy định phải khảo sát móng các nhà lân cận trước khi thi công, tuy nhiên bước này thường bị bỏ qua. “Trước khi thi công móng cho công trình, đơn vị thiết kế, tư vấn và nhà thầu thi công bắt buộc phải khảo sát hiện trạng các nhà lân cận. Tùy thuộc vào kết cấu xây dựng, khoảng cách công trình, địa chất đất tốt hay xấu... để đưa ra giải pháp thiết kế đảm bảo an toàn” - ông Hiệp khuyên.

Theo Thông tư số 02 năm 2014 của Bộ Xây dựng thì tổ chức, cá nhân thi công xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận sẽ bị xử phạt theo quy định, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại.

Nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được, và một bên có đơn yêu cầu thì chủ tịch UBND cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại. Nếu sau hai lần thỏa thuận mà bên bị thiệt hại đều vắng mặt không lý do thì bên vi phạm được tiếp tục thi công công trình sau khi chuyển khoản tiền tương đương mức thiệt hại gây ra vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng.

Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại tòa án.

Nếu công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết…

 PV

Tin nổi bật