Tại tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan, một sự kiện kỳ thú đã làm xôn xao cộng đồng ngư dân địa phương đó là sự xuất hiện của một cá thể cá rô phi mang trên mình chiếc "mặt nạ" thẩm mỹ lỗi.
Cụ thể, ngày 9/1 vừa qua, trong một mẻ lưới bình thường, nhóm ngư dân đã vô tình kéo lên một sinh vật dưới nước có hình hài dị thường. Nếu bỏ qua chi tiết gây chú ý nhất, tổng thể con cá không có gì khác biệt so với đồng loại.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất ở sinh vật dưới nước này chính là đôi môi trề ra một cách bất thường, căng mọng đến mức người ta không khỏi liên tưởng đến một ca phẫu thuật thẩm mỹ hỏng, sau khi tiêm filler quá đà. Sự sưng phồng bất thường này khiến khuôn miệng con cá có vẻ "mếu máo", tạo nên một hình ảnh vừa hài hước vừa đáng thương.
Trông con cá không có gì khác thường ngoài cặp môi sưng phồng như bị phẫu thuật thẩm mỹ lỗi sau khi bơm môi. Ảnh cắt từ clip
“Chúng tôi thực sự vô cùng bối rối. Trong bao nhiêu năm đi biển, đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một con cá có hình dạng kỳ lạ đến vậy”, một ngư dân trong nhóm bày tỏ sự ngạc nhiên. Sau vài bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hiếm thấy, người ngư dân này đã nhanh chóng trả tự do cho sinh vật đáng thương về với môi trường nước quen thuộc.
Lý giải cho hiện tượng kỳ lạ này, các chuyên gia nhận định, rất có thể "tác phẩm điêu khắc" bất đắc dĩ trên khuôn mặt con cá là hệ quả của môi trường sống ô nhiễm. Nồng độ amoniac hoặc nitrit cao trong nước có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, gây ra sự sưng phù bất thường ở khu vực nhạy cảm như môi. Điều kiện sống khắc nghiệt này không chỉ gây tổn thương trực tiếp mà còn có thể cản trở sự phát triển toàn diện về thể chất của cá.
Trái ngược với trường hợp "tai nạn thẩm mỹ" đáng tiếc trên, trong thế giới tự nhiên vẫn tồn tại những loài cá sở hữu đôi môi đỏ quyến rũ một cách tự nhiên. Điển hình trong số đó là cá dơi môi đỏ (Ogcocephalus darwini), một sinh vật biển độc đáo chỉ được tìm thấy ở quần đảo Galapagos, Ecuador. Đôi môi đỏ rực rỡ, căng mọng như được tô son của loài cá này không phải là một lỗi lầm của tạo hóa mà lại là một "vũ khí" lợi hại, giúp chúng thu hút bạn tình hoặc dụ dỗ những con mồi kém cảnh giác.
tìm thấy ở vùng nước sâu quanh quần đảo Galapagos ở Thái Bình Dương và ngoài khơi bờ biển Peru.
Cá dơi môi đỏ có thể đạt chiều dài tối đa khoảng 25cm. Điều thú vị là, cấu trúc vây ngực và vây bụng của chúng phát triển theo hướng đặc biệt, tạo thành các chi giống như chân. Nhờ cấu tạo này, thay vì bơi lội uyển chuyển, cá dơi môi đỏ lại di chuyển lững thững dưới đáy biển bằng cách "đi bộ", một phương thức di chuyển vô cùng độc đáo và khác biệt.