Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cán bộ, công nhân viên Trung tâm BTXH nói gì về việc chi sai gần 800 triệu?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trước những sai phạm về việc chi sai gần 800 triệu tiền trợ cấp của các đối tượng tại TT BTXH, các cán bộ, công nhân viên đã có dịp bày tỏ tâm tư về vị giám đốc.

(ĐSPL) - Trước những sai phạm về việc chi sai gần 800 triệu đồng tiền trợ cấp của các đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An, các cán bộ, công nhân viên đã có dịp bày tỏ tâm tư, ý kiến về vị giám đốc trung tâm này.

Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về việc các lãnh đạo Trung tâm BTXH Nghệ An đã chi sai gần 800 triệu tiền trợ cấp của các đối tượng tâm thần đang điều trị tại đây. Để rộng đường dư luận, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có dịp quay lại, lắng nghe ý kiến, tâm tư của các cán bộ, nhân viên về vị giám đốc trung tâm này.

Chia sẻ về sự việc này, anh Ngô Xuân Tân (SN 1981), cán bộ Phòng y tế Trung tâm BTXH Nghệ An cho biết: “Qua việc đoàn thanh tra làm việc dẫn đến kết luận của Sở LĐTB&XH, bản thân tôi và cán bộ ở đây cảm thấy sốc. Đúng sai như thế nào thì đồng chí Phú phải chịu trách nhiệm nhưng thực ra, việc gắn bó lâu năm và với những kết quả đạt được của anh Phú, nhiều cán bộ công nhân viên của trung tâm rất ghi nhận.

Khu nhà làm việc của cán bộ Trung tâm và khu nhà tâm thần mới xây đã có sự góp công, cải thiện lớn của anh Phú. Bên cạnh đó, trong bộ máy tổ chức, chính anh Phú đã thành lập nên các phòng ban chuyên môn để đảm bảo công việc thuận lợi, đảm bảo cho sự phát triển của trung tâm cũng như chăm sóc, điều dưỡng các đối tượng tâm thần và bảo trợ xã hội”.

Các cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An chia sẻ với báo chí.

Cùng chung quan điểm, chị Hoàng Thị Tú Anh (SN 1981), cán bộ phòng hành chính Trung tâm BTXH Nghệ An chia sẻ: “Thực lòng chúng tôi thương giám đốc quá, công lao, công sức bỏ ra quá lớn. Tôi còn nhớ, khi bác Phú về tiếp quản trung tâm này nó còn hoang sơ, nhếch nhác lắm. Là một con người nhạy bén mới có một trung tâm phát triển như ngày nay. Bác là người nhiệt tình, còn xuống tận nhà ăn, nhà nghỉ để chăm sóc các đối tượng, quan tâm, lo lắng cho cuộc sống nhân viên chúng tôi nên mới được hưởng các chế độ, phụ cấp để đảm bảo cuộc sống và làm việc".

"Con người ta ai chả có sai, cái quan trọng là sai như thế nào. Không riêng bản thân tôi, mà các nhân viên ở đây đều ghi nhận công lao to lớn của bác Phú. Các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc công – tội của một con người đã từng công tác hơn 20 năm trên ghế lãnh đạo ngành thương binh xã hội”, chị Tú Anh bày tỏ.

Đối với hầu hết các cán bộ, công nhân viên ở đây, ông Nguyễn Xuân Phú được xem như người anh cả đã dẫn dắt tốt mọi hoạt động, xử lý mọi việc đều thấu tình đạt lý, để lại trong mọi người nhiều niềm tin yêu. Thế nên, vụ việc vừa qua như giáng một đòn tâm lý quá mạnh đối với mọi người.

Chị Nguyễn Thị Hải Đường (SN 1979), Tổ trưởng hộ lý Phòng y tế trung tâm BTXH Nghệ An cho hay: “Về kết luận tranh tra của Sở, là nhân viên nên tôi cũng không muốn đề cập sâu chuyện này. Tuy nhiên, về trường hợp của chú Phú chúng tôi thực sự rất bất ngờ và thương cho chú ấy. Tôi đã công tác tại trung tâm này hơn 10 năm nên cũng hiểu khá rõ con người chú ấy. Hàng ngày, với cương vị quản lý, chú đã luôn tâm lý, quan tâm các đối tượng và nhân viên. Chú sống hòa đồng chứ không phải như dư luận trước nay loan tin”.

Liên quan đến vụ việc chi sai gần 800 triệu tiền trợ cấp của các đối tượng tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An, đóng trên địa bàn xã Giang Sơn, huyện Đô Lương, những ngày qua, ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc trung tâm cho hay: "Bản thân tôi cùng người thân trong gia đình đã trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn khi trở thành tâm điểm của dư luận và mang cái “tội” nhẫn tâm “ăn” cả tiền chế độ, từng miếng thịt, bát cơm của người tâm thần".

Được biết, ông Phú vốn là bộ đội chuyển ngành về làm nhân viên Ty thương binh (tỉnh Nghệ Tĩnh - PV) rồi đến Xí nghiệp thương binh huyện Đô Lương (Nghệ An), năm 2002, ông về Trung tâm BTXH Nghệ An nhận công tác với cương vị giám đốc. 13 năm đầu ở đó, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, cửa ngõ thô sơ, hư hỏng, khuôn viên cỏ mọc um tùm... Thời điểm này, đội ngũ cán bộ chỉ có 15 người phục vụ 285 đối tượng.

Trung tâm là nơi nhận các đối tượng tâm thần lang thang, không biết tên tuổi, địa chỉ... Những ngày đầu về quản lý, ông Phú và các cán bộ công nhân viên ở trung tâm đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.

Khi đề cập về chuyện chi sai, ông Phú nghẹn ngào: "Tôi không hề giấu giếm bất kỳ ai, các anh có thể đến nhà xem ngôi nhà 45m2 không có đồ đạc giá trị của tôi. Nếu tôi tham ô thì nhiêu năm công tác trong ngành này, liệu rằng gia đình tôi có thể sống như vậy không. Đến con gái tôi lấy chồng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng tôi cũng không có tiền mua cho chúng mảnh đất nhỏ để an cư lạc nghiệp. Hiện cả gia đình 4 người lớn vẫn phải sống chật vật trong căn nhà nhỏ do bà o (cô - PV) để lại".

Những ngày qua, ông Phú mệt mỏi trước những "búa rìu" dư luận.

Trần tình về những sai phạm trong kết luận của đoàn thanh tra, ông Phú cho biết thêm: "Với người tâm thần, chế độ ăn mỗi ngày là 15.000 đồng/người, đối tượng bảo trợ xã hội là 12.000 đồng/người. Chúng tôi lo cho họ 3 bữa mỗi ngày với số tiền trên, bao gồm củi, gạo, thức ăn, gia vị… thì còn đâu nữa để bớt xén. Không phải chúng tôi cho tất cả mọi đối tượng được ăn cùng một chế độ như nhau mà là trung tâm vẫn thực hiện theo quy định. Một số đối tượng không muốn ăn sáng do nhà bếp Trung tâm nấu mà muốn tự ăn riêng cho hợp khẩu vị, chúng tôi thấy nhu cầu này là chính đáng nên chấp nhận. Trong đó, mỗi lần nhận tiền đều có chữ ký, điểm chỉ của đối tượng và người giám hộ đầy đủ. Thực tế, khi các anh em đã giải trình rồi thì chắc chắn số tiền sẽ giảm xuống tuy nhiên đoàn thanh tra vẫn không chấp nhận việc chi trả tiền mặt".

Ông Nguyễn Văn Ba (SN 1961), Trưởng phòng y tế trung tâm BTXH Nghệ An xót xa: “Các chú nhìn là biết, để có một trung tâm phát triển như thế này, có một cơ ngơi đảm bảo tương đối cho công tác chăm sóc các đối tượng không phải ngẫu nhiên, tự dưng mà có. Thành quả ấy đã có sự đóng góp rất lớn của anh Phú.

Về đây công tác 14 năm, anh Phú đã làm được nhiều dự án để đảm bảo tốt nhất cho công tác chăm sóc đối tượng. Để được như thế, việc quan hệ đối ngoại là không thể tránh, có thể từ đó dẫn đến một số bất cập trong việc thu chi ngân sách chứ chuyện ăn bớt chế độ của đối tượng tôi tin là không có. Giờ xảy ra sự việc thế này, thực sự tôi thấy quá tội cho một con người suốt bao nhiêu năm cống hiến hết mình vì sự phát triển của trung tâm, của các đối tượng không may mắn”.

Không hề tư lợi một đồng mà chỉ là vận dụng, chi sai mục đích

Như tin tức đã đưa trước đó, từ đơn tố cáo của cá nhân và những người thuộc diện bảo trợ xã hội, đoàn thanh tra phát hiện cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An có dấu hiệu chi sai gần 800 triệu đồng.

Sau khị nhận được đơn tố cáo, Sở LĐ,TB&XH Nghệ An đã cử tổ công tác vào cuộc kiểm tra. Qua quá trình thanh tra của đoàn Thanh tra Sở LĐTB&XH Nghệ An làm rõ và phát hiện, trong 5 năm từ 2011 - 2015, Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An đã có nhiều sai phạm với tổng số tiền 783 triệu đồng. Trong đó nội dung sai phạm nhiều nhất là Trung tâm đã không trang cấp quần áo, đồ dùng cho các đối tượng trong suốt 5 năm liền với số tiền 538 triệu đồng.

Ngay sau đó Sở LĐTB&XH Nghệ An đã có quyết định đình chỉ công tác đối với GĐ Trung tâm là ông Nguyễn Xuân Phú và PGĐ trung tâm bà Nguyễn Thị Thu Phương. Đồng thời giao ông Nguyễn Xuân Tường - PGĐ trung tâm điều hành mọi hoạt động tại đây.

Khi những thông tin về sự việc được đưa ra ánh sáng dư luận tỏ ra vô cùng bức xúc, cho rằng vị giám đốc cùng với nhân viên đã nhẫn tâm ăn bớt từng miếng cơm, manh áo của người tâm thần, đối tượng bảo trợ xã hội. Khiến cuộc sống của họ vốn đã cùng cực lại càng trở nên bi thảm hơn.

Trí Thức Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phú - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An, mấy ngày qua ông không ăn, không ngủ được cũng chỉ vì lo lắng, tâm trạng băn khoăn sau sự việc.

Nói về bản kết luận của thanh tra Sở LĐTBXH vừa công bố, ông Phú cho biết, đến thời điểm hiện tại ông chỉ mới được nghe đến số liệu, còn thực tế văn bản ông chưa được nhận nên không thể nắm rõ cụ thể từng nội dung.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Phú luôn khẳng định trong số tiền sai phạm gần 800 triệu đó, ông không hề tư lợi một đồng mà chỉ là vận dụng, chi sai mục đích vào việc tập thể của cơ quan.

Chia sẻ cụ thể về những khoản tiền sai phạm trong 5 năm liên tiếp, ông Phú cho biết, do hàng năm Trung tâm có rất nhiều việc cần phải chi thường xuyên và phát sinh. Trong khi đó nguồn kinh phí cấp có hạn nên ông đã dùng tiền để chi vào công việc của Trung tâm.

“Mấy ngày vừa qua, tôi rất buồn, gia đình, vợ con cũng thế mấy ngày nay buồn lắm. Nhiều người thân, bạn bè cũng gọi điện đến chia sẻ, hỏi thăm và động viên". Tôi biết dù thế nào tôi cũng sai và xin nhận trách nhiệm. Nhưng tôi xin khẳng định tôi không hề tư lợi một đồng nào trong đó mà chỉ là chi việc chung, vì công việc của Trung tâm".

Tôi làm giám đốc hơn 20 năm nay, nếu có tư lợi cá nhân thì giờ tôi đã khác, có lẽ gia đình tôi không phải ở căn nhà cấp 4 rộng chỉ 45m2 trên lợp ngói, dưới láng nền bê tông nữa.

Tôi chỉ mong mọi người hiểu và chia sẻ. Tôi sai khi chi không đúng quy định, tôi xin nhận trách nhiệm”, ông Phú chia sẻ.

NGỌC TUẤN

[mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]

Tin nổi bật