Năm 2015, Tess Swift (20 tuổi, ở Australia) cùng gia đình đến Thái Lan nghỉ dưỡng. Thời điểm này, cô sắp hoàn thành chương trình học điều dưỡng và rất hào hứng với tương lai. Sau chuyến đi, cô gái bắt đầu thấy không khỏe, bị đau bụng nhẹ và cảm thấy dạ dày có vấn đề nhưng chỉ nghĩ do đã ở nước ngoài và ăn nhiều món khác nhau.
Vài tuần sau, Tess phải vào khoa Cấp cứu và cắt bỏ ruột thừa nhưng đây vẫn không phải nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Sau 2-3 ngày, cô gái lại nhập viện với triệu chứng tương tự và cơn ác mộng bắt đầu.
Dù khám đi khám lại, các bác sĩ vẫn không xác định được Tess mắc bệnh gì. Cứ như vậy, hệ tiêu hóa của Tess bị ăn mòn, bệnh tình tiến triển nặng đến mức cô phải duy trì sự sống trong suốt 4 năm bằng ống thông mũi dạ dày.
Căn bệnh bí ẩn khiến cô gái ra vào bệnh viện liên tục trong nhiều năm, phải từ bỏ công việc y tá tại Melbourne (Australia) và chuyển về sống cùng bố mẹ ở Ocean Grove chỉ trong 6 tháng. "Con bé luôn muốn trở thành một y tá song cuối cùng phải làm bệnh nhân trong suốt thời gian dài ở nhiều bệnh viện khác nhau", bà Virginia Dickson Swift (mẹ của cô gái) chia sẻ.
Cô gái trẻ nói rằng căn bệnh đã hủy hoại cuộc đời cô.
Mọi hi vọng của Tess dường như đều bị dập tắt cho đến tháng 11/2022, gia đình bất ngờ nhận được câu trả lời mong đợi bấy lâu qua thư từ Bệnh viện Alfred. Kết quả xét nghiệm cho thấy Tess dương tính với bệnh giun đầu gai do một loại ký sinh trùng hiếm gặp gây ra.
Được biết, bệnh giun đầu gai là một bệnh ký sinh trùng lây nhiễm cho người, chủ yếu do ăn hải sản sống hoặc các loài bò sát. Bệnh rất phổ biến ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, ngoài ra còn có các trường hợp ở Nam Mỹ và Châu Phi.
Nếu không được điều trị, căn bệnh này có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, mù lòa, thậm chí tử vong. Nhiều người sẽ không có triệu chứng khi bắt đầu nhiễm bệnh, tuy nhiên, một số người sẽ bị đau bụng, sốt...
Theo các chuyên gia, nếu được cấp cứu kịp thời thì ký sinh trùng có thể đã bị tiêu diệt ngay lập tức. Đáng tiếc, cô gái trẻ lại phải sống chung với căn bệnh suốt 7 năm qua. Trong thời gian đó, cô bị đau mãn tính, cảm thấy sợ hãi và dằn vặt về tinh thần.
Ngày 10/1/2023, Tess đã trải qua ca phẫu thuật mới nhất nhằm khắc phục các vấn đề liên quan đến ống dẫn thức ăn. Lần đầu cô được đặt ống truyền thức ăn là vào năm 2018, sau khi ống tiêu hóa bị tê liệt một phần.
Tess kể: "Từ năm 2015 đến 2018, tôi rất ốm yếu, ra vào phòng cấp cứu liên tục cũng như các phòng khám chuyên khoa khác. Về cơ bản, không ai hiểu được điều gì đã xảy ra với tôi, mọi phương pháp điều trị thử đều không giúp tôi khá hơn".
Năm 2019 là thời điểm cô yếu nhất, phải năm viện hơn 6 tuần. Việc xét nghiệm để xác định bệnh cũng gặp trở ngại trong thời gian đại dịch.
"Việc ra vào bệnh viện liên tục và đảo lộn cuộc sống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần tôi. Căn bệnh đã hủy hoại cuộc đời tôi. Khi đó, tôi mới chỉ 20 tuổi, phải bỏ lỡ rất nhiều điều", cô tâm sự.
Hiện tại, Tess phải sống với chứng buồn nôn mạn tính, đau mạn tính, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm nghiêm trọng và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Do ký sinh trùng đã sống trong cơ thể cô nhiều năm nên gây ra nhiều tổn thương. Bác sĩ hiện không có cách nào phục hồi những dây thần kinh bị tổn thương, do đó các biến chứng sẽ theo cô suốt đời, trừ khi tìm ra phương pháp điều trị mới hiệu quả.
Việc điều trị kéo dài nhiều năm cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính gia đình Tess. Từ cuối năm 2020, cô gái bắt đầu trở lại làm việc với công việc chăm sóc người khuyết tật trong khi vẫn tiếp tục điều trị bệnh.
Chia sẻ câu chuyện của bạn thân, Tess hy vọng có thể giúp nâng cao nhận thức về loại ký sinh trùng hiếm gặp, đồng thời khuyến khích mọi người “tiếp tục chiến đấu” để tìm câu trả lời khi cảm thấy không khỏe.
Đinh Kim (T/h)