Theo báo Công Lý, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ khoa Cấp cứu vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 18 tuổi (quê Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ sau khi dùng thuốc giảm đau.
Gia đình chia sẻ, trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân bị sốt và ho nhiều. Trước lúc nhập viện, người bệnh đi khám và được bác sĩ ở phòng khám tư tiêm thuốc. Sau tiêm khoảng 30 phút, bệnh nhân thấy người chóng mặt, mệt mỏi, nổi mề đay, 2 mắt sưng nề, được gia đình đưa đến viện cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu, điều trị theo phác đồ phản vệ. Sau khoảng 30 phút, sức khỏe người bệnh ổn định nhưng 2 mắt và môi còn sưng nề.
Khai thác tiền sử cho thấy, loại thuốc người bệnh tiêm có tên Diclofenac, là loại thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau và giảm sốt mạnh. Trước đó vài tháng, bệnh nhân từng bị phản vệ sau khi tự mua và uống thuốc chữa đau bụng.
Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau khoảng 30 phút được cấp cứu, điều trị theo phác đồ phản vệ. Ảnh: Người Lao Động
Được biết, sốc phản vệ là một dự ứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh, xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên.
Dấu hiệu của sốc phản vệ tùy theo độ nặng của sốc, mức độ nhạy cảm của cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất kháng nguyên hay chất lạ. Một số dấu hiệu sớm gồm khó thở, phù nề thanh khí quản, suy tim cấp, nhịp tim nhanh, trụy mạch...
Về thuốc giảm đau, báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, loại thuốc này có thể làm giảm triệu chứng đau nhưng không chữa được nguyên nhân gây bệnh.
Việc tự ý sử dụng thuốc giảm đau hay lạm dụng thuốc giảm đau trong một thời gian dài sẽ gây ra những tác hại cho sức khỏe như tổn thương gan, thận; viêm loét dạ dày và đường tiêu hóa (tổn thương màng nhầy ở dạ dày gây xuất huyết dạ dày và đường tiêu hóa)…
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc giảm đau còn có khả năng làm mờ đi các triệu chứng nặng, khiến người bệnh chủ quan không đi thăm khám, vì thế không điều trị được triệt để bệnh. Tự ý dùng thuốc còn có thể gây phản ứng phụ như dị ứng, mẫn cảm, phản ứng phản vệ nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Do đó người dân, nhất là những người từng có tiền sử dị ứng thuốc nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như nổi ban da ngứa, buồn nôn, đau bụng, khó thở, tức ngực sau khi uống hoặc tiêm thuốc thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đinh Kim (T/h)