Khi du lịch trong nước dần phục hồi sau đại dịch, người trẻ Trung Quốc đã tìm đến những ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo với mục đích tạm thời thoát khỏi những áp lực trong cuộc sống.
Nhiều người trẻ gửi gắm niềm tin vào các cơ sở tôn giáo. Ảnh: SixTone
Dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com vào cuối tháng 2 cho thấy lượng đặt chỗ cho các chuyến thăm đền thờ đã tăng hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, những người trẻ tuổi chiếm đến một nửa trong số đó.
“Giữa việc nỗ lực thoát khỏi những áp lực ấy hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác, tôi chọn cầu xin Đức Phật giúp đỡ,” một cô gái họ Luo (25 tuổi) nói với Sixtone.
Theo đó, cô gái quê ở Thâm Quyến này đã đến thăm sáu ngôi chùa trong năm nay vì cho rằng nó giúp cô cảm thấy thư giãn sau 10 tiếng làm việc liên tục ở văn phòng mỗi ngày.
Trên Douyin, lượt tìm kiếm về những địa điểm tôn giáo đã tăng 580% trong năm nay. Trên nền tảng Xiaohongshu, có hơn 820.000 bài đăng chia sẻ mẹo về việc đi du lịch tôn giáo và thực hiện các nghi thức thờ cúng. Người trẻ Trung Quốc hiện đang coi đây là một trải nghiệm thanh lọc tâm hồn hiệu quả.
Truyền thông nước này đưa tin, Chùa Lama - một địa điểm thờ cúng Phật giáo nổi tiếng ở Bắc Kinh trung bình đã đón tới hơn 40.000 du khách mỗi ngày vào tuần đầu tháng 4.
Ngôi đền Wofo tại thủ đô Trung Quốc cũng chứng kiến hàng loạt sinh viên và nhân viên văn phòng đến cầu nguyện với hi vọng có thể vượt qua các kì thi quan trọng hoặc thăng tiến trong sự nghiệp.
Tại Chùa Lingyin ở tỉnh Chiết Giang (miền đông Trung Quốc), du khách xếp hàng dài từ sáng sớm và sau đó chen chúc ở cửa hàng lưu niệm để mua những chiếc vòng tay bằng chuỗi hạt tượng trưng cho sự bình an và hạnh phúc.
Người trẻ thắp hương và cầu nguyện tại Chùa Lama, Bắc Kinh vào tháng 2/2023. Ảnh: SixTone
Nhà phê bình về các vấn đề công cộng Song Yuqian nhận định giới trẻ đổ xô đến các địa điểm tôn giáo là do sự áp lực cuộc sống ngày càng tăng nhưng cũng có thể là do chạy theo xu hướng nhất thời trên mạng xã hội.
Trong khi đó, một báo cáo về sức khỏe tâm thần được thực hiện vào năm 2021 chỉ ra những người trong độ tuổi từ 16 đến 34 đang phải chịu mức độ áp lực cao nhất. Một cuộc khảo sát khác được các chuyên gia vào tháng 6 năm ngoái cũng cho thấy, 85% số người được hỏi đang phải đối mặt với một mức độ áp lực nhất định trong công việc.
“Việc viếng thăm một ngôi chùa mở ra một cơ hội mới để mọi người nghỉ ngơi và tạm thời thoát khỏi căng thẳng, vì các thế lực thần bí được cho là từ những vị thần khiến những người trẻ tuổi cảm thấy chắc chắn và nhờ đó có khả năng chữa lành khỏi sự kiệt quệ về tinh thần. Quá trình tôn thờ Đức Phật không chỉ tạo ra một cuộc đối thoại với một người khác, mà còn tạo ra một cuộc đối thoại với chính bản thân họ, giúp họ tìm thấy niềm an ủi”, cô Song nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nghiên cứu về tôn giáo lại cho rằng việc tìm đến các cơ sở tôn giáo chỉ để giải tỏa mà thiếu đi đức tin có thể khiến toàn bộ việc này trở nên hão huyền.
Nhà nghiên cứu Zhu Yiwen tại Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hóa Thượng Hải chia sẻ: “Bản thân họ không coi trọng các nghi lễ, cũng như không nhất thiết phải theo tín ngưỡng Đạo giáo. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản hy vọng trao một số tiền và đọc một số kinh để đổi lấy lời hứa về sự may mắn”.
Liên quan đến quan điểm của giới chuyên môn, cô Luo bày tỏ cô ấy sẵn sàng sống vài tháng trong một ngôi chùa để có trải nghiệm tôn giáo đích thực hơn nhưng không thể sắp xếp thời gian cho việc đó do lịch trình công việc dày đặc của mình.
Phương Uyên (The SixTone)