"Có hôm, cả nhà tôi từ trên xuống dưới tranh luận gay gắt, thậm chí cãi nhau vì tham gia vào một bài đánh vần của học sinh lớp 1", chị Hà kể về việc dạy kèm con tại nhà với cách đánh vần lạ trong sách tiếng Việt.
Những ngày gần đây, người người, nhà nhà, đặc biệt các gia đình có con em bước vào lớp 1 bàn tán xôn xao về phương pháp đánh vần mới của con theo chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Đa số phụ huynh đều hoang mang đặt ra câu hỏi làm thế nào để dạy kèm con học tập khi họ muốn đồng hành cùng con.
Chia sẻ của một bà mẹ có con học lớp 1 với PV báo Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Hà (Yên Khánh, Ninh Bình), tâm sự: “Ban đầu, xét về phương pháp mới mà thầy cô dạy cho con thì tôi cảm thấy không giống với những gì mình được học trước đây. Con nói một kiểu, mẹ lại cố gắng giải thích một kiểu. Ngay cả khi huy động cả nhà từ bố cháu rồi ông, bà tham gia “phân tích” thì ai cũng cảm thấy có gì đó “lạ lạ” trong cách đánh vần mới này. Nhưng cháu lại khăng khăng nói ở lớp cô hướng dẫn và dạy như vậy. Có hôm, cả nhà tôi từ trên xuống dưới tranh luận gay gắt, thậm chí có lúc cãi nhau vì tham gia vào một bài đánh vần của học sinh lớp 1".
Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có cách đánh vần khác hẳn chương trình hiện hành. |
Cũng theo chị Hà, lúc con chị bước vào lớp 1, sau mỗi buổi học, các cô sẽ có phiếu dặn dò về nhà học gì để phụ huynh cho con học theo nội dung như vậy. Chẳng hạn, viết chữ “k” bao nhiêu dòng, đánh vần chữ này bao nhiêu lần....
"Nhưng khi nhìn bảng đánh vần cô phát để phụ huynh nắm bắt và kèm cặp thêm các con ở nhà, tôi bị sốc, nhìn qua tôi không hình dung sẽ hướng dẫn cháu kiểu gì vì bản thân tôi lúc đó cũng đang “tơ-lơ-mơ”.
Cực nhất là thời gian 7h tối, khoảng thời gian đó như ám ảnh với cả hai mẹ con, nhiều khi cháu chỉ muốn bố dạy chứ không thích mẹ kèm vì mẹ hay phản đối cách đánh vần lạ và đương nhiên cháu không chịu nghe theo. Bản thân cháu nhiều khi không hợp tác với mẹ, dẫn đến hai mẹ con cứ đến giờ học là như cực hình. Cháu bảo vệ quan điểm của cháu, khóc mếu phân bua “cô con dạy không phải như thế này, cô con dạy khác cơ” rồi khóc lóc hồi lâu mới chịu học tiếp.
Cứ mỗi lần như vậy, tôi nhìn con mà bất lực, đánh không đánh được, mắng cũng không xong. Ông bà thì xót cháu, không nghĩ rằng lớp 1 thôi mà sao đã khó khăn như vậy, còn "xúi" phó mặc cho cô dạy để đỡ cãi nhau. Vợ chồng tôi cũng không nghĩ rằng chỉ một bài đánh vần của lớp 1 thôi mà làm cho cả nhà không hôm nào được yên tĩnh, không biết lên lớp trên có thể kèm cháu học tập được hay không?", chị Hà tâm sự.
Những khác biệt trong cách đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục. |
"Nhưng đến khi đưa cháu đi học, có gặp cô giáo của cháu để trao đổi thì hóa ra cháu nói không sai. Lúc ấy bản thân tôi thấy khá ngỡ ngàng và bối rối khi nghe cô khẳng định cháu đánh vần như vậy là đúng. Sau khi về nhà, tôi có nói chuyện với chồng về việc học của con thì cả bố cháu và ông bà đều bất ngờ. Bởi trước nay đánh vần hay phát âm nó khác và sử dụng bao năm nay vẫn thế không có gì đáng để lôi ra bàn cãi", chị Hà nói thêm.
Đối với cá nhân chị Hà, khi nhìn nhận phương pháp mới này, thực sự chị bị hoang mang không biết làm thế nào. “Tôi cũng không phải tuýp người lạc hậu, cổ hủ, nên thấy tình hình như vậy đã chủ động lên mạng tìm hiểu xem bây giờ chương trình mới này nó như thế nào, còn đi hỏi cả những người có con đã học qua lớp một xem họ phản ứng và có phương pháp gì để dạy các cháu hay không? Nhưng thực sự khi tìm hiểu thì tôi thấy khá lạ lẫm và không quen, cũng có thể bắt nguồn từ việc bản thân tôi đã học chương trình cũ, quen với nó nên khó tiếp nhận được cái mới như các cháu. Thỉnh thoảng tôi hay nói đùa với cháu "hay là mẹ đem sách vở đi học với con nhé”, nhưng thật ra suy nghĩ ấy đã từng có trong đầu tôi vì đơn giản chỉ để hiểu sao cho đúng và thuận lợi hơn khi kèm cặp cháu học.
Tôi cũng chưa biết chương trình trong sách Công nghệ giáo dục này có thực sự phù hợp với các cháu hay không bởi không phải trường nào cũng học phương pháp mới đó. Tôi cũng không phủ nhận hoàn toàn phương pháp giáo dục này, hơn thế tiếng Việt của nước mình rất phong phú và đa dạng, nhiều ngữ nghĩa và cách phát âm. Bây giờ mà quy về cách đọc một âm như vậy thì cũng có khả năng là các cháu tiếp thu nhanh hơn nhưng với cá nhân tôi thì thấy việc muốn dạy kèm và đồng hành cùng con trong những bài học đầu tiên cực quá...”, chị Hà phân bua.
Có lẽ không chỉ riêng chị Hà, mà rất nhiều các bậc phụ huynh có con em đi học đều có tâm lý chung như vậy. Nhưng cái mà họ quan tâm nhất sau cùng vẫn là kết quả học tập của con có thực sự như mong muốn...
Theo Người Đưa Tin