Nhiều địa phương đang áp dụng chương trình dạy theo Công nghệ giáo dục, điều này khiến nhiều phụ huynh phát sốt, lo lắng vì không thể dạy kèm được con tại nhà như trước.
Theo chương trình Công nghệ giáo dục đang áp dụng tại một số địa phương hiện nay, thì cách đánh vần môn tiếng Việt ở lớp 1 đã thay đổi so với phương pháp đánh vần truyền thống. Điều này nảy sinh vấn đề phụ huynh không thể dạy kèm cho con tại nhà. Nhiều gia đình thậm chí đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý.
Theo đó, sách tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1, ví dụ các chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ”. Nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 lo lắng vì không biết dạy thế nào cho đúng. Bởi thông thường, theo cách học trước đây, bố mẹ dạy ở nhà khác so với việc lên lớp cô giáo dạy kiểu khác.
Được biết chương trình học lớp 1 này đang học theo cuốn sách dạy học tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành). Hiện tại, chương trình phổ thông có 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, một cuốn khác là tiếng Việt lớp 1 (gọi là bộ sách hiện hành).
Có con năm nay vào lớp 1, chị Hiền (TP.Thái Nguyên) hoang mang: “Trước khi chuẩn bị vào năm học mới, tôi có dạy cho con cách đánh vần cơ bản như những năm trước. Thế nhưng mới đây khi vào năm học, cháu xung phong đánh vần trước lớp thì cả lớp đã cười ồ lên vì cháu đánh vần “sai”. Về nhà, cháu hờn dỗi và nhất quyết không học theo cách mẹ dạy. Thậm chí, cháu còn phụng phịu "bắt đền" mẹ mấy ngày vì mẹ khiến các bạn cười.
Nhiều lúc ông bà cũng dạy cho cháu nhưng vừa dạy là cháu phản bác ngay, bảo bà dạy sai rồi. Như vậy là cách dạy ở nhà trường với cách dạy ở gia đình đang mâu thuẫn nhau". Hiện, chúng tôi cũng đang không biết làm thế nào, chắc đành "bó tay" thôi".
[presscloud]3999[/presscloud]
Chị Hiền cho hay: "Gia đình sau đó đã bình tĩnh suy nghĩ, việc bộ GD&ĐT cho phép áp dụng chương trình mới thì chắc cơ quan quản lý về lĩnh vực giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy tôi quyết định không dạy cháu môn tiếng Việt mà giao hoàn toàn cho các thầy cô ở trường, ở nhà chỉ kèm cháu môn Toán".
"Hiện nay, rất nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 đều hoang mang lo lắng, bởi họ không thể dạy cho con. Vậy nên theo tôi, Bộ nên phối hợp với nhà trường để có hướng dẫn, thậm chí có những buổi dạy để giới thiệu cho phụ huynh hiểu, từ đó có phương pháp đúng nếu muốn dạy thêm cho con ở nhà, giúp các cháu tiến bộ. Lớp học trên thành phố rất đông, cô giáo khó kèm hết các cháu, trong khi năng lực tiếp thu mỗi cháu lại không đều nên việc bố mẹ kèm cặp thêm ở nhà là rất cần thiết”, chị Hiền bày tỏ.
Cũng từng có con học lớp 1, chị Nguyễn Thị Đào (Sơn Dương,Tuyên Quang) vẫn không thể quên những câu chuyện dở khóc dở cười, chị kể: “Năm ngoái khi con chị mới vào lớp 1, về nhà nghe cháu phát âm "cờ-oa-qua-hỏi-quả" tôi rất sốc và khẳng định là con đánh vần sai. Tuy nhiên, cháu kiên quyết bảo ở trường cô giáo dạy như vậy. Tôi lại sửng sốt nghĩ cô giáo dạy sai. Đến tận trường phản ánh mới hay cô giáo dạy đúng".
"Từ đó đến hết năm học lớp 1 của cháu, bố mẹ không thể kèm và kiểm tra môn tiếng Việt của cháu được, ở nhà chỉ dạy được môn Toán. Phụ huynh nhiều khi gặp nhau tâm sự, giờ phải đi học lại lớp 1 thì về mới dạy được con. Vậy nên, mọi việc phó mặc cho nhà trường và cô giáo", chị Đào kể.
Tuy nhiên theo những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy, thì về vấn đề này phụ huynh không cần phải quá hoang mang, lo lắng như vậy.
Cô giáo Nguyễn Thúy Hằng (TP.Thái Nguyên) khẳng định: “Nhiều phụ huynh ban đầu lo lắng bởi cách dạy mới khiến họ không nắm được, vì thế không thể dạy cho con ở nhà, nên sinh ra hoang mang lo lắng".
Với kinh nghiệm hơn 30 năm giảng dạy, cô Hằng khẳng định: "Chương trình Công nghệ giáo dục do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nghiên cứu là rất khoa học, giúp các cháu hiểu nhanh và ít mắc lỗi chính tả hơn trước. Từng dạy cả hai thời kỳ học sinh theo chương trình cũ và chương trình mới tôi khẳng định, các cháu học chương trình mới tiếp thu nhanh hơn và dễ hiểu hơn”.
Một số cách đánh vần theo chương trình Công nghệ giáo dục. |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, cô Nguyễn Thu Hường (trường tiểu học Giao Yến, Giao Thủy, Nam Định), cho biết: "Các cháu chỉ học theo học chương trình mới ở lớp 1, khi vào lớp 2 các cháu đã hoàn tất phần phát âm ở lớp 1 và học bình thường không có vấn đề gì. Khi lên học lớp 2, các cháu vẫn theo đúng chương trình, tiếp thu bài cũng như học bài hoàn toàn bình thường như trước kia".
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách vụ Giáo dục tiểu học (bộ GD&ĐT) cho biết đây không phải là chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng do lâu nay phụ huynh đã quen với cách đánh vần từ chương trình xưa nên nghe cách đánh vần mới của các cháu thì thấy lạ lẫm, cứ nghĩ là sai. Tuy nhiên từ nhiều năm trước tại các địa phương đang thử nghiệm thì các giáo viên dạy học cho các học sinh đều không xảy ra vấn đề gì. "Chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định Quốc gia của bộ GD&ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác, hay như các phụ huynh nói là “lạ”, với cách của chương trình đại trà hiện hành. Bộ GD&ĐT đã thẩm định và cũng chấp nhận phương pháp của GS. Hồ Ngọc Đại, bởi dạy cho học sinh luật chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học" - đại diện bộ GD&ĐT giải thích. “Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Bộ cũng không xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục chứ không dạy ngoài chương trình như một số phụ huynh đã thông tin”, ông Hữu khẳng định. |
Theo Người Đưa Tin