Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học sinh lớp 1 đánh vần theo phương pháp mới: Phụ huynh hoang mang, Bộ GD-ĐT đánh giá cao

(DS&PL) -

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, phương pháp học theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được thông qua và áp dụng từ nhiều năm nay.

Gần đây rất nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn về việc không biết kiến thức con mình đang được học có đúng chuẩn hay không khi cách đánh vần có phần "khác lạ" so với truyền thống. Song, theo đại diện Bộ GD-DT thì phương pháp học theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã được thông qua và áp dụng từ nhiều năm nay.

Chữ “C”, “K” hay “Q” đều đọc là "cờ"

Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần đang thu hút sự quan tâm của nhiều người với những tranh luận trái chiều.

Trong đoạn clip được phụ huynh ghi lại, cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần từng âm tiết trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cách đánh vần này vẫn khiến các bậc phụ huynh thấy “ngờ ngợ” và có vẻ khác thường.

[presscloud]3967[/presscloud]

Đoạn clip sau khi được đăng tải ít giờ đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận. Nhiều ý kiến cho rằng cách đánh vần này không giống với cách đánh vần thông thường mà trước đây các phụ huynh từng được học, thậm chí nhiều người đã hướng sự chỉ trích về cách dạy học của cô giáo trong đoạn clip.

Trao đổi với PV Lao Động, chị V.G ở Thái Nguyên có con năm nay vào lớp 1 cho biết: “Ngày đầu tiên cho con đi học ở trường tôi thấy cô giáo phổ biến sẽ dạy các chữ “c”, “k”, “q” đều đọc là /cờ/.

Thấy lạ, tôi đi hỏi một vài phụ huynh khác cũng có con vào lớp 1 thì có phụ huynh lại cho hay là con họ đang được cô giáo dạy chữ “c” đọc là /cờ/, “k” đọc là /ca/ và “q” đọc là /cu/ nên tôi vô cùng lo ngại về kiến thức mà con tôi đang được tiếp nhận. Tôi cũng không biết về nhà dạy con như thế nào bởi kiến thức này lần đầu tôi mới được nghe thấy”.

Dò hỏi thêm, chị V.G mới biết con mình đang được học theo kiến thức bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành. Cách dạy phát âm của bộ sách này so với bộ sách hiện hành có nhiều khác biệt.

“Tôi khó có thể dạy con theo cách mới, cũng chưa từng nghe nói về cách thức mới này. Ví dụ ngày trước chúng ta đánh vần chữ “hạnh” là: /hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/, hoặc /a/-/nhờ/-/anh/-/hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/ thì giờ các con không được đánh vần nữa mà phải đọc là /hanh/-nặng-/hạnh/", chị G. nói.

Phụ huynh hoang mang, không biết cách dạy con đánh vần theo phương pháp mới. Ảnh: Lao Động

Không chỉ phụ huynh, một số giáo viên cũng thẳng thắn bày tỏ “nhiều từ, nhiều câu thầy cô còn khó hiểu huống gì là trò”. Theo đó không ít từ ngữ, cách nói theo địa phương miền Bắc nên nhiều người ở vùng miền khác không hiểu. Trong sách xuất hiện nhiều từ như “ghì bế bé, bồng ẵm, quả chấp, gà qué, chú ỉ, bé huơ, bé quờ” hay “khi bé đi đã khá, bà chả bế, bà để bé đi”. Cụm từ “bà chả bế”; “Bà à, bé kể, chị Chi chả ghi, chị chỉ ghì bé, kì ghê”...

Tương tự, cách đánh vần mới bỗng nhiên trở nên cực khó khi chữ “ki” phải đánh vần là “cờ-i-ki”. chữ “qua” phải đánh vần là “cờ -oa- qua” chứ không phải cách đánh vần quyền thống “quy- oa- qua”.

Một giáo viên tỉnh Bắc Giang phàn nàn: “Lớp 1 dạy các em chữ “c”, “k”, “q” đều đọc là /cờ/ nhưng lên lớp 2 nếu lại học tiếp theo chương trình cũ phải hướng dẫn lại cách đọc “c” là /cờ/, “k” là /ca/, “q” là /cu/ dẫn đến học sinh cứ nhầm lẫn lung tung rồi học trước quên sau. Cũng theo giáo viên này, bởi cách học như thế nên không ít học sinh cứ nhầm lẫn khi viết “Tổ quốc” với “Tổ cuốc”, “kiên quyết” với “ciên quyết”…".

Không chỉ vậy, nguyên âm đôi “iê”, “ia”, “yê”, “ya” cùng đánh vần là /ia/; 2 nguyên âm đôi “ươ” và “ưa” cùng đánh vần là /ươ/, 2 nguyên âm đôi “uô” và “ua” cùng đánh vần là /ua/… khiến nhiều người khó có thể hiểu và làm quen ngay được.

Nguyên tắc đánh vần theo âm, không đánh vần theo chữ

Theo đó, tại Việt Nam, có hai cách đánh vần tiếng Việt dựa theo hai bộ sách do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Trong đó, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại biên soạn được triển khai từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội).

Sau đó, từ năm 2014, bộ sách được áp dụng áp dụng rộng rãi tại một số trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác. Tính đến năm học 2018-2019, đã có gần 50 tỉnh, thành phố với hơn 800.000 học sinh theo học chương trình này, tạo nên 2 lứa học sinh lớp 1 có cách phát âm khác nhau. 

Về mục tiêu, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục giúp học sinh phải đọc thông, viết thạo, nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, nắm vững luật chính tả. Từ đó, học sinh không thể tái mù. Học sinh được học luật chính tả rất kỹ, theo nguyên tắc gặp ở đâu sẽ giải quyết ở đó. Nhờ đó, học sinh sẽ nắm luật rất kỹ và không bị viết sai chính tả.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của Công nghệ Giáo dục, 1 âm ghi lại bằng 1 chữ nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau. Do đó, 1 âm /chờ/ được ghi lại bằng 1 chữ ch (chữ:chờ) chứ không phải là được ghép lại từ 2 chữ c và h.

Có những trường hợp 1 âm không phải chỉ được ghi lại bằng 1 chữ mà có thể là 2, 3, 4 chữ, do đó, cần có căn cứ là Luật chính tả.

Cụ thể cách đánh vần như sau:

Cách đánh vần theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Bộ GD-ĐT chấp nhận cách đánh vần “lạ” cho học sinh lớp 1

Để làm rõ thắc mắc của các bậc phụ huynh, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) đã có những chia sẻ xung quanh vụ việc trên báo VietNamnet.

Theo Phó Vụ trưởng Hữu, "cái "lạ" này xảy đến bởi các phụ huynh trước đây quen với cách đánh vần như chương trình đại trà hiện hành. Nhưng tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại thì đi theo hướng ngữ âm học và bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới hay phát hiện mới lạ. Có thể với những phụ huynh thấy lạ tai nên câu chuyện mới xôn xao như vậy, chứ những năm trước đây những trường, địa phương theo chương trình này đã dạy học như vậy mà không có vấn đề gì".

Cô giáo trong đoạn clip hướng dẫn phụ huynh để có thể hỗ trợ con khi ở nhà. “Thế nhưng dạy theo chương trình Công nghệ Giáo dục thì cách đánh vần và phát âm khác với chương trình đại trà hiện hành nên khiến nhiều phụ huynh xôn xao”, ông Nguyễn Đức Hữu cho biết.

Cũng theo ông Hữu, thực tế có nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh sau khi tiếp cận chương trình này cũng đánh giá là bình thường, không vấn đề gì.

“Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác hay như các phụ huynh nói là “lạ” với cách của chương trình đại trà hiện hành”, ông Hữu giải thích.

Hiện, Bộ GD-ĐT đã thẩm định và cũng chấp nhận phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, bởi dạy cho học sinh luật chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học.

“Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Bộ cũng không xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục”, ông Hữu nói.

Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục đã được Hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT đánh giá là tạo ra một số nét khác biệt đáng ghi nhận trong phương pháp dạy học Tiếng Việt.

Tài liệu này có những ưu điểm như: Vận dụng định hướng học qua thực hành, giúp học sinh hiểu khái niệm và có kỹ năng ngôn ngữ. Thông qua “chuỗi việc làm” trên lớp theo yêu cầu “thầy thiết kế, trò thi công” để học sinh tự hình thành kiến thức và rèn luyện kỹ năng đọc và viết. Đồng thời, giúp học sinh nắm vững các quy định về chính tả để viết đúng và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng. Phương pháp “lập mẫu” và “dùng mẫu” để học sinh tự lập ra các vần mới, tiếng mới có những hiệu quả nhất định. Một số hoạt động, chẳng hạn thao tác phân tích tiếng bằng tay, có phần khơi gợi được hứng thú của học sinh. 

Tài liệu cũng được nhìn nhận là có một số hạn chế như: Việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ,v.v..

Trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” có hiệu lực.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật