Một năm học mới 2018 - 2019 lại sắp bắt đầu, nhưng từ trước đó người ta đã bắt gặp muôn vàn câu chuyện “dở khóc dở cười” trong mùa tuyển sinh này.
Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội đã phải trải qua một năm đầy vất vả. |
Kết thúc năm học 2017-2018, cả nước có hơn 1,88 triệu trẻ 6 tuổi vào lớp 1, hơn 1,54 triệu HS vào lớp 6 và hơn 1,26 triệu HS lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 hoặc phân luồng học nghề, lao động sản xuất. Riêng tại Hà Nội, một kỳ tuyển sinh được dự báo muôn vàn khó khăn, khi sở GD&ĐT thông báo số lượng thí sinh tăng đột biến so với năm học 2017 – 2018. Cụ thể, năm nay Hà Nội có 130.000 HS lớp 1, tăng 30.000 HS so với năm học 2017-2018; đối với số thí sinh vào lớp 10 là 94.964 em, tăng 22.000 em so với năm ngoái.
Sáu giờ sáng một ngày đầu tháng 7, hàng chục phụ huynh đã có mặt từ sớm tại cổng trường THCS, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội để mong có thể lấy lại tiền “phí giữ chỗ” mà họ đã đóng cho con. Sau khi kết thúc kỳ thi vào lớp 10, lo ngại trước việc con mình không thể đỗ vào trường công lập, nhiều phụ huynh đã phải nộp hồ sơ kèm theo một khoản phí 6 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi con đã đỗ vào một trường công lập phụ huynh đi rút hồ sơ và lấy lại tiền thì gặp muôn vàn khó khăn.
Anh Nguyễn Tuấn, một phụ huynh có con nộp hồ sơ tại trường này là một trong những phụ huynh đã gặp nhiều khó khăn trong việc rút hồ sơ và lấy lại tiền đã đóng. Anh Tuấn nói: “Con tôi thi vào trường THPT Trương Định vì không chắc về khả năng đỗ nên gia đình đã nộp thêm hồ sơ vào trường THPT Lương Thế Vinh, nhà trường hứa sẽ cho rút hồ sơ và trả lại các khoản nộp. Lúc nộp hồ sơ vào đây, tôi đã nộp các khoản gồm: Học phí (2 triệu đồng/tháng), xây dựng trường (2 triệu đồng/năm), đồng phục (1,5 triệu đồng ), lệ phí tuyển sinh (300.000 đồng), tiền vở (270.000 đồng), tổng cộng là 6.070.000 đồng”.
“Tuy nhiên, sau khi có kết quả, cháu đỗ vào trường THPT Trương Định thì tôi đến rút hồ sơ nhưng gặp nhiều khó khăn. Nhà trường chỉ cho lấy lại tiền vở (270.000 đồng), còn lại nhà trường nói sẽ cho vào “quỹ Khuyến học”. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì sở GD&ĐT đã có chỉ đạo trường tạo điều kiện cho phụ huynh rút hồ sơ và trả lại 100% tiền đã nộp. Như vậy hiện nay trường làm như vậy là sai quy định”, anh Tuấn cho hay.
Trước diễn biến phức tạp của sự việc, sở GD&ĐT đã có công văn yêu cầu trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tạo điều kiện cho HS rút hồ sơ và trả lại lệ phí đặt chỗ, tuy nhiên nhiều phụ huynh đến trường đề nghị được rút khoản tiền hơn 6 triệu đồng đã đóng trước đó, nhưng thậm chí họ còn không được bước chân vào trường.
Sau đó, bằng nhiều biện pháp thuyết phục của sở GD&ĐT cũng như áp lực từ dư luận xã hội thì trường này cũng chấp nhận tạo điều kiện để phụ huynh rút hồ sơ kèm theo một phần khoản tiền đã đóng.
Chưa bao giờ, việc tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội lại gặp cảnh nhốn nháo như vậy. Hàng trăm phụ huynh có con nộp hồ sơ vào trường THPT Tạ Quang Bửu Hà Nội nhốn nháo vì điểm chuẩn lớp 10 tại trường này "nhảy múa" như sàn chứng khoán.
Sáng 30/6, anh Quân hớt hải đi hoàn thiện hồ sơ để sớm nhập học cho con. Nhưng đến chiều 30/6, định đến trường để nộp, lên website của trường nhìn lại xem có thiếu gì trong hồ sơ không, anh chưng hửng vì không hiểu vì sao điểm chuẩn lại “nhảy múa”. Sáng 46, chiều đã lên 49 điểm.
“Phụ huynh chúng tôi chóng mặt, vừa sáng thì con đỗ, chiều con lại thành trượt. Không biết có năm nào, trường nào mà điểm chuẩn lại nhảy múa như sàn chứng khoán như vậy không?”, anh Quân nghẹn giọng.
Không chỉ ở khối lớp 10, tại Hà Nội các trường cũng phải oằn mình gánh HS khi lượng thí sinh tăng cơ học quá lớn trong khi hệ thống trường công chưa theo kịp.
Năm học 2017-2018, khối lớp 1 trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ có tám lớp, sĩ số 50 em/lớp. Thế nhưng năm học này, số HS lớp 1 của trường là 67-69 HS/lớp. Không những thế, nhà trường còn phải mở thêm ba lớp 1 cho HS tại đây để đảm bảo nhu cầu.
Theo báo cáo, tại một số trường tiểu học ở Hà Nội, nhiều sĩ số lớp học lên tới trên 60 HS/lớp: trường tiểu học Nghĩa Đô, có lớp sĩ số lên tới 68 HS; trường tiểu học Nguyễn Trãi là 64-66 HS; trường tiểu học Dịch Vọng là 60 HS; trường tiểu học Phan Đình Giót là 69 HS.
Một số trường tiểu học tại khu vực các quận Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân năm nay sĩ số các lớp 1 cũng đều tăng so với mọi năm. Một số trường có sĩ số 64-65 HS.
Một cán bộ sở GD&ĐT Sơn La bị bắt vì liên quan đến gian lận điểm thi. |
Chiều 27/6, sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2018, tại trụ sở bộ GD&ĐT đã diễn ra buổi họp báo thông tin về kỳ thi này. Đại diện bộ GD&ĐT khẳng định kỳ thi diễn ra tốt đẹp và hứa hẹn rằng kết quả của kỳ thi này sẽ phục vụ tốt cho các trường đại học tuyển sinh.
Tuy nhiên, sau khi công bố điểm thi dư luận đã đặt ra nghi ngờ khi nhiều địa phương có điểm cao bất thường. “Tiếng sét” lớn đầu tiên đến từ Hà Giang, sau khi đoàn công tác của bộ GD&ĐT kết thúc 4 ngày rà soát những bất thường tại địa phương này đã phát hiện ra tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Qua chấm thẩm định cũng cho thấy một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1,0 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn GDCD có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.
Điều đáng nói, trước đó khi dư luận đặt ra những nghi vấn về dấu hiệu bất thường trong điểm thi của tỉnh này, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc sở GD&ĐT đã một mực khẳng định rằng kỳ thi đã diễn ra “nghiêm túc, đúng quy trình”.
Chưa dừng lại ở Hà Giang, “cơn bão” mang tên gian lận thi cử sau đó quét sang 2 địa phương khác là Sơn La và Hòa Bình. “Cơn bão” này được ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, bộ GD&ĐT đánh giá là “tinh vi và xảo quyệt hơn Hà Giang”.
Cụ thể, tại Sơn La, ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc sở GD&ĐT đã khai rằng đã tiêu hủy đĩa CD gốc lưu trữ dữ liệu của toàn bộ các bài thi của thí sinh. Cơ quan điều tra mặc dù đã huy động máy móc hiện đại và những người tinh nhuệ nhất tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể tìm ra bài thi gốc của thí sinh.
Tương tự, Hòa Bình, hành vi gian lận của địa phương này cũng là vô cùng tinh vi. Nó tinh vi đến nỗi ngay cả ông Giám đốc sở này cũng bị “che mắt”, để rồi khi sự việc vỡ lở ông này đành phải nói rằng vì quá tin tưởng cấp dưới trong quá trình làm việc.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 9 cán bộ công tác trong ngành giáo dục tại 3 địa phương này bị khởi tố vì liên quan đến bê bối gian lận thi cử vô tiền khoáng hậu này.
Hệ quả của việc này không chỉ làm mất đi sự công bằng trong kỳ thi vốn được dư luận xã hội đánh giá rất cao. Mà hơn nữa, một hậu quả nhãn tiền là các trường đại học đang phải “gánh” những thí sinh gian lận trong bối cảnh chưa tìm ra được bài thi gốc tại Sơn La và Hòa Bình.
Thậm chí, việc này còn cướp đi cơ hội đỗ đại học của rất nhiều thí sinh khác, những thí sinh nghèo khó mà chỉ có đỗ đại học mới có thể thay đổi cuộc sống. GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó đại học Y Hà Nội cho hay: “Trong tuyển sinh việc hạ 0,25 điểm chuẩn sẽ có rất nhiều thí sinh nằm trong diện trúng tuyển. Nên nhà trường phải xem xét vào trường hợp thực tế, nếu số lượng nhiều hơn 3 thí sinh bị đuổi thì có khả năng sẽ xem xét tuyển bổ sung”.
Ông Tú cũng khẳng định rằng, những thí sinh gian lận để đỗ vào trường đại học Y Hà Nội sẽ không có cơ hội học để ra trường cho dù không bị phát hiện gian lận: “Học ở trường Y Hà Nội rất khó, những kỳ thi nếu như không phải là người giỏi sẽ rất khó để trụ lại”.
Tại trường học viện An ninh Nhân dân, nơi mà dư luận xã hội cho rằng sẽ có nhiều thí sinh điểm cao đến từ những địa phương Sơn La, Hòa Bình nộp hồ sơ, lãnh đạo nhà trường đã phải đề nghị Cơ quan điều tra nhanh chóng rà soát để tìm ra những thí sinh gian lận.
Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai buộc phải nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh. |
Choáng – là từ để diễn tả sau khi khi các trường đại học công bố đề án tuyển sinh. Một số trường đã đưa ra những tổ hợp tuyển sinh mà xưa nay chưa từng xuất hiện.
Trong đề án tuyển sinh của mình, nhiều trường đại học đã đưa tổ hợp các môn xã hội vào xét tuyển cho khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh… điều này khiến nhiều chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi phải chăng các trường đang cố gắng đào tạo vì lợi nhuận?
Nguyên nhân dẫn tới điều này là bởi lẽ, các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của mình. Quy chế tuyển sinh đã quy định: Các trường được sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Mặc dù quy định là như vậy, tuy nhiên trước việc các trường “xé rào”, bộ GD&ĐT cũng đã “thổi còi” để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của chính nhà trường, chất lượng đào tạo cho xã hội…
Những trường đại học nằm ở top dưới đã gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh, trong khi những trường top đầu đã hoàn thành và sinh viên đã nhập học đầy đủ thì có trường đến nay mới chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu.
Người ta không biết nên thương hay nên trách trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai khi trường này đã nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh của mình. Nguyên nhân là bởi, chỉ có duy nhất 1 thí sinh nộp hồ sơ vào khoa sư phạm Tiểu học của trường này, nếu giữ nguyên điểm chuẩn như cũ thì em này sẽ đỗ. Và như vậy, sẽ rất khó trong việc tổ chức một lớp mà chỉ có 1 thí sinh.
Có lẽ, trước việc này dư luận nên dành sự thông cảm cho lãnh đạo trường CĐ Sư phạm Gia Lai cũng như nhiều trường sư phạm khác, bởi lẽ, việc này báo trước một tương lai không hề tươi sáng cho các trường sư phạm.
Theo Người Đưa Tin